Ngày 15/2, Bộ Y tế Việt Nam công bố thông tin cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá tích cực về năng lực của Việt Nam trong việc xử lý dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) gây ra.
Theo WHO, ngay từ giai đoạn đầu khi Trung Quốc ghi nhận 27 ca viêm phổi cấp tại thành phố Vũ Hán, Bộ Y tế Việt Nam đã có chỉ đạo phòng dịch, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh ngay tại cửa khẩu và cộng đồng, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn.
Đến ngày 11/1, khi Trung Quốc xác nhận trường hợp đầu tiên tử vong do viêm phổi mới, Việt Nam nhanh chóng thắt chặt kiểm soát y tế tại cửa khẩu, sân bay. Khách nhập cảnh được kiểm tra thân nhiệt, bất kể ai có biểu hiện ho, sốt, đau tức ngực… có tiền sử dịch tễ liên quan đến vùng dịch đều được cách ly, theo dõi, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, quản lý chặt chẽ ca bệnh tại các cơ sở y tế.
Các đội phản ứng nhanh cũng được thành lập tại hàng chục bệnh viện lớn và viện quân y, mỗi đội gồm ít nhất hai bác sĩ và xe cứu thương, có thể cơ động tới mọi địa bàn.
WHO cũng cho biết, Việt Nam đã làm tốt công tác giám sát, cách ly người nghi nhiễm và điều trị bệnh nhân, ngay từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên.
Tổ chức này nhận định, năng lực của Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, kể cả các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, đã tăng lên đáng kể. WHO gọi đây là năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp.
Theo số liệu công bố chính thức, hiện cả nước Việt Nam đang có 16 ca dương tính với Covid-19, trong đó có 11 người ở Vĩnh Phúc. Tất cả những người có liên quan tiếp xúc gần với người dương tính virus đều đang được cách ly, theo dõi.
WHO cũng ca ngợi Trung Quốc kiểm soát dịch tốt
Trong một diễn biến liên quan, gần đây, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã trở thành tâm điểm của nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc ông ca ngợi cách Trung Quốc xử lý dịch bệnh.
Khi virus corona lây lan khắp Vũ Hán hồi tháng 1, WHO đã dựa vào các thông tin từ Trung Quốc để kết luận rằng nước này xử lý được dịch.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh lan ra khắp các tỉnh thành Trung Quốc cũng như nhiều nước khác, Tổng giám đốc WHO vẫn ca ngợi “sự minh bạch” của Bắc Kinh, mặc dù có bằng chứng cho thấy chính quyền Trung Quốc đã buộc những người cảnh báo sớm phải giữ im lặng và hạ thấp mức nghiêm trọng của dịch.
Một số nhà phê bình cho rằng vị lãnh đạo WHO người Ethiopia đang muốn lấy lòng Bắc Kinh, đặc biệt là sau khi báo chí phương Tây nhiều ngày nay đặt dấu hỏi về việc các quan chức Vũ Hán công bố chậm trễ sự lây lan của virus, thậm chí cố tình che đậy dịch bệnh.
Hôm 10/2, hơn 350.000 người cũng đã ký bản kiến nghị trực tuyến kêu gọi người đứng đầu WHO từ chức vì thiếu sót khi xử lý dịch virus corona.
Người khởi xướng đơn kiến nghị đã chỉ trích WHO đánh giá thấp virus corona và chậm trễ trong việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Người này cũng đặt câu hỏi về tính trung lập chính trị của ông Ghebreyesus khi nhiều lần bảo vệ các nỗ lực của Bắc Kinh.
Thùy Linh (t/h)