Chợ đầu mối dự kiến xây dựng ở Việt Nam sẽ có mô hình tương tự ở Hàn Quốc.
Ông Hongsun, Tổng Thư ký Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam, cho rằng cần xây dựng một trung tâm chợ đầu mối nông sản hiện đại ở Việt Nam mới có thể hỗ trợ cho việc xuất khẩu hiệu quả mặt hàng chủ lực này sang Hàn Quốc sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) chính thức có hiệu lực.
Phóng viên: Được biết một số tập đoàn của Hàn Quốc đang đề xuất hợp tác với Chính phủ Việt Nam xây dựng một trung tâm chợ đầu mối hiện đại, ông có thể nói rõ hơn về dự định này? – Ông Hongsun: Nông sản tuy là mặt hàng chủ lực của Việt Nam nhưng lại vướng phải điểm yếu phân tán nhỏ lẻ, chưa có bất cứ đầu mối nào xứng tầm để tập trung, đấu giá và phân phối hàng hóa đi các nơi. Như vậy, hoạt động xuất khẩu sang Hàn Quốc nhằm tận dụng các lợi thế từ VKFTA có thể sẽ gặp khó khăn. Đó là lý do cần xây dựng một khu trung tâm đầu mối nông sản với hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại để bảo đảm nhu cầu kết nối. Khu chợ có thể được đề xuất xây dựng với diện tích khoảng 300 ha tại Hà Nội, lớn gấp 6 lần chợ đầu mối hiện đại nhất thủ đô Seoul (Hàn Quốc) hiện nay. Phần trung tâm giao dịch đầu mối cốt lõi sẽ được xây dựng trong vòng 2-3 năm và sẽ tiêu tốn khoảng 300-400 triệu USD nhưng nếu tính cả những hạng mục xung quanh nữa có thể lên đến 1-2 tỉ USD. Dự án vẫn đang trong quá trình xin ý kiến Chính phủ Việt Nam. Có cần thiết phải xây dựng một khu chợ khổng lồ và tốn nhiều diện tích đất đai cũng như tiền bạc như vậy? – Chợ đầu mối tại Việt Nam tới đây sẽ tập trung hàng hóa, nông sản xuất đi Hàn Quốc và có thể thêm một số nước, lãnh thổ lân cận như Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản… Do đó, cần có thêm những hạng mục, công trình liên quan để bảo đảm cho hoạt động giao dịch được thông suốt và hiệu quả. Ví dụ, khu chợ đầu mối cần trung tâm phân loại sản phẩm và gia công bởi có những mặt hàng đặc thù cần sơ chế, đóng gói trước khi xuất đi. Điều này khác biệt so với chợ đầu mối ở Hàn Quốc chỉ được sử dụng để giao dịch hàng hóa trong nước. Khu chợ sẽ bao gồm cả hoạt động bán buôn lẫn bán lẻ và được vận hành theo một nguyên tắc thống nhất, bảo đảm đấu giá công bằng thông qua hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại. Trong đó, hoạt động đấu giá là quan trọng nhất nhằm bảo đảm giá sát theo thị trường, người bán hàng có được giá cao còn người mua hàng mua được giá rẻ nhất có thể. Ngoài ra, việc xây dựng một trung tâm kho vận bảo đảm đủ yêu cầu kỹ thuật cũng là yêu cầu cần thiết bởi nó sẽ giúp giảm chi phí kho vận (logistic) vốn là điểm yếu của Việt Nam. Thêm nữa, do khu trung tâm này sẽ tập hợp rất nhiều đầu mối giao, nhận hàng từ trong nước hoặc nước ngoài nên cũng cần bổ sung các khu thương mại, nhà nghỉ… phục vụ nhu cầu nghỉ chân, mua sắm thiết yếu cho các thương nhân, khách hàng. Tại đây, người tiêu dùng có thể vào mua sắm hàng hóa đã được truy xuất nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Với một công trình cầu kỳ như thế, nguồn lực được huy động như thế nào để có thể triển khai xây dựng được? – Chúng tôi dự kiến huy động vốn quốc tế nhưng trong đó nguồn vốn chính là từ Hàn Quốc. Để xây dựng không chỉ cần các doanh nghiệp tư nhân mà còn rất cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp nhà nước tại Hàn Quốc. Với việc điều hành khu chợ khổng lồ này, chúng tôi đã nghĩ đến việc thuê các chuyên gia có kinh nghiệm từ Hàn Quốc hoặc một nước thứ ba nào đó sang giúp đỡ Việt Nam trong thời gian đầu. Bởi vì, việc vận hành, quản lý không được thực hiện theo cách thủ công như các chợ truyền thống mà phải làm việc trên hệ thống phần mềm hiện đại, đòi hỏi trình độ cao.
Thùy Dương người lao động |
Theo Vietstock