Tinh Hoa

Việt Nam, Đông Nam Á hưởng lợi nhờ cuộc chiến thương mại

Các công ty lớn đang e dè cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nên đang tiến hành các bước đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sản xuất sang khu vực Đông Nam Á.

Đầu tư nước ngoài vào Đông Nam Á tăng mạnh. (Ảnh: T/h)

Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2018, đầu tư sản xuất từ nước ngoài vào Việt Nam đã tăng 18%, trong đó có dự án sản xuất polypropylene trị giá 1,2 tỷ USD của Tập đoàn Hyosung, Hàn Quốc, theo một bản báo cáo từ Maybank Kim Eng Research Pte công bố hôm 22/10.

Từ tháng 1 – 7/2018, FDI ròng của Thái Lan tăng 53% so với năm 2017, lên mức 7,6 tỷ USD, với dòng vốn đầu tư vào sản xuất tăng gấp 5 lần. Tại Philippines, FDI ròng đầu tư vào sản xuất tăng 861 triệu USD, cao hơn nhiều so với 144 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

“Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến nhiều doanh nghiệp chuyển dịch sản xuất sang ASEAN để né tránh việc bị áp thuế. Các lĩnh vực như sản phẩm tiêu dùng, phần cứng công nghiệp, công nghệ, viễn thông, ô tô và hóa chất đang được chuyển dịch sang Đông Nam Á”, Chua Hak Bin và Lee Ju Ye, chuyên gia kinh tế của Maybank nhấn mạnh.

Xu hướng này đang mang đến cho Đông Nam Á một số lợi ích bất chấp cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ở thời điểm hiện tại, khoảng 1/3 trong số hơn 430 công ty Mỹ tại Trung Quốc đã và đang xem xét việc di chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi quốc gia này bởi căng thẳng của cuộc chiến. Đích đến của họ là Đông Nam Á vì những điều kiện thuận lợi tương đồng mà khu vực này trao cho các nhà đầu tư.

“Căng thẳng thương mại leo thang là chất xúc tác để đẩy nhanh quá trình rút khỏi Trung Quốc của các doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, Đông Nam Á đáp ứng được tất cả các tiêu chí quan trọng nhất như là một thị trường có mức tăng trưởng lớn cùng với chi phí sản xuất rẻ và các hoạt động tự do thương mại được thúc đẩy mạnh mẽ. Ngoài ra, khu vực này cũng không có nhiều những rủi ro địa chính trị”, Trinh Nguyen, một chuyên gia kinh tế cấp cao tại Natixis Asia Ltd., Hong Kong, nhấn mạnh.

Tuy nhiên, giống như toàn bộ thế giới, Đông Nam Á sẽ không miễn dịch với cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Trong báo cáo mới được công bố, cuộc chiến thương mại được xem là nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm bất ngờ của xuất khẩu Thái Lan trong tháng 9 vừa qua. Đó là tiếng chuông cảnh báo cho những tác động của cuộc chiến thương mại có thể xảy đến với khu vực.

Nhiều chuyên gia kinh tế đều cảnh báo những tác động mạnh mẽ nhất của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung chỉ có thể được cảm nhận đầy đủ trong năm 2019. Đó cũng là năm được dự đoán là khó khăn với kinh tế toàn cầu, nếu Trung Quốc và Mỹ chưa thể tìm được tiếng nói chung nhằm giải quyết những căng thẳng thương mại đang ngày càng leo thang.

Theo Cafef