Vụ án phát hiện xác người trong bê tông gây rúng động dư luận gần đây và cách đưa tin của một số tờ báo Việt Nam đăng tải thông tin một chiều từ giới truyền thông Trung Quốc, đã dẫn dắt độc giả có cái nhìn sai lệch về Pháp Luân Công, môn khí công thuộc trường phái Phật gia được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới.
Công an Bình Dương xác định hai nạn nhân trong vụ án bê tông là Trần Đức Linh (51 tuổi), gốc Nghệ An và ông Trần Trí Thành, gốc TP HCM. Bốn nghi phạm là Phạm Thị Thiên Hà (31 tuổi); mẹ của Hà – bà Trịnh Thị Hồng Hoa (66 tuổi); Lê Ngọc Phương Thảo (29 tuổi) và Nguyễn Ngọc Tâm Huyên (40 tuổi).
Theo các báo đưa tin, qua lời kể của một số người quen biết các nghi phạm, các nghi phạm có hiện tượng uống rượu, không đúng với yêu cầu trong Pháp Luân Công về việc không được uống rượu.
Qua kiểm tra chiếc xe ô tô của các nghi phạm, công an đã phát hiện những vật dụng trong tôn giáo như kinh thánh Tân Ước và tràng hạt.
Hiện chưa có bằng chứng nào xác thực các nghi phạm có tín ngưỡng ra sao, cũng không có bằng chứng nào chỉ ra mối liên hệ giữa tín ngưỡng đó và hành vi gây án trong vụ việc ở Bình Dương.
Tuy nhiên, một số báo Việt Nam đưa tin rằng các nghi phạm di chuyển cùng nhau và tập Pháp Luân Công, cùng với một số bài báo khác không liên quan đến vụ án bê tông, nhưng có nội dung bôi nhọ Pháp Luân Công theo những thông tin từ truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Các bài báo đó vô hình trung đã có tác dụng dẫn dắt độc giả hiểu theo hướng quy chụp các hành vi bị cáo buộc của các nghi phạm là do có liên quan đến Pháp Luân Công, dù không có căn cứ xác thực cho cách hiểu này.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là môn khí công thuộc trường phái Phật gia yêu cầu người học tu sửa tâm tính theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn, và luyện 5 bài tập, theo tài liệu hướng dẫn tập Pháp Luân Công đăng trên trang www.phapluan.org.
Theo ghi nhận từ thực tế và các nguồn xác thực, nhiều năm qua, Pháp Luân Công đã được phổ biến rộng rãi về những tác dụng tích cực đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của người tập.
“Pháp Luân Đại Pháp đem lại lợi ích thể chất và tinh thần cho hàng chục triệu người tại hơn 100 quốc gia trên thế giới kể từ khi môn tập được giới thiệu ra công chúng ở Trung Quốc vào ngày 13/5/1992”, ông Bill Beamish, Thị trưởng thành phố Gibsons, Canada, phát biểu với NTD nhân ngày Pháp Luân Đại Pháp thế giới 2019.
Điều lạ là, các tờ báo Việt Nam hoàn toàn không đề cập đến sự phát triển và phổ biến của Pháp Luân Công trên thế giới, không đề cập đến những lợi ích của Pháp Luân Công được ghi nhận và chia sẻ rộng rãi trên các phương tiện truyền thông quốc tế.
Thay vào đó, các tờ báo Việt Nam trích dẫn các nguồn tin từ giới truyền thông nhà nước Trung Quốc – nơi chính quyền sử dụng tuyên truyền làm công cụ biện minh cho cuộc đàn áp Pháp Luân Công từ năm 1999 đến nay, và đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ trong nhiều năm qua.
Cách đưa tin một chiều của các tờ báo Việt Nam khiến nhiều độc giả, trong đó có những người không phải là học viên Pháp Luân Công, bày tỏ phản đối tính chất quy chụp của một số bài báo Việt Nam đối với môn tập này.
Công chúng Việt Nam lên tiếng
Các nhà báo, bloggers nổi tiếng ngay lập tức phản biện việc truyền thông đưa tin một chiều và có tính quy chụp Pháp Luân Công có liên quan với hành vi giết người trong vụ án.
Nhà báo Phạm Dương Ngọc viết trên Facebook: “Vụ đổ cho Pháp Luân Công gây ra vụ giết người đổ bê tông thực sự là không thoả đáng. Có thể đó là sự thiếu hiểu biết của một số phóng viên khi đưa tin, cứ gán ghép mấy trò dị đoan tà đạo vào một giáo phái nào đó. Kiểu như, thấy cầu cúng, lên đồng, áp vong thì đổ cho Phật giáo, đánh bom liều chết thì đổ cho Hồi giáo… Thực ra, các giáo phái đó chả liên quan gì, mà chỉ có người tham gia giáo phái đó gây ra tội lỗi mà thôi”.
Ông khuyên độc giả: “Là người hiểu biết, đọc tin gì, chúng ta cũng nên chắt lọc, để khỏi bị dắt mũi”.
Blogger Hạnh Trần chia sẻ: “Hôm nay thấy các báo đưa tin về vụ thi thể bị đổ bê tông và gắn với hoạt động tu luyện Pháp Luân Công của nhóm người này. Tuy nhiên, mình thấy các báo đăng tin như vậy có lẽ không nên. Mình thử Google những tên sát thủ hàng loạt khét tiếng nhất thế giới, các vụ giết người hàng loạt và rùng rợn nhất trong lịch sử… người ta cũng chỉ đăng chi tiết về vụ án, về những tên sát nhân nhưng không đăng những tên sát thủ này là theo đạo Thiên Chúa, đạo Hồi, đạo Phật, đạo Hindu hay đạo gì. Mình nghĩ hành vi máu lạnh của những tên sát nhân này là mang tính cá nhân chứ không phải gắn với tôn giáo nào”.
Cựu nhà báo Nguyễn Trung Bảo viết: “Qua lời khai, được báo chí tường thuật, của các nghi phạm trong vụ thảm án bê tông cốt người tại Bình Dương cho thấy động cơ giết người đều xuất phát từ các mâu thuẫn trong sinh hoạt cá nhân. Nếu họ có tu tập một giáo phái nào đó, được báo chí cho biết là Pháp Luân Công, thì chưa thấy có sự liên kết giữa tôn giáo và các vụ giết người”.
Ông cũng viết: “Chính vì không có cơ sở để nói việc giết người có liên quan đến tôn giáo nên việc cố nhấn mạnh chi tiết Pháp Luân Công trên mặt báo là sai về quy tắc tường thuật. Đó là sự miêu tả ác ý về một pháp môn, lưu ý những người tu tập Pháp Luân Công chưa bao giờ thừa nhận đó là một tôn giáo”.
Blogger Bạch Cúc đã tìm hiểu kỹ lưỡng về cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc, và cô nghĩ rằng có khả năng có vụ “bày binh bố trận” trong vụ án bê tông.
“Trước thông tin vụ án 2 người đàn ông bị đổ bê tông, báo chí VN giật tít úp mở việc giết người liên quan tới Pháp Luân Công (PLC), tôi không biết ai đứng đằng sau vụ “bày binh bố trận” này (nếu có và với mục đích gì thì cũng quá rõ) nên đăng lại bài về PLC để bạn đọc tự tìm hiểu. Bài mang tính chất tổng hợp thông tin và công bố số liệu nên khá dài, các bạn có thể lướt qua phần đầu và đọc kĩ từ phần giữa trở đi để hiểu tại sao người ta quyết tâm tận diệt PLC như vậy!”
Bạch Cúc liệt kê nhiều tư liệu của các nhà điều tra quốc tế về tình trạng mổ cướp nội tạng do chính quyền Trung Quốc bảo trợ, mà nạn nhân chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công.
Các tư liệu mà Bạch Cúc đề cập bao gồm cuốn sách “Thu hoạch đẫm máu” (Bloody Harvest) của nguyên Quốc vụ khanh Canada David Kilgour và luật sư nhân quyền David Matas; cuốn “Đại thảm sát” (The Slaughter) của nhà báo điều tra Ethan Gutmann; cuốn “Tạng nhà nước: lạm dụng ghép tạng ở Trung Quốc” (State Organs: Transplant Abuse in China); và cuốn “Cuộc bức hại kinh hoàng chưa từng có” do “19 chuyên gia từ các châu lục (châu Âu, châu Mỹ, châu Á) hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau (chính trị, xã hội, kinh tế, y học, pháp học, văn hóa) thuật lại những gì họ từng đích thân trải nghiệm, tai nghe mắt thấy về tội ác chưa từng có trong lịch sử nhân loại tại Trung Quốc”, Bạch Cúc cho biết.
Về việc báo Thanh Niên lấy tin từ giới truyền thông nhà nước Trung Quốc viết về Pháp Luân Công, nhà báo Chu Vĩnh Hải viết: “Chẳng lẽ báo Thanh Niên không biết rằng, Trung Quốc là một đất nước không có tự do tôn giáo, và Pháp Luân Công từ 20 năm nay đã bị cấm và bị đàn áp, bức hại khốc liệt? Chẳng lẽ báo Thanh Niên không biết rằng, báo chí nhà nước Trung Quốc đã a tòng theo chính quyền để bức hại Pháp Luân Công? Nếu báo Thanh Niên dẫn nguồn từ báo chí nhà nước Trung Quốc để định hướng dư luận rằng Pháp Luân Công là tồi tệ, báo Thanh Niên đã thực sự trở thành kẻ áp bức Pháp Luân Công nói riêng và tôn giáo nói chung”.
Hôm 24/5, nhà báo Chu Vĩnh Hải tiếp tục chỉ ra một bài báo bất bình thường khác của tờ Thanh Niên. Ông viết: “Pháp Luân Công chưa bao giờ là một tôn giáo, mà chỉ là một phương pháp tu luyện, vì vậy, Pháp Luân Công không bao giờ là tà giáo.
Những người Việt Nam tu luyện Pháp Luân Công tuy bị chính quyền gây rắc rối khi tu luyện ở những nơi công cộng, nhưng khi tu luyện tại tư gia chưa bao giờ bị chính quyền sách nhiễu. Trên thực tế, chính quyền Việt Nam chưa có văn bản nào cấm người dân tu luyện theo Pháp Luân Công và gán ghép Pháp Luân Công là tà giáo.
Rất nhiều người Việt Nam tu luyện Pháp Luân Công, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu. Tôi có nhiều người bạn thân là nhà báo, nhà giáo, kỹ sư… tu luyện Pháp Luân Công. Tất cả những người tu luyện Pháp Luân Công đề thừa nhận rằng, môn tu luyện này rất tốt cho sức khỏe và trí não”.
Chia sẻ của học viên Pháp Luân Công
Một số học viên Pháp Luân Công Việt Nam trong những ngày qua đã chia sẻ suy nghĩ của mình trước những bài viết có dụng ý bôi nhọ môn tập trên một số báo Việt Nam.
Nghệ sỹ DJ nổi tiếng một thời Phan Ngọc Anh viết trên Facebook: “Khi bạn thờ ơ và lặng im trước cái xấu thì bạn cũng sẽ nhận lại sự thờ ơ và lặng im khi bị cái xấu tấn công”.
Ngọc Anh viết: “Về sự việc giết người đổ Bê Tông rúng động tại Bình Dương mà báo chí chụp mũ lên Pháp Luân Công. Thực chất mấy hôm nay họ cũng đã sửa lại và gỡ thông tin này ra khá nhiều rồi. Vì trong khám nghiệm hiện truờng (kênh 24H đưa tin) nguời ta đã tìm thấy những kinh sách và chuỗi tràng của gia phái khác mà không hề có gì liên quan đến tài liệu Pháp Luân Công. Nhưng đâu đó sự việc đã ảnh hưởng đến hình ảnh về môn tu luyện này khá nhiều . Em không muốn nhắc thêm sự việc đau lòng này nữa . Nhưng sự thật thì sẽ luôn được sáng tỏ …!!!”
Ngọc Anh cho biết cô là một học viên Pháp Luân Công làm theo quy tắc của một người tu luyện chân chính, “Không Sát Sanh, Không Tà Dâm, Không Trộm Cắp, Không Nói Dối, Không Rượu bia và chất kích thích”.
Một số học viên Pháp Luân Công khác trong những ngày gần đây cũng chia sẻ về lợi ích của môn tập.
Hoa hậu thể thao/ Á hậu Quý bà Thế giới Nguyễn Thu Hương, hôm 18/5 chia sẻ trên Facebook về đường link hướng dẫn tu luyện Pháp Luân Công, cho biết cô “luyện tập bộ Môn khí công này thấy rất tuyệt, ngủ ngon hơn nhiều và khả năng chịu áp lực công việc với cường độ cao rất tốt. Môn này tập rất đơn giản, dễ tập, không mất tiền và tập không gian nào cũng được”.
Nghệ sỹ múa Lê Vi, hiện sống tại Pháp, ngày 2/5 bày tỏ “mong muốn được chia sẻ những điều tuyệt vời của Đại Pháp đến cho mọi người” và nhận được 1.000 lượt thích từ cư dân mạng xã hội Facebook.
Trong một cuộc phỏng vấn trước đó với Đại Kỷ Nguyên, Lê Vi cho biết: “Từ khi biết đến Pháp, Vi luôn tâm niệm một điều, mình sống thiện thì tâm sẽ bình an, khi gặp nghịch cảnh trong cuộc sống thì phải đối đãi bằng tâm thiện lành, và Vi cảm thấy vô cùng may mắn vì được hòa trong ánh sáng diệu kỳ của môn tu luyện Pháp Luân Đại Pháp”.
Trung Quốc chịu áp lực quốc tế vì đàn áp Pháp Luân Công
Chính quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện đang đối mặt với áp lực rất lớn từ cộng đồng quốc tế vì tình trạng đàn áp các học viên Pháp Luân Công trong suốt 20 năm qua.
Năm 2016, Hạ viện Mỹ đã ra Nghị quyết 343 yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công và nạn mổ cướp nội tạng từ các học viên.
Cùng năm đó, Nghị viện châu Âu đã ra Thông cáo 0048 lên án và yêu cầu chấm dứt hoạt động mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc, trong đó không chỉ các học viên Pháp Luân Công là nạn nhân, mà còn có người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ và những người theo đạo Cơ Đốc tại gia.
Tình trạng thu hoạch tạng cưỡng bức từ các học viên Pháp Luân Công cũng được đề cập đến trong báo cáo thường niên về nhân quyền do Bộ Ngoại giao Mỹ phát hành vào tháng 3/2019, một động thái thể hiện lập trường cứng rắn của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong vấn đề nhân quyền và tự do tín ngưỡng tại Trung Quốc.
Là một người theo đạo Cơ Đốc, Tổng thống Trump hồi tháng 2 năm 2018 tuyên bố Hoa Kỳ là “quốc gia của những người tín ngưỡng” và cam kết sẽ bảo vệ các sinh mệnh có đức tin trên khắp thế giới. Tuyên bố của Tổng thống Trump cùng các động thái từ chính quyền của ông trong thời gian qua cho thấy không loại trừ khả năng vị nguyên thủ Hoa Kỳ sẽ đưa ra những biện pháp chống lại tình trạng đàn áp tín ngưỡng tại Trung Quốc.
Theo ĐKN