Tinh Hoa

Vụ cô giáo dùng cồn dạy trẻ: Tiết học nằm trong chương trình của Bộ

Vụ cô giáo dạy trẻ kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố cháy nổ bằng cồn, khiến 3 cháu bị bỏng nặng. Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi: “Những bé 2-3 tuổi đút cơm ăn còn chẳng xong nữa là học kỹ năng sống. Những thứ đó sao các bé biết được?”

Vụ việc cô giáo dạy kỹ năng sống khiến 3 trẻ bị bỏng cồn, tại lớp trẻ mầm non tư thục Tuổi thơ (xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) ngày 9/8 mới đây đang tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận.

Em bé bị bỏng nặng sau vụ học lớp kỹ năng
Em bé bị bỏng nặng sau vụ học lớp kỹ năng. (Ảnh qua Người Đưa Tin)

Theo lời khai ban đầu, các cô tổ chức cho khoảng 25 trẻ đang theo học về kỹ năng sống. Trong lúc học, các cô giáo đã dùng cồn đổ vào trong mâm làm giáo cụ rồi châm lửa để dạy trẻ. Không may, đúng lúc đó gió lớn thổi từ cửa sổ tạt ngọn lửa cồn đang cháy trong mâm vào người 3 cháu nhỏ khiến các cháu bị bỏng và cả ba bé hiện đang được cấp cứu tại Viện Bỏng quốc gia. 

Tuy nhiên vào chiều ngày 9/8, lực lượng Đội điều tra tổng hợp – Công an huyện Duy Tiên đã đến nhóm lớp trẻ mầm non Tuổi Thơ để làm việc. Sau khi điều tra và thu thập hình ảnh trích xuất từ camera trong lớp. Bước đầu nắm sơ bộ, tai nạn xảy ra lúc các cô giáo mầm non đổ thêm cồn vào mâm làm giáo cụ học tập.

Ông Vũ Minh Đông, Trưởng Công an xã Duy Minh cho hay: “Qua nắm bắt tình hình, tôi được biết công an huyện đã thu một vỏ bình cồn 500 ml (loại cồn 90 độ) đã bị cháy xém và một chiếc mâm các cô giáo làm giáo cụ”.

Chiếc mâm dùng để đổ cồn dạy học được công an thu giữ để phục vụ điều tra. (Ảnh qua NLĐ)

Cũng theo ông Đông, cồn khi cháy thường có màu ánh xanh, vào buổi sáng nếu không để ý kỹ thì sẽ không phát hiện được, nên rất có thể các cô giáo đưa bình cồn đổ vào chiếc mâm khi lửa vẫn đang cháy, từ đó khiến lửa trong mâm bùng lên. Trong lúc hoảng loạn, các cô đã vẩy tay làm cồn bắn ra ngoài, văng vào 3 trẻ nhỏ gây ra vụ việc đáng tiếc.

Vụ việc hiện vẫn chưa có kết luận chính thức và đang được điều tra thêm.

Nói gì về việc lồng ghép dạy kỹ năng sống bằng cồn cho trẻ mầm non?

Theo ông Trần Quang Tuyến, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Duy Tiên: “Trong chương trình của bộ GD&ĐT triển khai hàng năm đều có chỉ đạo lồng ghép về việc dạy kỹ năng sống. Bài mà các cô giáo ở lớp trẻ mầm non tư thục Tuổi thơ là bài biết kêu cứu và thoát hiểm khi gặp nguy hiểm. Đây là tiêu chí 25 trong bộ tiêu chí của bộ GD&ĐT, lồng ghép không như các trường tiểu học mà thành buổi riêng để giáo dục các cháu. Việc này là theo đúng chương trình, yêu cầu của bộ GD&ĐT”.

Theo ông Tuyến, bài học này là kỹ năng dạy cho các cháu biết kêu cứu và thoát hiểm khi gặp những sự cố nguy hiểm, chứ không phải là dạy các cháu phòng chống cháy nổ.

Bên cạnh đó, nói về hướng xử lý, giải quyết sự việc, ông Tuyến nói: “Thực ra mà nói, đây là một tai nạn nghề nghiệp đáng tiếc. Đáng lẽ ra khi châm lửa thì cô giáo nên châm nhỏ, còn khi đó cửa trên tầng hai lại mở, gió to quá thì ngọn lửa bay bén vào áo các cháu, sự việc đáng tiếc và không may”.

Đứng trước tình hình đó phụ huynh Tạ Thị Mai (mẹ 1 trong 3 bé bị bỏng) cũng đặt ra câu hỏi: “Chúng tôi chỉ đặt ra duy nhất một câu hỏi là, như con gái tôi 3 tuổi, vậy những bé 2-3 tuổi đút cơm ăn còn chẳng xong nữa là học kỹ năng sống những thứ đó sao các bé biết được. Đến bây giờ, tôi cũng như các phụ huynh vẫn chưa hiểu nguyên nhân con bỏng và bỏng như thế nào, chúng tôi chưa biết. Nhà trường chưa kể gì hết. Tôi có mở lại camera để xem con bị bỏng thế nào nhưng nhà trường đã tắt hết camera và không xem được”.

Chị Mai tỏ rõ nỗi buồn khi nói chuyện qua điện thoại với người nhà về tình hình sức khoẻ của con gái. (Ảnh qua Người Đưa Tin)

Nhiều ý kiến của độc giả cũng cho rằng: Tại sao người lớn là bắt trẻ con tham gia vào những chuyện có thể gây nguy hiểm cho trẻ đến vậy chứ? Thời đại 4.0 rồi tại sao cô giáo không hướng dẫn cho trẻ qua hình ảnh video minh họa thay vì là cồn lửa thật… Trẻ con chỉ cần nhận thức được tốt và xấu thôi là đủ rồi, đâu nhất thiết phải thực hành với lửa thật như vậy chứ? Đã không có chuyên môn thì tốt nhất đừng làm”, độc giả Tống Thanh Thư bình luận.

Dạy trẻ kỹ năng thoát hiểm bằng cách dùng khăn ướt bịt mặt để tránh ngộp khói. (Ảnh qua Báo Mới)

Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, việc đưa vào giáo dục trẻ kỹ năng thoát hiểm khi có sự cố cháy nổ là cần thiết. Nhưng là áp dụng cho những bé đã trưởng thành và có hiểu biết rồi, còn những bé mới mẫu giáo thì làm sao nhận thức được những gì mình học, vì độ tuổi này vẫn còn cần đến sự hỗ trợ của bố mẹ. Đồng thời khi chương trình dạy kỹ năng áp dụng, giáo viên hướng dẫn cũng phải là người có chuyên môn thực tế, và cơ sở vật chất nhà trường phải được trang bị đầy đủ mới thực hiện được.

Để hướng dẫn trẻ, cần người có chuyên môn hướng dẫn trẻ. (Ảnh qua HueS)

Một bạn đọc có tên Đức Trần cho hay: “Thực hành cũng có cái hay nhưng phải đúng độ tuổi chứ mới 2, 3, 5 tuổi mà dạy chống cháy nổ thì tui bó tay”. 

Thanh Thiên (t/h)