Là một trong những hộ khó khăn nhất thôn, nhưng vì muốn làm rõ những điểm đáng ngờ trong cái chết của con nên gia đình quân nhân Trần Đức Đô vẫn giữ lại thi thể, chưa chôn cất con theo tập tục địa phương. Gia đình còn thuê xe đưa quan tài của Đô ra Hà Nội thuê nhà lạnh tại nhà tang lễ để bảo quản và mong muốn thuê khám nghiệm tử thi độc lập nhưng sau đó lại phải đưa trở về địa phương…
‘Chỉ muốn tìm sự công bằng để con ra đi thanh thản’
Theo báo Giao Thông, gia đình quân nhân Trần Đức Đô cho biết, họ muốn mai táng người con tử vong khi có kết quả rõ ràng về nguyên nhân cái chết từ cơ quan chức năng.
“Lúc đi con khỏe mạnh, lúc về thì con thế này. Gia đình muốn tìm sự công bằng cho con để thứ nhất là cháu ra đi thanh thản và thứ hai là để nhân dân còn tin tưởng vào Đảng và Nhà nước.
Còn không tìm ra hung thủ thì người dân Việt Nam không còn tin Đảng và Nhà nước nữa”, người nhà nói trong clip được chia sẻ trên mạng xã hội.
Trao đổi với báo Giao Thông, bố đẻ quân nhân Trần Đức Đô là anh Trần Đức Hội (SN 1980, trú tại Đa Hội, Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết, theo đúng kế hoạch ban đầu, gia đình và đơn vị quân đội đã hoàn thành việc lo hậu sự cho cháu từ chiều 29/6.
“Tuy nhiên, gia đình muốn đợi cơ quan chức năng kết luận, trả lời rõ ràng về nguyên nhân cái chết của cháu thì mới tổ chức chôn cất”, anh Hội cho biết.
‘Không có dấu hiệu treo cổ tự tử’
Trong báo cáo vụ việc gửi Quân khu 1 và cơ quan chức năng, Trường quân sự Quân khu 1 khẳng định: Lúc 14h30 ngày 28/6, đơn vị tìm thấy Đô trong tư thế treo cổ tự tử trên cây, phía sau khu vệ sinh của thao trường, cách khu nhà ở khoảng 50m. Đơn vị đã tổ chức sơ cứu, đồng thời đưa đi Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên cấp cứu. Lúc 15h30 cùng ngày, Bệnh viện Gang thép thông báo không cứu được Đô.
Tuy nhiên anh Hội lại khẳng định, gia đình được bệnh viện thông báo là cháu đã tử vong ngoài viện nên họ không cấp cứu, xác nhận gì.
Khi trực tiếp chứng kiến cơ quan chức năng khám nghiệm tử thi, anh được thông báo phổi con mình phù nề, có dịch; cổ và gáy có vết dây thừng; phế quản và thanh quản sưng, đầu chảy máu, có dịch tràn ở mũi… không có dấu hiệu treo cổ tự tử như thông báo.
Ngoài ra, trước khi Đô tử vong còn gọi điện, nhắn tin về cho dì nói mình bị đội trưởng bắt nạt. “Ngày 25/6, Đô có điện cho tôi, bảo là bị đại đội trưởng/chỉ huy hay đánh đập cháu, cháu rất sợ…”, người dì ruột của Đô nói trong clip quay tại đám tang ngày 29/6.
Những lời nói mâu thuẫn và chi tiết bất thường trên khiến gia đình lo lắng, hồ nghi.
‘Đi bộ đội về sẽ học nghề phụ giúp bố mẹ’
Theo gia đình, Đô là con cả, dưới Đô còn em gái đang tuổi ăn học. “Cháu rất ngoan và có ý chí vươn lên. Cháu bảo với tôi sau khi đi bộ đội về sẽ đi học nghề sửa chữa ô tô để phụ giúp bố mẹ nuôi em ăn học.
Thấy cháu biết lo nghĩ như vậy, tôi mừng lắm. Mới đi lính được nửa năm, cháu đã được chọn đi học lớp tiểu đội trưởng nên cũng cảm thấy mừng cho con. Vậy mà giờ nó lại nằm đây với bao nhiêu điều oan ức, chưa được làm sáng tỏ…”, anh Hội chia sẻ.
Còn theo đại diện UBND phường Châu Khê, tại địa phương, quân nhân Trần Đức Đô được đánh giá là ngoan, hiền; sau khi học hết lớp 12, cháu đã viết đơn lên đường nhập ngũ.
Chính quyền địa phương cho biết, gia đình Trần Đức Đô là một trong những hộ khó khăn nhất thôn, tất cả ở trong căn nhà nhỏ, xây tạm, bố mẹ không có việc làm ổn định. Khó khăn là vậy nhưng hôm 29/6, gia đình vẫn thuê xe đưa quan tài của Đô ra Hà Nội thuê nhà lạnh tại nhà tang lễ để bảo quản và mong muốn thuê khám nghiệm tử thi độc lập.
Lãnh đạo và chính quyền địa phương sau đó đã ra sức thuyết phục gia đình anh Hội đưa thi thể Đô về. Theo cập nhật của báo Giao Thông, đến nay, các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc xử lý, bảo quản thi thể người xấu số.
Trung tướng Dương Đình Thông, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 1, Bộ Quốc phòng chiều 30/6 cho biết: “Cơ quan bảo vệ pháp luật đã vào cuộc điều tra, làm việc với đơn vị liên quan. Qua đó, làm rõ là không có chuyện đánh nhau. Nạn nhân được phát hiện treo cổ tự tử. Nguyên nhân chính xác dẫn đến tử vong vẫn đang chờ cơ quan pháp y kết luận”.
Quân nhân Trần Đức Đô, sinh năm 2002, quê tại khu Đa Hội, phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, tử vong khi đang trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Tiểu đoàn 4, Đại đội 14, Trường Đại học quân sự Quân khu 1 vào ngày 28/6.
Vũ Tuấn (t/h)