VOV.VN -Theo quan điểm của chuyên gia làm luật, trong bất cứ trường hợp nào xảy ra, người nhặt ve chai vẫn sẽ có tiền, nhưng…
Liên quan đến thông tin vụ 5 triệu yen Nhật, Công an quận Tân Bình, TP HCM cho báo chí biết chuyển hồ sơ vụ sang tòa án để tiếp tục giải quyết. Tuy nhiên, TAND quận Tân Bình cho rằng mới nhận văn bản của cơ quan công an gửi tòa án với nội dung: Trong quá trình thụ lý, giải quyết sự việc tiền vắng chủ 5 triệu yen do bà Huỳnh Thị Ánh HồngHồng nhặt được thì ngày 10/4 bà Phạm Thị Ngọt đến công an làm đơn xin nhận lại số tiền. Số tiền 5 triệu yen mà chị Hồng tìm thấy trong thùng loa cũ (Ảnh Tuổi trẻ) Từ lá đơn này, phía công an cho rằng có sự tranh chấp về chủ sở hữu, vì cả bà Ngọt và bà Hồng đều có đơn xin lại tài sản, do đó, thẩm quyền xét xử tranh chấp trên thuộc TAND quận Tân Bình. Tuy nhiên, sau đó tòa án thẳng thắn trao đổi lại và cho rằng, đến thời điểm hiện nay công an là cơ quan trực tiếp thụ lý, ra thông báo tìm chủ sở hữu. Bây giờ khi có người đến xin nhận thì trách nhiệm của công an là phải xác minh, thu thập chứng cứ để giải quyết dựa trên căn cứ pháp luật rõ ràng. Vấn đề này theo luật sư Nguyễn Hoàng Trung – Văn phòng Luật sư Hoàng Trung – Đoàn Luật sư Hà Nội nhìn nhận rằng, yêu cầu kiện đòi tài sản của bà Ngọt đã gửi cơ quan công an đã xác định được có tranh chấp phát sinh. Do vậy cơ quan công an chuyển tòa án giải quyết là đúng thẩm quyền phát sinh. Tòa án giải quyết vụ việc là đúng thẩm quyền. Trong việc giải quyết quyền sở hữu số tiền 5 triệu yen, sẽ có một số trường hợp có thể xảy ra như bà Ngọt không thể chứng minh được quyền sở hữu hợp pháp, nguồn tiền 5 triệu yen là tiền phi pháp, hay như việc bà Ngọt không thể chứng minh được quyền sở hữu, người nhặt ve chai có thể “hưởng trọn” 5 triệu yen… Đối với những vấn đề đặt ra, luật sư Hoàng Trung nhìn nhận, trường hợp, bà Phạm Thị Ngọt – người gửi đơn xin lại số tiền khó có thể chứng minh được số tiền 5 triệu yên là tài sản thuộc sở hữu của mình. Theo lý giải của luật sư Trung, quan hệ hôn nhân giữa bà Ngọt và ông Caleb Afolayan (quốc tịch Nam Phi) chưa được pháp luật Việt Nam công nhận vì chưa làm thủ tục ghi chú. Tuy nhiên, việc sở hữu tiền của bà Hồng sẽ theo pháp luật quy định tại khoản 2 Điều 240 Bộ luật dân sự: “Vật được tìm thấy không phải là di tích lịch sử, văn hóa, mà có giá trị đến 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy. Nếu vật tìm thấy có giá trị lớn hơn 10 tháng lương thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương và 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương. Phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước”. Đối với trường hợp đặt ra việc bà Ngọt có thể chứng minh được quyền sở hữu hợp pháp số tiền 5 triệu yen, theo luật sư Trung về mặt pháp lý, người nhặt ve chai vẫn sẽ có phần trăm trong tổng số tiền 5 triệu yen nhưng quyền định đoạt số tiền thưởng này thuộc về bà Ngọt. Trong trường hợp nếu nguồn gốc 5 triệu yen này được chứng minh là phi pháp, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành thu giữ. Việc thưởng cho người phát hiện ra sự việc hoặc tài sản vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của cơ quan có thẩm quyền đã ra quyết định thu giữ sung công quỹ Nhà nước./. |
Theo VOV Online