Vụ án “cướp tài sản” tại Thái Nguyên được đưa ra xét xử vào ngày 11/4 tới đây đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Nhiều người cảm thấy khó hiểu, vì sao người dân giữ tài sản của chính mình lại bị quy thành tội cướp giật?
Theo thông tin về vụ án được đăng tải trên trang CAND Online số ra ngày 11/08/2017, khoảng 18h ngày 29/7/2017, một nhóm người (8 người) dùng loa mở nhạc và luyện trống tại quảng trường Võ Nguyên Giáp, TP Thái Nguyên. “Công an phường và UBND phường Trưng Vương tới lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ loa, trống với lý do gây mất an ninh, trật tự tại nơi công cộng theo khoản 2 điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP”.
21h cùng ngày, Trần Kim Chung (57 tuổi) và Vũ Thị Huyền (23 tuổi) cùng một số người “kích động các đối tượng khác vào trụ sở Công an phường Trưng Vương, khống chế nữ cán bộ trực ban và cướp đi một số vật chứng như: trống, loa mà tổ công tác của UBND phường Trưng Vương tạm giữ để xử lý”.
Đến 12h đêm, tức khoảng hơn 2 giờ sau vụ việc, công an phường Trưng Vương đến nhà đọc lệnh bắt giam khẩn cấp và tạm giam một người trong nhóm 8 người trên; 3h sáng ngày 30/7 bắt người thứ 2, sau đó lần lượt bắt giữ cả 8 người. Ngoài tạm giữ người, công an tiến hành tịch thu máy tính, sách vở… Lệnh bắt giam bị công an từ chối cho người nhà xem và chụp lại. Sau đó 4 người được thả, 4 người bị tạm giam.
13 ngày sau, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Thái Nguyên công bố lệnh khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Trần Thị Ngọc (56 tuổi, trú tại xã Tân Phú, thị xã Phổ Yên) và Trần Thị Tiến (57 tuổi, trú tại phường Hương Sơn) về hành vi “Cướp tài sản”; Trần Kim Chung (57 tuổi, trú tại phường Tân Lập) và Vũ Thị Huyền (23 tuổi, trú tại phường Phú Xá) về hành vi “Cướp giật tài sản”.
Cả 4 người bị giam giữ từ tháng 8/2017. Sau 7 tháng tạm giam, ngày 22/3/2018, các bị cáo bị đưa ra xét xử. Người nhà và bạn bè các bị can xác nhận trong ngày xử đầu tiên, mỗi gia đình bị can chỉ có 2 người được phép vào theo dõi xét xử qua camera trong phòng nhỏ, không được trực tiếp tham dự phiên tòa. Công an giao thông và an ninh mặc thường phục chặn đường xung quanh khu vực dẫn vào tòa án.
Do một luật sư vắng mặt không rõ lý do, phiên tòa tạm hoãn sang ngày 11/4/2018.
Với những tình tiết như đã được trình bày ở trên, có thể nói đây là một vụ án hình sự có nhiều điểm bất thường về pháp luật và căn cứ sự việc mà cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng của thành phố Thái Nguyên không hiểu là vô ý hay cố ý phạm phải.
Trước hết, tội danh mà cơ quan và người tiến hành tố tụng của thành phố Thái Nguyên đã xác định đối với bị can, bị cáo là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và không đúng với sự thật. Bên cạnh đó, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn rất tùy tiện và thiếu căn cứ luật định.
Ngoài ra, trình tự thủ tục tiến hành các hoạt động tố tụng được thực hiện không theo luật định và không có căn cứ thực tế. Đây có phải do cán bộ, công chức của các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Thái Nguyên thiếu năng lực hay là sự coi thường quyền và lợi ích hợp pháp của công dân từ phía cơ quan và người có thẩm quyền?
Xin được quay lại chi tiết hơn một chút về sự việc đã xảy ra lúc 18h ngày 29/7/2017. 8 công dân tập đánh trống ở khuôn viên công viên bị cưỡng ép thu giữ tài sản gồm 1 loa và 2 trống nhưng không làm biên bản tạm giữ, đưa người về phường.
Việc này theo thông tin công bố là được công an áp dụng theo khoản 2 điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP: “Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi: Dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền”.
Tuy nhiên, việc người dân tập nhạc cụ tại công viên khi công viên không có sự kiện gì cần giữ trật tự không phải là việc “cổ động”. Đây là sinh hoạt văn hóa đời sống nơi công cộng, tương tự các hoạt động như khiêu vũ, erobic, tập thái cực quyền… không cần phải đợi các cơ quan có thẩm quyền cấp phép mới được thực hiện.
Một buổi tập trống lưng tại công viên.
Vì vậy, công an không những không được quyền xua đuổi người dân mà còn không được phép thu giữ tài sản của người dân. Do cơ quan chức năng thực hiện hành vi cưỡng chế không đúng quy định nên người dân không đồng tình với biện pháp xử phạt, từ đó dẫn tới việc vào trụ sở công an phường đòi lại tài sản bị tịch thu không đúng với pháp luật là một điều dễ hiểu.
Việc người dân lấy lại tài sản của mình (đang bị thu giữ trái luật) càng không thể quy là hành vi cướp tài sản và cướp giật tài sản. Theo Điều 168 Bộ luật hình sự 2015, tội cướp tài sản được quy định là việc: “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản“. Vì tài sản bị thu giữ là tài sản của người dân, thuộc quyền sở hữu của người dân, cơ quan công an thu giữ trái phép, nên hành vi lấy lại không cấu thành tội Cướp tài sản và Cướp giật tài sản được, không cấu thành tội phạm.
Lệnh bắt giữ khẩn cấp do công an phường Trưng Vương tiến hành cũng áp dụng không đúng thẩm quyền. Trưởng công an phường không có thẩm quyền ra lệnh bắt khẩn cấp. (Khoản 2 Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định: Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang”).
Điều 110 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 bổ sung các trường hợp lệnh giữ người trong các trường hợp không cần sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát, gồm: khi có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; xác nhận rõ khả năng người phạm tội có khả năng bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.
Việc công an tới nhà công dân không vi phạm pháp luật hình sự trong đêm để áp dụng lệnh bắt giữ khẩn cấp là không đúng thẩm quyền, không có căn cứ thực tế. Điều này không chỉ là sự coi thường pháp luật mà còn gây kinh động đến đời sống bình yên của xã hội.
Việc người dân lấy lại tài sản bị thu giữ diễn ra ngay tại trụ sở công an phường, với sự có mặt của một nữ cán bộ trực ban lại bị cho là cướp và cướp giật tài sản; để rồi những người dân ấy lại bị bắt và tạm giam tới 7 tháng để “làm án”, sau đó bị đưa ra xét xử trong một phiên tòa kín – đây thật sự là một chuỗi sự kiện khuất tất.
Theo nội dung công bố trên CAND Online, 11/08/2017, có chi tiết cho hay “đây là nhóm đối tượng theo Pháp luân công tại Thái Nguyên“, tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án không có nội dung nào nói về Pháp Luân Công. Hiện trong hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa có văn bản pháp lý nào cấm người dân tập Pháp Luân Công, do đó việc quy kết nhóm người tập Pháp Luân Công tập đánh trống ở công viên để xử phạt hành chính rồi sau đó quy kết họ phạm tội hình sự là sự coi thường pháp luật nghiêm trọng của các cơ quan liên quan tại tỉnh Thái Nguyên.
Trong khi nhiều thẩm phán, luật sư vẫn nỗ lực từng ngày để cải cách nền tư pháp, giảm án oan sai, thì tiếc thay, một vụ án hình sự với nhiều tình tiết khuất tất, thiếu minh bạch như trên vẫn đang được cơ quan tố tụng tỉnh Thái Nguyên tiến hành bất chấp pháp luật. Sự thờ ơ nếu diễn ra trong hôm nay rất có thể sẽ tạo nên một tiền lệ nguy hiểm cho việc pháp luật bị xâm phạm, đe dọa quyền tự do thân thể của bất kỳ ai.
Một phiên tòa “bẻ cong công lý” đã diễn ra hôm 22/3, nơi bị cáo và thân nhân của họ không được quyền lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình, người dân bị tước quyền theo dõi, giám sát. Ngày 11/4 tới, 4 công dân sẽ tiếp tục bị đưa ra xét xử trong một bản án thể hiện rõ sự coi thường quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Sự lên tiếng của những ai có lương tri cũng như tiếng nói của cơ quan có thẩm quyền không chỉ giúp ngăn cản một vụ án oan, mà còn là việc ngăn cản những tỳ vết của nền tư pháp Việt Nam.
Theo Trithucvn
Bài liên quan: