Tinh Hoa

Võ sĩ Ấn Độ nhường đai vô địch cho đấu thủ Trung Quốc: Tôi muốn hoà bình ở biên giới

Sau khi đánh bại võ sĩ quyền anh Trung Quốc, võ sĩ Ấn Độ quyết định trao lại đai vô địch cho đối thủ nhằm gửi thông điệp hòa bình giữa lúc căng thẳng leo thang tại biên giới 2 nước dưới chân dãy Himalaya.

Vijender Singh thể hiện nghĩa cử hòa bình với đấu thủ người Trung Quốc giữa căng thẳng biên giới Ấn – Trung. (Ảnh: AP)

Hôm 5/8, võ sĩ quyền anh Ấn Độ Vijender Singh đánh bại võ sĩ Trung Quốc Zulpikar Maimaitiali, bảo vệ thành công danh hiệu WBO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và giành lấy đai vô địch WBO Oriental hạng siêu trung của đối thủ.

Sau khi trọng tài nhất trí chiến thắng thuộc về Singh, võ sĩ Ấn Độ nhận sự chúc mừng từ mọi người rồi bất ngờ quay lại võ đài, nói vào micro: “Tôi không muốn danh hiệu này. Tôi sẽ trả lại nó cho Zulpikar“.

Tôi không muốn có căng thẳng ở biên giới. Đây là một thông điệp hòa bình. Điều đó mới quan trọng“, anh nói.

Trung Quốc và Ấn Độ đang trong giai đoạn tranh chấp biên giới căng thẳng dưới chân dãy Himalaya. Hôm 3/8, Bắc Kinh đã yêu cầu New Delhi phải lập tức rút quân đội khỏi biên giới, cáo buộc Ấn Độ tăng cường quân đội và sửa chữa đường sá dọc biên giới ở bang Sikkim giáp với Trung Quốc.

Đáp lại, tối cùng ngày, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj đã phủ nhận các cáo buộc của Trung Quốc, thúc giục đối thoại với Bắc Kinh dựa trên bản ghi nhớ về khu vực biên giới đạt được năm 2012. Theo bà Swaraj, New Delhi vẫn duy trì tinh thần giải quyết vấn đề bằng ngoại giao với Bắc Kinh.

Căng thẳng diễn ra kể từ giữa tháng 6 vừa qua khi Ấn Độ ngăn cản Trung Quốc xây dựng con đường đi qua cao nguyên Doklam theo cách gọi của Ấn Độ hay Donglang theo cách gọi của Trung Quốc.

Phần lớn trong số 3.500 km đường biên giới giữa hai quốc gia hiện nằm trong tranh chấp. Theo giới chức Ấn Độ, cả hai nước hiện duy trì khoảng 300 binh sĩ mỗi bên trong tình trạng đối mặt trực tiếp tại Sikkim và không nước nào có dấu hiệu muốn nhượng bộ bằng cách rút quân khỏi khu vực.

Các chuyên gia nhận định hai nước có mọi lý do để không làm bùng phát một cuộc xung đột và cuộc chiến tranh biên giới năm 1962 sẽ không lặp lại.

Tuy nhiên, họ cũng cho rằng không có giải pháp nhanh chóng nào cho căng thẳng kéo dài giữa 2 nước lớn ở châu Á khi hai bên tỏ ra có rất ít động lực để chấp nhận khác biệt và dung hòa lợi ích của nhau.

Theo Zing