Các quan chức cấp cao của Việt Nam và Trung Quốc đã đồng ý giải quyết những tranh chấp hàng hải mà không dùng đến ‘chính sách ngoại giao qua kênh thông tấn’, Tân Hoa Xã đưa tin hôm Thứ Bảy (27/12).
Tin tức của Tân Hoa Xã được đưa sau khi một cuộc họp giữa Cố vấn Chính trị Vũ Chính Sinh của Trung Quốc và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng diễn ra tại Hà Nội hôm Thứ Sáu (26/12).
“Chính sách ngoại giao qua kênh thông tấn chỉ có thể gây náo loạn trong dư luận mà cả 2 bên nên tránh. Vấn đề hàng hải rất phức tạp và nhạy cảm, sự việc đòi hỏi các cuộc đàm phán để quản lý và kiểm soát mâu thuẫn”, bài báo dẫn lời ông Vũ Chính Sinh.
Mặc dù là những đối tác thương mại lớn và cùng theo chế độ Cộng sản nhưng Trung Quốc và Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử ngờ vực và xung đột trường kì.
Mâu thuẫn đã trở nên trầm trọng hơn trong những năm gần đây khi Trung Quốc bành trướng tham vọng ở Biển Đông thông qua việc thiết lập hàng trăm km đường biên giới trên biển về phía nam, bao quanh bờ biển của Việt Nam.
Bắc Kinh đã tỏ rõ thái độ vào đầu năm 2014 bằng cách đặt một giàn khoan trong vùng biển tranh chấp, sau đó là đâm phá và sử dụng vòi rồng để tấn công tàu biển Việt Nam.
Một số người dân Việt Nam đã phản ứng bằng cách đập phá nhà máy Trung Quốc ở Việt Nam, trong khi chính phủ đẩy mạnh mối quan hệ với Mỹ và mua 2 tàu ngầm lớp Kilo của Nga như một biện pháp răn đe.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã dỡ bỏ các giàn khoan và có tín hiệu muốn xây dựng quan hệ tốt hơn với Việt Nam. Mới đây, Trung Quốc vừa khai trương một ngân hàng đầu tư và quỹ cơ sở hạ tầng, nhằm nâng vị thế quốc gia trở thành người dẫn dắt mang đến lợi ích cho sự phát triển kinh tế trong khu vực.
Hàn Mai, Hồ Duyên – Theo Reuters