Một vụ nổ siêu dữ dội ở vùng Tunguska, Siberia, làn sóng xung kích của nó lan tới tận nước Anh, thậm chí người dân châu Á còn thấy bầu trời rực sáng giữa đêm, đủ sáng để đọc báo ngoài trời.
Hơn 100 năm trước, một vụ nổ siêu dữ dội ở vùng Tunguska, Siberia đã san phẳng cây cối trong bán kính 50km. Vụ nổ được cho là tương đương với vụ nổ của 185 quả bom nguyên tử ở Hiroshima, khiến áp suất và sức nóng tăng nhanh. Nhưng cho đến nay người ta vẫn chưa tìm thấy dấu hiệu của một hố va chạm, điều này khiến các nhà khoa học bối rối.
Các nhà khoa học đã tiến hành nhiều nghiên cứu để cố gắng làm sáng tỏ bí ẩn về vụ nổ ngày 30/6/1908 ở Tunguska. Đây là một vùng hẻo lánh ở Siberia, mùa đông ở đây dài và lạnh, mùa hè ngắn, môi trường không thích hợp cho con người sinh sống.
Theo BBC, có nhiều giả thuyết để giải thích vụ nổ Tunguska, bao gồm: Các giả thuyết về UFO, các hiện tượng huyền bí và nhiều loại sự kiện bí ẩn khác nhau, nhưng hầu hết chúng đều thiếu cơ sở khoa học. Một số nhà khoa học thậm chí còn suy đoán rằng một lỗ đen đã va chạm với Trái Đất, nhưng các chuyên gia khác đã nhanh chóng bác bỏ quan điểm đó.
Don Yeomans – Văn phòng Vật thể gần Trái Đất của NASA, giải thích rằng cư dân địa phương cho rằng sự kiện này là chuyến thăm thế giới của thần Ogdy, và Tunguska bị nguyền rủa. 8 triệu cây cối bị san phẳng và hàng trăm động vật bị thiêu sống trong vụ nổ.
Theo Natalia Artemieva thuộc Hiệp hội Khoa học Hành tinh Hoa Kỳ, vụ nổ có một lộ trình rõ ràng, và một thiên thể có khả năng đi vào bầu khí quyển của Trái Đất với tốc độ 14,5-30,5km/giây, nó rất mỏng manh, tan rã thành nhiều mảnh ở độ cao 9,7km trên Trái Đất. Làn sóng xung kích do vụ nổ phát ra đã lan tới tận nước Anh, thậm chí người dân châu Á còn thấy bầu trời rực sáng giữa đêm, đủ sáng để đọc báo ngoài trời.
Các nhân chứng từng kể lại rằng: “Bầu trời phía Bắc đột nhiên bị chia đôi, và nhanh chóng bị bao phủ bởi lửa”. “Lúc đó, tôi còn cách địa điểm nổ Tunguska 65km, và một làn sóng xung kích cực mạnh ập đến nhanh chóng khiến tôi bị văng ra ngoài khi đang ngồi trên ghế”. “Khi đó, trên bầu trời có một tiếng nổ lớn, cũng có thể là tiếng thiên thạch va vào mặt đất. Tiếng động khiến người ta liên tưởng đến một thiên thạch khổng lồ từ trên trời rơi xuống, cả mặt đất rung chuyển.”
Cách nhau 20 năm, vào năm 1927, nhà khoa học Leonid Kulik lần đầu tiên suy đoán rằng đó là một vụ va chạm với tiểu hành tinh khiến Tunguska phát nổ. Các chuyên gia khác cho rằng vật thể va chạm bí ẩn có thể là một sao chổi, được tạo thành từ các tinh thể băng chứ không phải đá, có nghĩa là nó dần dần bốc hơi các tinh thể băng khi đi vào bầu khí quyển của Trái Đất.
Các cuộc điều tra sau đó cho thấy đất ở Tunguska chứa silicat và magnetit, có hàm lượng niken cao. Phân tích cho thấy rằng vụ nổ Tunguska có liên quan đến các thiên thạch tiểu hành tinh, chúng tan rã thành các mảnh khi chúng đi qua bầu khí quyển của Trái Đất.
Ở một mức độ nào đó, sự kiện vụ nổ Tunguska vẫn còn là một bí ẩn và các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục khám phá nguồn gốc của nó. Hiện tại, hầu hết các ý kiến đều có xu hướng tin rằng một thiên thể vũ trụ lớn hơn đã đi vào bầu khí quyển Trái Đất và cuối cùng va chạm vào vùng Tunguska.
Tử Vi (Theo Vision Times)