Tinh Hoa

Vườn quốc gia Cúc Phương: Vẻ đẹp tiềm ẩn giữa đại ngàn

Cách Hà Nội khoảng 120km về phía nam, Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương, thuộc địa phận ba tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa, có tổng diện tích là 22.408 ha. Với nhiều giá trị về cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng về hệ sinh thái, các giá trị văn hóa, lịch sử nên từ lâu Cúc Phương đã trở thành điểm du lịch sinh thái nổi tiếng và hấp dẫn.

Đường lên tiên cảnh

Nằm lọt thỏm trong lòng dãy núi Tam Điệp, Cúc Phương được bao bọc bởi một hệ thống các núi đá vôi chạy dài tít tắp, một kiểu địa hình đặc trưng của khu vực Ninh Bình. Từ xa xưa, Cúc Phương là nơi cư trú và sinh sống của cộng đồng người Mường với những nét văn hóa độc đáo, đó là những nếp nhà sàn, ruộng bậc thang, những cối giã gạo nương, những khung dệt thổ cẩm, độc đáo hơn là những lễ hội, phong tục tập quán và nếp sống cộng đồng mà du khách có thể cảm nhận được trong thời gian thăm bản. Từ xưa đến nay, VQG Cúc Phương luôn nổi danh bởi sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và hệ sinh thái động – thực vật phong phú, đại diện cho hệ sinh thái đai thấp ở khu vực Bắc bộ. Chính bởi những giá trị to lớn mà Cúc Phương đang sở hữu, ngày 7/7/1962, theo Quyết định số 72/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Cúc Phương đã vinh dự trở thành VQG đầu tiên của Việt Nam.

VQG Cúc Phương như một “nàng công chúa ngủ trong rừng”
Để khai thác một cách có hiệu quả tiềm năng du lịch sinh thái, BQL VQG Cúc Phương đã và đang tập trung khai thác thế mạnh cảnh quan thiên nhiên, nhằm phát triển loại hình du lịch sinh thái phục vụ nhu cầu thăm quan, nghỉ dưỡng; tour du lịch khám phá mạo hiểm kết hợp với việc thực hiện các chương trình hợp tác nghiên cứu, học tập…nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, Cúc Phương đã thu hút được 34.000 lượt khách đến thăm quan và nghỉ dưỡng.

Với đặc trưng là rừng nhiệt đới, xanh quanh năm, Cúc Phương có một quần thể động, thực vật vô cùng đa dạng, theo số liệu điều tra gần đây Cúc Phương có đến 2.234 loài thực vật bậc cao và rêu, trong đó có 433 loài cây làm thuốc, 229 loài cây ăn được, nhiều loài được ghi trong sách đỏ của Việt Nam. Về động vật, Cúc Phương có 122 loài bò sát và lưỡng cư, 66 loài cá, gần 2.000 loài côn trùng, 135 loài thú (trong đó loài voọc đen mông trắng là loài thú linh trưởng rất đẹp và quý hiếm được chọn làm biểu tượng của VQG Cúc Phương). Với 336 loài chim cư trú, đặc biệt có nhiều loài đặc hữu của Việt Nam và Đông Dương, vì vậy Cúc Phương từ lâu đã trở thành điểm lý tưởng thu hút rất đông các nhà nghiên cứu, khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan và tìm hiểu.

Phần lớn diện tích VQG Cúc Phương nằm trong cùng địa hình núi đá, bao gồm địa hình đặc trưng của vùng núi Đông Bắc. Được thiên nhiên ưu đãi, vì thế Cúc Phương sở hữu rất nhiều điểm thăm quan du lịch bổ ích và lý thú, cùng với những hang động đầy mê hoặc như động Sơn Cung, động Phò Mã giáng, động Người xưa, hang Cong Moong…đặc biệt, một số hang động nơi đây còn lưu giữ nhiều di chỉ khảo cổ, cùng dấu tích về sự xuất hiện của người tiền sử cách nay khoảng 7.500 năm. Năm 2000, Ban quản lý VQG Cúc Phương đã phát hiện thêm một hóa thạch của loài động vật có xương sống, theo kết luận ban đầu của Viện Cổ sinh học Việt Nam, hóa thạch này là của loài bò sát răng phiến có niên đại vào khoảng 2.300 triệu năm.

Đánh thức tiềm năng mới

Trong những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc VQG, lực lượng kiểm lâm cùng cán bộ, công nhân viên tại VQG Cúc Phương tích cực tham gia công tác tuần tra bảo vệ rừng, thường xuyên tổ chức các biện pháp đấu tranh ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Theo báo cáo của Ban quản lý (BQL) VQG Cúc Phương, hàng tháng trên các tiểu khu quản lý đều được kiểm tra, đánh giá, thống kê mức độ thiệt hại để BQL có phương án kịp thời bổ sung lực lượng truy quét. Với sự quan tâm sát sao của lãnh đạo và lực lượng cán bộ kiểm lâm, đầu năm 2015 đến nay Cúc Phương chỉ xảy ra một vụ vi phạm phá rừng, khai thác rừng.

Vùng đệm VQG Cúc Phương với hơn 80.000 người dân sinh sống, điều đó đã tạo nên những áp lực vô cùng to lớn lên công tác quản lý bảo vệ rừng, nhất là hoạt động săn bắt động vật hoang dã. Tuy nhiên, lực lượng kiểm lâm đã kết hợp với Đảng ủy, chính quyền và nhân dân địa phương các xã giáp ranh làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào công tác quản lý bảo vệ rừng. Vì thế, đã kịp thời ngăn chặn ngay từ đầu các hành vi săn bắt động vật hoang dã trái phép. Bên cạnh đó, công tác PCCC luôn được Đảng ủy, lãnh đạo VQG đặc biệt quan tâm và triển khai rất hiệu quả.

Cảnh sắc VQG Cúc Phương như một chốn bồng lai hiếm nơi nào có được, thế nhưng vẫn chưa có nhiều người biết đến. Nhiều năm qua, hiệu quả kinh doanh dịch vụ ở Cúc Phương còn thấp, lượng khách đến thăm quan chưa nhiều, chưa tạo được thương hiệu du lịch đủ mạnh… Để khai thác một cách có hiệu quả tiềm năng du lịch sinh thái, BQL VQG Cúc Phương đã và đang tập trung khai thác thế mạnh cảnh quan thiên nhiên, nhằm phát triển loại hình du lịch sinh thái phục vụ nhu cầu thăm quan, nghỉ dưỡng; tour du lịch khám phá mạo hiểm kết hợp với việc thực hiện các chương trình hợp tác nghiên cứu, học tập…nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, Cúc Phương đã thu hút được 34.000 lượt khách đến thăm quan và nghỉ dưỡng.

Bên cạnh việc bảo vệ rừng, phát triển du lịch, hiện nay tại VQG Cúc Phương, BQL đang thực hiện nhân giống nhiều loại phong lan quý, cùng một số loại công, trĩ. Đánh giá về tiềm năng của VQG Cúc Phương, một cán bộ quản lí tại đây ví von: “Cúc Phương vẫn còn như một nàng công chúa đang ngủ say trong rừng, chừng nào chưa có nụ hôn của hoàng tử đánh thức, nàng vẫn còn ngủ mãi và vẻ đẹp tiềm ẩn thì vẫn cứ mãi ẩn giữa đại ngàn thâm u này”.

Điều này là hoàn toàn có cơ sở, đối với người “thực mục sở thị” VQG Cúc Phương, Cúc Phương đang chuyển mình cùng với sự phát triển của đất nước, thế nhưng nó vẫn còn đó vẻ đẹp tiềm ẩn của núi rừng, của một khung cảnh bình yên, thoát tục đến nao lòng.

Đạt Đỗ

Theo LĐTĐ