Ngày 4.7 vừa qua, chuyện vua Tupou VI chính thức lên ngôi dù đã ngồi ngai vàng hơn 3 năm, thu hút sự chú ý của quốc tế dành cho Tonga – quốc gia bé xíu bao gồm hơn 170 hòn đảo ở Thái Bình Dương. Tonga đang trải qua những biến đổi mạnh mẽ về chính trị và đây là dấu mốc mới của một vương triều hơn 1.000 tuổi, kể từ khi người tiền nhiệm – vua George Tupou V lên ngôi năm 2008.
Bước chuyển mình mạnh mẽ
Nếu như năm 2008, lễ đăng quang của vua George Tupou V là sự kiện hút 5.000 du khách đến Tonga và tiêu tốn hết 9 triệu tiền Tonga của ngân sách thì những nghi lễ và các lễ hội đường phố chào mừng vua Tupou VI chỉ chừng mực ở con số 3 triệu tiền Tonga (tương đương 1,9 triệu USD). Người ta ước tính, hơn 15.000 người Tonga đang làm việc ở nước ngoài đã về nước ăn mừng sự kiện này. Có thể nói, vị vua mới của vương quốc người Đa Đảo (người Polynesia) đã giúp giành lại sự yêu mến từ công chúng vốn bị xói mòn từ thời cha của ông – vua Taufa’ahau Tupou IV. Bởi hơn 41 năm trị vì, kết thúc năm 2006 khi vua Tupou IV qua đời, 40% dân số Tonga sống dưới mức nghèo (theo báo cáo của Ngân hàng ADB). Tonga năm 2008 còn bị tạp chí Forbes xếp hạng đất nước tham nhũng thứ 6 thế giới. Tất cả chỉ vì: vương triều điều hành toàn bộ hoạt động của chính phủ và nắm cổ phần chi phối ở những công ty cơ sở hạ tầng như điện, nhà máy bia và hãng hàng không duy nhất của đất nước.
Đến khi vua Tupou V lên nắm quyền năm 2006 thì những đổi thay ở Tonga mới manh nha bắt đầu, một phần do áp lực từ phong trào ủng hộ dân chủ. Những cuộc bạo động nổi lên, khiến lễ đăng quang của vua Tupou V phải dời đến gần 2 năm sau và đó cũng là lý do khiến Thủ tướng Aho’eitu ‘Unuaki’otonga Tuku’aho (cũng chính là vua Tupou VI hiện nay) phải từ chức sau 6 năm cầm quyền.
Trước những diễn biến thời cuộc, vua Tupou V – một người diêm dúa với kiểu trang phục quân đội và mang mắt kiếng một mắt lập dị, đã giữ đúng lời hứa của mình khi đất nước có tổng diện tích 750 km2 tổ chức bầu cử quốc hội năm 2010. Lần đầu tiên trong lịch sử, đa số các nghị sĩ là do người dân bỏ phiếu bầu chọn và vị vua từng học ở Oxford vẫn giữ cương vị nguyên thủ quốc gia nhưng từ bỏ quyền hành pháp và không còn quyền bổ nhiệm thủ tướng hay bộ trưởng như trước. Đây được xem như một phần công cuộc chuyển đổi từ một trong những vương quốc còn sót lại của thế giới, nơi mà vua nắm quyền lực tối cao, sang nền quân chủ lập hiến.
Ông vua thế hệ mới
Không khí lễ hội tràn ngập Tonga bắt đầu 1 tuần trước lễ đăng quang 4.7 và kéo dài suốt 11 ngày trong sự hòa hợp mới giữa hoàng gia với nhân dân và sự ủng hộ của Thủ tướng Akilisi Pohiva. Nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng nhất của Tonga phát biểu: “Chúng tôi yêu quý nhà vua, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì chế độ quân chủ từ nay cho đến tương lai”. Đây cũng là lễ đăng quang đầu tiên được tổ chức bởi một quốc hội được bầu chọn dân chủ hơn với sự góp tay của một thường dân – chính là thủ tướng hiện tại.
Và có một nhân vật vô cùng quan trọng phải bay từ Melbourne (Úc) đến thủ đô Nuku'alofa để thực hiện nghi thức đội vương miện cho nhà vua và hoàng hậu – đó là mục sư về hưu người Úc D’Arcy Wood, bởi theo phong tục, không một người Tonga nào được phép chạm vào đầu đức vua. Mục sư Wood sinh ra ở Tonga, nơi cha ông làm việc và gặp vua Tupou VI vào thời điểm nhà vua đang đảm nhiệm vị trí Cao ủy Tonga đầu tiên tại Úc – từ năm 2008 đến 2012, khi anh trai, vua George Tupou V qua đời.
Được xem là phiên bản trái ngược với anh trai về hình thức, “vua Tupou VI không thích xe xịn hay thời trang hàng hiệu và là một người rất khiêm tốn” – nhận xét của nhà nghiên cứu lịch sử Areti Metuamate (Đại học quốc gia Úc). “Ông ấy là một vị vua sống thanh đạm, rất ghét phô trương. Ông ấy giống anh trai mình ở quan điểm ủng hộ dân chủ, chỉ khác là thận trọng hơn trong cách áp dụng”, Metuamate cho biết thêm. Nếu vua George Tupou V thích di chuyển trên những chiếc xe hoành tráng bóng lộn với lý do “để dễ dàng ra vào khi mang theo kiếm bên mình” thì vua Tupou VI rất thích xe gắn máy. Những khác biệt nho nhỏ này cùng với sự tiếp nối di sản do anh trai để lại giúp vị vua 56 tuổi từng học ở Cambridge chiếm được lòng tin của người dân, nhất là những thay đổi mạnh mẽ về kinh tế. Bởi công việc ở Tonga rất hiếm và nguồn sống của tổng dân số gần 110.000 người phần lớn phụ thuộc vào nguồn tiền do người Tonga làm việc ở nước ngoài như New Zealand, Úc, Mỹ và Anh gửi về.
Nguyệt Hàn |
Theo Thanh Niên