Tinh Hoa

Vụ loa chứa 5 triệu yen không thuộc quyền công an xử lý?

TT – Việc xác định ai là người có thẩm quyền xử lý đối với 5 triệu yen này lại được quy định ở nghị định số 96/2009 về việc xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm.

Ông Phạm Công Hùng – Ảnh: H.Điệp

Thẩm phán Phạm Công Hùng (tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM) cho rằng trong vụ 5 triệu yen tìm thấy trong chiếc loa mua ve chai, thẩm quyền xử lý không thuộc về công an. Chúng tôi giới thiệu ý kiến của ông Hùng để bàn thêm về câu chuyện này.

Để thực hiện đúng trình tự, đúng chức năng, đúng nhiệm vụ theo quy định tại nghị định 96/2009 và Bộ luật dân sự thì Công an Tân Bình phải chuyển vụ việc này sang cho Sở Tài chính TP giải quyết
Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG

Căn cứ vào điều 187 Bộ luật dân sự về quyền chiếm hữu đối với tài sản bị đánh rơi thì người nhặt được của rơi giao nộp cho công an hoặc cơ quan chính quyền địa phương, vì vậy bà Huỳnh Thị Ánh Hồng, người mua bộ loa có chứa 5 triệu yen, đã trình báo Công an quận Tân Bình (TP.HCM) là đúng.

Tuy nhiên, việc xác định ai là người có thẩm quyền xử lý đối với 5 triệu yen này lại được quy định ở nghị định số 96/2009 về việc xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm…

Theo quy định tại khoản 2, 3, điều 3 nghị định 96 thì việc “…ngẫu nhiên tìm thấy tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm là việc tổ chức, cá nhân không có thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm nhưng tìm thấy tài sản trong quá trình sinh hoạt, sản xuất”. Như vậy, có thể thấy số tiền 5 triệu yen kia được bà Hồng tìm thấy trong quá trình sinh hoạt, sản xuất.

Khoản 1 điều 5 nghị định này quy định: “Tổ chức, cá nhân phát hiện tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm có trách nhiệm bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng và thông báo kịp thời, đầy đủ các thông tin có liên quan với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau đây: cơ quan quân sự nơi gần nhất đối với tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm thuộc khu vực quân sự; ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan công an nơi gần nhất đối với tài sản bị chôn giấu không thuộc khu vực quân sự…”.

Như vậy, bà Hồng đã thực hiện đúng trách nhiệm của mình là báo cho cơ quan chức năng, cụ thể ở đây là cơ quan công an.

Tuy nhiên, tại khoản 2, điều 9 của nghị định này quy định cơ quan tiếp nhận bảo quản và xử lý khối tài sản này là sở tài chính tại địa phương đó. Cụ thể trong trường hợp này thì Sở Tài chính TP.HCM sẽ là nơi tiếp nhận, quản lý và xử lý tài sản 5 triệu yen này.

Điều 12 nghị định này cũng cho thấy các cơ quan chức năng sau khi tiếp nhận tài sản và các thông tin liên quan đến khối tài sản này sẽ phải chuyển giao cho cơ quan tài chính để cơ quan tài chính có những bước tiếp theo. Như vậy, công an không có chức năng giữ và giải quyết số tài sản này.

Để thực hiện đúng trình tự, đúng chức năng, đúng nhiệm vụ theo quy định tại nghị định 96/2009 và Bộ luật dân sự thì Công an Tân Bình phải chuyển vụ việc này sang cho cơ quan tài chính giải quyết, và lúc này cơ quan công an có chức năng tham mưu đối với cơ quan tài chính trong việc xử lý các thông tin tiếp theo.

Như vậy, nếu vụ việc được chuyển cho Sở Tài chính giải quyết thì đó hoàn toàn không phải là vụ việc dân sự. Nếu cho rằng đây là vụ việc dân sự và giải quyết bằng bản án của tòa thì ai sẽ là người khởi kiện, khởi kiện ai?

Cho đến nay, Công an Tân Bình cũng chưa ban hành một quyết định nào về việc xử lý số tiền, chưa trả lời bà Ngọt về việc đồng ý hay bác yêu cầu của bà Ngọt, bởi vậy nếu bà Ngọt muốn đưa vụ việc ra giải quyết dân sự thì cũng không tòa nào thụ lý.

Việc đến “phút 89” có người đến nhận tài sản này là của mình, Sở Tài chính có quyền xác minh các thông tin liên quan và trả lời cho người nhận, cụ thể là bà Phạm Thị Ngọt, xem số tiền này có phải của bà Ngọt hay không bằng một quyết định hành chính.

Khi nhận được quyết định, bà Ngọt mới có thể khiếu nại tiếp. Việc khiếu nại của các đương sự liên quan đến số tiền sẽ được Sở Tài chính giải quyết theo thủ tục khiếu nại. Nếu các bên liên quan không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại thì có thể khởi kiện quyết định hành chính. Khi đó, tòa sẽ thụ lý giải quyết vụ kiện hành chính chứ không phải vụ kiện dân sự.

Nếu bà Ngọt không đủ bằng chứng chứng minh số tiền là của mình, Sở Tài chính có thể căn cứ vào điều 187 và điều 239 của Bộ luật dân sự để trả toàn bộ số tiền này cho bà Hồng. Bởi theo điều 239 thì số tiền này là vật vô chủ là động sản. Người đã phát hiện vật vô chủ là động sản có quyền sở hữu tài sản đó theo quy định của pháp luật.

Bạn đọc mong giải quyết hợp tình, hợp lý

Đã có 968 ý kiến phản hồi của bạn đọc bàn luận quanh câu chuyện bà Ngọt xuất hiện ở “phút 89” cho biết chồng mình là chủ nhân bộ loa chứa 5 triệu yen mà bà Hồng đã mua.

Nhiều bạn đọc đã đặt câu hỏi sự xuất hiện vào phút cuối của bà Ngọt có bất thường hay không? Bạn đọc Phong Vũ thắc mắc: “Tại sao tới phút 89 lại xảy ra chuyện này để tiền không thể về tay chị Hồng kịp thời? Có điều gì bất thường trong chuyện này không? Thiết nghĩ báo chí cần phải theo dõi sát sao chuyện này để thông tin kịp thời cho bạn đọc”.

Bạn đọc Lê Văn Phú đề nghị: “Người nhận là chủ số tiền kia xuất hiện vào giờ cuối nên phải điều tra thật kỹ, nếu phát hiện khai không đúng sự thật, chuyển tiền trái phép thì cơ quan chức năng nên xử phạt nghiêm. Về phía chị Hồng, nên có luật sư hỗ trợ về mặt pháp lý”.

Bên cạnh sự hoài nghi này, nhiều bạn đọc bày tỏ mong muốn vụ việc 5 triệu yen này được nhanh chóng giải quyết thấu tình đạt lý. Bạn đọc Hoàng Nguyên viết: “Tôi không phải chị Hồng ngồi chờ đợi số tiền đó thuộc về mình hay không nhưng vẫn cảm thấy hồi hộp. Hồi hộp bởi trong thâm tâm tôi luôn muốn chị Hồng được hưởng số tiền đó, nhưng lại e sợ những sự cố phút cuối làm chị không thể nhận được số tiền. Vì vậy, tôi theo dõi câu chuyện mỗi ngày, xem có diễn biến gì mới không và mong rằng câu chuyện kết thúc có hậu”.

Bạn đọc Lê Đặng Minh Trí cũng bày tỏ: “Quan điểm của tôi là nên giải quyết sao cho thấu tình đạt lý. Nếu bà Ngọt không chứng minh được số tiền này là tiền hợp pháp của chồng bà thì nên giao trả cho bà Hồng là hợp lý hợp tình nhất”.

N.N. tổng hợp

HOÀNG ĐIỆP ghi

Theo Tuổi Trẻ