Những vỏ sò bám trên một mảnh vỡ máy bay trôi dạt vào hòn đảo Reunion của Pháp có thể giúp làm sáng tỏ bí ẩn về chuyến bay mất tích MH370.
Cảnh sát kiểm tra mảnh vỡ tìm thấy gần đảo Reunion hồi tuần trước. Hôm chủ nhật (2.8), Malaysia cho biết mảnh vỡ từ phần cánh của máy bay được xác định là của một chiếc Boeing 777, cùng loại với chiếc máy bay mất tích của Malaysia.
Các nhà điều tra Pháp hy vọng sẽ xác định được, liệu mảnh vỡ này có thuộc về MH370 hay không vào thứ tư tới (5.8). MH370 được cho là rơi ở phía nam Ấn Độ Dương, khoảng 3.700 km (2.300 dặm) từ đảo Reunion. “Các vỏ giáp xác có thể nói cho chúng ta biết thông tin giá trị về điều kiện môi trường nước mà chúng hình thành”, Ryan Pearson, một nghiên cứu sinh tại Đại học Griffith của Australia nói. Các chuyên gia phân tích vỏ giáp xác để xác định nhiệt độ và thành phần hóa học của nước để xác định nguồn gốc của chúng. Kỹ thuật này có thể giúp thu hẹp diện tích tìm kiếm MH370 trong vòng hàng chục hoặc hàng trăm km, song lại không thể xác định một vị trí chính xác, Pearson nói. Có thể dự đoán được tuổi của giáp xác dựa trên tăng trưởng và kích thước của chúng. Nếu tuổi của giáp xác bám trên mảnh vỡ máy bay lớn hơn thời điểm MH370 mất tích, có thể loại trừ khả năng chúng đến từ chiếc máy bay đó, Melanie Bishop, giáo sư tại Khoa Khoa học sinh học, Đại học Macquari cho hay. Các nhà điều tra của Pháp cũng sẽ xem xét các loài sinh vật khác như giun ống, tảo đỏ san hô hoặc động vật có vỏ cứng, mà cũng có thể cung cấp manh mối. Các nhà khảo cổ học về biển đã nghiên cứu các loài giáp xác để tìm bằng chứng trong các vụ đắm tàu, nhưng đây được coi là lần đầu tiên họ nghiên cứu để xác định số phận của một chiếc máy bay. |
Theo Lao Động