(TNO) Sau thất bại với Windows 8, Microsoft đang muốn tái khẳng định vị trí “lãnh đạo” của mình trên thị trường hệ điều hành khi chính thức ra mắt Windows 10. Vậy liệu gã khổng lồ phần mềm có thực sự thành công?
Nhưng Microsoft đã sửa sai như thế nào? Dưới đây là những phân tích từ Business Insider hy vọng giúp người dùng hiểu được những gì mà công ty này đang cố gắng thực hiện. Đứng lên từ thất bại Trong lịch sử Windows, không phải Windows 8 là thất bại duy nhất mà Microsoft đã gặp, bởi trước đó công ty cũng mắc sai lầm trong việc phát hành Windows Vista. Sau khi Microsoft phát hành Windows Vista vào năm 2006, CEO Steve Ballmer đã thốt lên rằng đây là hối tiếc lớn nhất của ông kể từ ngày lên lãnh đạo Microsoft. Phát hành sau Windows XP 5 năm, nhưng Vista gặp rất nhiều nhược điểm khiến người dùng khó chịu, như các chức năng không làm việc chính xác, không tương thích với phần cứng cũ… Và điều này khiến nó trở thành một điểm tối trong giới công nghệ. Ba năm sau đó, Windows 7 được phát hành với mục đích sửa chữa những sai lầm mà Microsoft gặp phải với Vista, cho tốc độ làm việc nhanh hơn, trải nghiệm người dùng được sắp xếp một cách hợp lý và làm việc trên hầu hết các máy tính hiện có tại thời điểm đó. Nó có tất cả các thành phần tốt nhất của Vista, nhưng trông giống như là một sự tiếp nối dành cho Windows XP đang phổ biến ở thời điểm đó. Chính những điều này giúp Windows 7 trở thành hệ điều hành Windows phổ biến hơn bao giờ hết.
Tiếp tục lặp lại sai lầm Sự sai lầm của Microsoft tiếp tục lặp lại khi Windows 8, hệ điều hành thân thiện màn hình cảm ứng của Microsoft, ra mắt sau thành công của Apple với iPhone và iPad. Tuy nhiên, Windows 8 lại khiến cho người dùng cảm thấy đây là một mớ hỗn độn các chức năng kỳ lạ, khiến người dùng khó khăn trong việc điều hướng với một con chuột và bàn phím. Mặc dù Microsoft sau đó đã sửa lại một chút sai lầm thông qua bản cập nhật Windows 8.1 với giao diện cải thiện, nhưng những thiệt hại vẫn đeo bám công ty.
Windows 10 sẽ giúp Microsoft thành công? Không còn Steve Ballmer, hệ điều hành Windows 10 được CEO Satya Nadella điều hành mang đến những cách thức hoàn toàn mới mẻ. Nó mang lại giao diện desktop truyền thống được ưa thích trên Windows 7, kết hợp với những điểm mạnh có trên Windows 8, đặc biệt hoạt động trên màn hình cảm ứng. Điều này tạo ra một hệ điều hành lôi cuốn, nhưng quen thuộc. Trong quá trình sử dụng, nhiều ý kiến cho rằng Windows 10 thực sự là một hệ điều hành mang đến những trải nghiệm Windows ưng ý nhất, cho dù nó đang chạy trên máy tính xách tay, máy tính để bàn hay máy tính bảng. Nhìn chung, nó khá tuyệt vời.
Nhìn chung, Windows 10 có điều mà Windows 8 còn thiếu đó là một cái nhìn mạch lạc. Trên máy tính để bàn hoặc máy tính bảng, Windows 10 cho phép bạn thay đổi thẻ trình duyệt, kéo các tập tin… mà không làm mất hoàn toàn trải nghiệm với chuột và bàn phím. Đó là một phiên bản Windows làm việc với cả màn hình cảm ứng lẫn không cảm ứng. Từ đây, Microsoft sẽ tiếp tục hoàn thiện Windows của mình với các tính năng mới và ứng dụng mới thông qua công tác cập nhật. Với mục tiêu biến Windows trở thành một dịch vụ, có lẽ sẽ không còn tồn tại những cái tên như Windows 11, 12 hoặc 13 trong tương lai nữa. Bên cạnh đó, Microsoft cũng đặt tham vọng biến Windows 10 trở thành nền tảng hướng người dùng đến với các dịch vụ dựa trên thuê bao mà công ty cung cấp, chẳng hạn như Office 365, OneDrive… Thành Luân – Kiến Văn |
Theo Thanh Niên