Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng mới đây đã trả lời về việc truyền thông đưa tin Việt Nam có khả năng mua tên lửa của Ấn Độ, đồng thời bình luận về ‘chiến lược mới’ nhằm kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông của Mỹ.
‘Hợp tác quốc phòng chỉ là một trong những mảng hợp tác giữa 2 nước‘
Sau cuộc hội đàm trực tuyến giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Ấn Độ Modi diễn ra vào chiều ngày 21/12/2020, đã có nhiều thông tin về việc Ấn Độ có thể sẽ bán tên lửa cho Việt Nam.
Cụ thể, ngày 24/12/2020, tờ Asia Times, là một tập đoàn xuất bản tin tức bằng tiếng Anh có trụ sở tại Hồng Kông đưa tin, Ấn Độ sẽ sớm bán tên lửa siêu thanh Brahmos cho Việt Nam.
Trong cuộc hội đàm trực tuyến, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh hợp tác quốc phòng và an ninh là một trụ cột trong quan hệ song phương; nhất trí tiếp tục thúc đẩy, phát huy các cơ chế tham vấn, đối thoại, mở rộng hợp tác công nghiệp quốc phòng, huấn luyện và phối hợp trong các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đẩy mạnh hợp tác ứng phó các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo tiếp tục kêu gọi thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và đàm phán thực chất để sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tiếp đó, tờ Times of India hôm 7/1 cũng cho biết chính phủ Ấn Độ đã lập danh sách những quốc gia “thân thiện” mà nước này có thể bán tên lửa diệt hạm BrahMos, tên lửa phòng không tầm trung Akash và nhiều khí tài quân sự khác, trong đó có Việt Nam.
Thông tin được đưa ra sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và người đồng cấp Modi đồng chủ trì Hội đàm cấp cao trực tuyến Việt Nam – Ấn Độ hồi cuối tháng 12/2020.
Các bộ ngành hai nước đã ký 7 văn kiện và công bố 3 chương trình hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, hạt nhân dân sự, dầu khí, năng lượng sạch, y tế, hợp tác phát triển, bảo tồn di sản và giao lưu văn hoá.
Liên quan đến thông tin trên, ngày 14/1/2021, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, trong cuộc hội đàm trên, hai bên đã trao đổi rất nhiều vấn đề liên quan đến biện pháp thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Ấn Độ cũng như các vấn đề quốc tế mà 2 bên cùng quan tâm. Hợp tác quốc phòng chỉ là một trong những mảng hợp tác giữa 2 nước.
Bình luận về ‘Chiến lược mới’ của Mỹ nhằm kiềm chế TQ ở Biển Đông
Theo Thanh Niên, cũng trong chiều 14/1, bà Lê Thị Thu Hằng đã phản hồi đề nghị bình luận về “chiến lược mới” của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông, và cho biết, Việt Nam luôn ủng hộ tất cả các sáng kiến giúp tăng cường hòa bình, ổn định trên Biển Đông
Cụ thể, tại buổi họp báo, đại diện hãng tin Sputnik của Nga đề nghị được biết bình luận của Việt Nam về việc Mỹ vừa đề ra kế hoạch tích hợp 3 lực lượng hải quân, thuỷ quân lục chiến và tuần duyên nhằm ứng phó các thách thức mới, trong đó có Biển Đông.
Trả lời câu hỏi này, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là các quốc gia trong và ngoài khu vực đều cần đóng góp có trách nhiệm vào mục tiêu chung, duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước luật Biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982.
Về tài liệu mới được giải mật của phía Mỹ về chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, bà Lê Thị Thu Hằng tiếp tục nhắc lại lập trường của Việt Nam là mong muốn và hoan nghênh các sáng kiến liên kết, kết nối ở khu vực góp phần đảm bảo hoà bình, ổn định, hợp tác ở khu vực dựa trên luật lệ và tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của tất cả các nước, bao gồm vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Vũ Tuấn (t/h)