Trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump luôn bài bác Liên Hiệp Quốc, việc đại sứ Haley – người giúp duy trì một kênh đối thoại giữa Liên Hiệp Quốc với Hoa Kỳ từ chức sẽ gây thêm khó khăn cho tổ chức này.
Hôm 9/10/2018, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley đã gây bất ngờ cho mọi người khi tuyên bố sẽ từ chức vào đầu năm tới. Vụ từ chức này gây khó khăn cho Liên Hiệp Quốc, bởi vì nữ đại sứ gốc Ấn Độ nổi tiếng với những tuyên bố bốc lửa dầu sao cũng đã giúp duy trì một kênh đối thoại giữa Liên Hiệp Quốc với Hoa Kỳ, trong bối cảnh tổng thống Donald Trump luôn bài bác tổ chức quốc tế này.
Khi nhậm chức đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc vào tháng 1/2017, cựu thống đốc bang South Carolina đã gây sốc cho các đồng nghiệp, khi dọa sẽ ghi vào sổ đen những quốc gia nào không làm theo đúng các chỉ thị của Washington và sẽ ra các biện pháp trả đũa, nhất là về tài chính, đối với những nước này.
Trong thời gian qua, bà Haley cũng đã thể hiện lập trường rất cứng rắn, nhất là đối với Triều Tiên và Iran, hai ưu tiên ngoại giao của Tổng thống Trump. Vị nữ đại sứ này cũng thường xuyên phụ họa những lời chỉ trích của Tổng thống Trump đối với Liên Hiệp Quốc, một tổ chức mà theo chủ nhân Nhà Trắng chỉ là một guồng máy quan liêu, thiếu hiệu quả, trong khi Hoa Kỳ đã đổ vào đây quá nhiều tiền.
Hiện giờ, chưa ai biết lý do vì sao bà Nikki Haley lại thông báo từ chức đột ngột như vậy, nhưng một điều chắc chắn là, ngôi sao đang lên trên sân khấu quốc tế gần đây đã bị lu mờ với việc hai nhân vật nặng ký tham gia chính phủ Mỹ: Ngoại trưởng Mike Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton. Có lẽ vì không còn nhiều đất để dụng võ cho nên bà Haley đành phải chia tay với chiếc ghế đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc.
Người ta cũng nghi ngờ bà Haley đã sử dụng chiếc ghế đại sứ tại Liên Hiệp Quốc như là một nấc thang để vươn tới những vị trí cao hơn trên chính trường Mỹ. Do đó, trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, bà chỉ tập trung vào những vấn đề quan trọng nhất dưới con mắt cử tri Mỹ : Iran, Bắc Triều Tiên, Venezuela, tài chính tốn kém của Liên Hiệp Quốc….Nikki Haley thậm chí được cho là có tham vọng bước vào Nhà Trắng, tuy hôm qua bà tuyên bố sẽ không ứng cử tổng thống Mỹ năm 2020 và sẽ ủng hộ ông Donald Trump.
Cho dù là với lý do nào, việc bà Haley rời khỏi chiếc ghế đại sứ tại Liên Hiệp Quốc rõ ràng sẽ gây khó khăn cho tổ chức quốc tế này. Theo thông tín viên RFI Marie Bourreau, bà Nikki Haley có mối quan hệ rất tốt với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, và chính nhờ vậy mà bà duy trì được một kênh đối thoại giữa Washington với Liên Hiệp Quốc. Theo lời phát ngôn viên của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, hôm 9/10, sau khi nghe tin Nikki Haley từ chức, ông Guterres đã hoan nghênh “sự hợp tác rất tốt đẹp” của đại sứ Mỹ.
Các đối tác của Nikki Haley trong Hội đồng Bảo an thì đánh giá cao thái độ thực dụng của bà trước những hồ sơ phức tạp. Một nhà ngoại giao tại New York cho rằng, dẫu sao bà Haley vẫn là “một đồng minh của Liên Hiệp Quốc” vào lúc mà chủ nghĩa đa phương đang bị đe dọa. Nhà ngoại giao này lo ngại là, việc nữ đại sứ Mỹ từ chức sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng mới về tính chính đáng của tổ chức Liên Hiệp Quốc.
Hôm qua, Tổng thống Trump cho biết, ông đã chọn ra 5 nhân vật có thể thay thế bà Nikki Haley làm đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, và ông xác nhận trong số này có bà Dina Powell, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia. Theo lời ông Ashish, chuyên gia của tổ chức International Crisis Group, vị tân đại sứ Mỹ có thể sẽ là một nhân vật có lập trường cứng rắn hơn cả bà Haley. Nếu đúng như thế, điều này sẽ làm phức tạp hơn vị thế của tổng thư ký Guterrres đối với Hoa Kỳ, quốc gia đóng góp tài chính nhiều nhất cho Liên Hiệp Quốc.
Theo RFI