Viết bài mới

04/07/16, 23:00 Chưa phân loại

Hôm 2/7, trên blog của nhạc sĩ Tuấn Khanh xuất hiện bài viết họp báo công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung có tiêu đề: Quê hương này không để bán!

Nguyên văn bài viết như sau:

Cuộc họp báo công bố nguyên nhân thảm họa biển Việt Nam giới thiệu rõ một màn trình diễn thô vụng. Formosa Hà Tĩnh đột nhiên trở thành trẻ nhỏ, được chính phủ Việt Nam dắt tay ra trước mọi người, quẹt nước mũi, khóc và nói thuộc lòng lời xin lỗi. Ngay sau đó mức bồi thường 500 triệu USD được công bố như tiếng búa tòa.

Chưa ai kịp có ý kiến, chưa ai kịp nói những khúc mắc trong lòng mình thì vài tiếng đồng hồ sau, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã vội vàng ra lệnh lên kế hoạch để sử dụng 500 triệu USD bồi thường. Mọi thứ bị đặt vào bối cảnh như chuyện đã rồi. Số phận con người Việt Nam, biển quê hương Việt Nam cứ như việc đã rồi.

Chưa hề có cuộc điều tra nào thật sự cho biết mức tổn hại của 250km bờ biển Việt Nam bị hủy hoại, nguy hiểm tồn đọng thế nào. Hơn một triệu người phải từ bỏ cuộc sống ổn định của mình, chuyển đổi sang nghề nghiệp khác mong sống sót, rồi sẽ phải bù đắp ra sao, và bao lâu? Lịch sử ngàn năm của một quốc gia sống với biển, thịnh vượng với biển, nay phải đành gầm mặt lìa bỏ mọi thứ. Thậm chí ghê sợ hơn, là phải bỏ trống, đành buông cả một vùng quê hương mà Trung Quốc đang ngày đêm háo hức lấn chiếm. 500 triệu USD đó, có nghĩa lý gì?

Vậy câu hỏi ở đây là, những nhà lãnh đạo Việt Nam hài lòng với số tiền ấy, hay nhân dân Việt Nam đồng ý với số tiền 500 triệu USD ấy? Những lời xin lỗi và con số khoán vội ấy, chắc vẫn chưa kịp tính vào 84 ngày người dân cả nước sôi sục đòi minh bạch, bị công an, thanh niên xung phong, trật tự đô thị…  đánh đập, giam cầm, kết tội theo lệnh trên vì cho là bị “xúi giục”. Ba tháng mà Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà nói rằng ông “nặng trĩu”, liệu có giải quyết được những lời nói dối thô bỉ của các cấp chính quyền đã lừa gạt nhân dân về việc biển sạch và cá an toàn?

Hàng loạt ngôn luận lừa dối nhân dân như của Phó chủ tịch UBND Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn hay của thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Nhân Tuấn vẫn còn đó. Ai sẽ từ chức vì lòng tự trọng hay bị cách chức vì danh dự của đảng mà họ đang phục vụ? Nếu họ vẫn tiếp tục tại vị và phát ngôn, thì mọi điều lừa dối trơ tráo ấy, là chủ trương lớn của ai?

Thật bất ngờ, không phải là Formosa Hà Tĩnh xin người Việt Nam tha thứ, mà chính phủ Việt Nam lại là phía cất tiếng kêu gọi nhân dân hãy độ lượng và tha thứ. Đại nghiệp Formasa Hà Tĩnh lại cứ như trẻ nhỏ, đáng thương đến mức chính phủ Việt Nam phải đứng sau lưng, dùng phương thức cấu bám vào lòng thương người của dân tộc Việt Nam, cố dàn xếp một thảm họa. Biết tả làm sao nhỉ? Giờ đây, những người Việt bị đẩy đến khốn cùng ấy, lại phải vuốt thẳng áo rách, bị thúc đứng lên, cố mỉm cười nhân ái đến kiệt sức trên quê hương mình.

Có lẽ trong tư duy của những người lãnh đạo hiện nay, tiền là giải pháp quan trọng nhất, có thể đổi được mọi thứ. Việc đổi tương lai của người Việt bằng tiền, qua kịch bản giải quyết khủng hoảng cho Formosa, lại gợi nhớ rất nhiều về chuyện người dân bị chết nơi đồn công an, bị đánh đập vô cớ, bị nhổ vào mặt, luôn được giải quyết đơn giản bằng nụ cười thành khẩn đểu giả của kẻ gây tội, và một số tiền.

Mạng người hay số phận một quốc gia đâu thể đổi bằng tiền như suy nghĩ của những kẻ quen thói phủi tay. Tiền chỉ là đáp án của những kẻ trọc phú, lừa lọc, toa rập muốn xóa nhanh sự kiện. Việt Nam là một dân tộc có lòng tự trọng và có quốc pháp. Phương thức chọn đáp án nhanh, quy đổi đơn giản bằng tiền chính là một cách gây tổn thương cho lòng tự trọng của người Việt và sỉ nhục quốc pháp. Hãy nhớ, quê hương và tương lai dân tộc không bao giờ có thể để bị mặc cả bằng tiền!

Ông Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói phải phải mất đến 84 ngày “đấu tranh” mới có kết quả về nguyên nhân của thảm họa. Cám ơn ông đã gợi ý: Ai trong đất nước này là loại thế lực khiến một chính phủ phải “đấu tranh” đến suốt 84 ngày? Hóa ra, có một thủ phạm nào đó, rất ghê gớm mà chính phủ phải mất đến gần 3 tháng để vượt qua. Hôm nay Formosa Hà Tĩnh đã thú nhận và cúi đầu, thì sao thủ phạm im lặng ấy, lại vẫn nấp trong bóng tối sau cuộc “đấu tranh”?

84 ngày thật mệt mỏi của Chính phủ, nhưng rồi cũng chỉ nhằm góp chung kết quả của những người dân Việt Nam bình thường đi tìm một sự thật, về một tia sáng của công lý. 84 ngày ấy, của hàng chục triệu người Việt mất ăn mất ngủ, lo toan cho số phận của mình, của biển, của cá, của quê hương. Rất nhiều người trong đó có cả câu trả lời nhanh hơn một hệ thống có hàng chục ngàn nhà khoa học, có hàng ngàn công an, dùi cui và hàng rào kẽm gai nhưng tê liệt trước thực tế.

Những câu hỏi đặt ra trong bài viết này về cuộc họp báo, có lẽ cũng không cần lời đáp, vì ai ai cũng đã hiểu. Mọi thứ đã thành một thông điệp im lặng chuyển vào dòng máu nóng thức tỉnh của mỗi đứa con da vàng trên đất nước này.

84 ngày để có kết quả của Chính phủ – chỉ xin nhắc thêm rằng đừng quên số phận những người thợ lặn bị nhiễm độc ở Vũng Áng đã chết và đang bệnh tật. Đừng quên 155 trẻ em Đông Yên vì bị chính quyền dành đất cho Formosa mà phải thất học suốt 2 năm, bên cạnh sự đe nẹt của công an. Đừng quên hàng trăm những đoàn viên thanh niên Cộng sản ngây thơ tin theo mệnh lệnh lừa dối của cấp trên để cùng nhau tắm biển vui đùa làm thí điểm. Đừng quên hàng trăm công chức, dân chúng cả tin hưởng ứng ăn cá để giúp chính quyền xóa một sự thật rằng họ và những người khác sẽ không có một tương lai.

Cũng đừng quên những con người âm thầm trong 84 ngày đó, cật lực đưa tin, ghi hình, chuyển cảnh báo đến cho người dân được biết về thảm họa. Họ dấn thân không vì tiền, cũng không vì bị xúi giục, bất chấp cả những nguy nan từ phía chính quyền để đưa bằng được sự thật đến cuộc sống. Như chiến binh Pheidippides chạy đến thành Arena để báo tin về cuộc chiến Marathon phải vượt qua rất nhiều gian truân. Còn những con người Việt Nam nhỏ nhoi ấy thì phải vượt qua mọi thứ rình rập, thậm chí là mọi loại ngôn luận từ những kẻ thù của công lý và sự thật, như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, để đốt lên những ngọn đuốc giữa đêm đen.

Có một thông điệp đánh kính trọng và cao cả được đưa đến từ những con người vô danh ấy. Hãy lắng nghe từ dòng máu và nhịp tim Việt Nam đó, thông điệp được gửi đi như sấm động: Quê hương này không để bán.

Dư luận lên tiếng cho rằng sự đền bù này không thoả đáng và có những vấn đề vẫn chưa được giải quyết minh bạch.

Cách đây hơn hai tháng, chính Tập đoàn Formosa cũng đã cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam vì câu phát biểu của ông Chu Xuân Phàm, giám đốc đối ngoại Formosa Vũng Áng trả lời truyền thông trong nước, ‘Chọn cá hay chọn thép”. Lần này thì tập đoàn Formosa một lần nữa cuối người xin lỗi trong cuộc họp báo được truyền đi cả nước. Cùng với lời xin lỗi đó là số tiền đền bù 500 triệu USD:

“Việc đền bù đó, không phải lấy để bù lại những mất mát của người dân chúng tôi, đặc biệt sức khoẻ người dân chúng tôi đang rất yếu, ăn cá thì bị nhiễm chất độc.

Chúng tôi yêu cầu làm sạch biển của chúng tôi, để chúng tôi trở lại ngư trường đánh bắt thuỷ hải sản. Chứ việc đền bù 500 triệu USD đối với ngư dân bốn tỉnh chúng tôi thì ăn thua gì. Mà nếu như có thì mỗi người chúng tôi cũng chẳng có bao nhiêu cả.”

Người ngư dân này còn nói thêm rằng, có thể Tập đoàn Formosa nghĩ rằng 500 triệu USD là nhiều, nhưng với tất cả những người lấy biển làm nhà, lấy lưới mưu sinh như họ thì nếu số tiền ấy có đến được từng hộ gia đình họ, cũng chẳng là bao nhiêu so những thiệt hại mà họ đã phải chịu.

Một ngư dân khác, ngồi bên cạnh những con tàu đánh cá vẫn còn đang phải neo trên cạn cho biết số đền bù đó:

“Chẳng thấm vào đâu.”

“Việc đền bù đó chiếu theo thiệt hại về mọi mặt thì chẳng thấm vào đâu cả. vì riêng về dân 4 tỉnh, trong suốt 3 tháng, nguồn thu hoạch không có. Rồi thảm hoạ về môi trường, chất độc nhập sâu vào lòng đất, làm cho cá chết trôi dạt vào bờ. Sau khi trời chiếu rọi xuống, bốc mùi hôi thúi lên thì bay vào không khí. Cuối cùng người kề cận, đặc biệt là dân bốn tỉnh miền Trung thì phải chịu những thiệt hại đó.”

Những người dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã từng được chính quyền địa phương hứa hỗ trợ 5 triệu đồng cho một hộ gia đình có ghe tàu phải nằm bờ. Tuy nhiên, cho đến nay, theo Nguyễn Anh Tuấn, nhà hoạt động trẻ đã có thực hiện nhiều hoạt động giúp đở cho người dân Hà Tĩnh trong mấy tháng qua cho biết, họ vẫn chưa nhận được số tiền đó.

Trách nhiệm và truy cứu hình sự?

Sau tất cả những diễn biến của ngày 30 Tháng Sáu vừa qua, chính quyền Việt Nam đã xác nhận thảm hoạ môi trường vừa qua là do con người gây ra. Do đó, một câu hỏi được dư luận truyên đi trên truyền thông mạng là liệu có truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhà máy Formosa?

Điều này được luật sư Trần Thu Nam cho biết, căn cứ vào mức độ lỗi và các hành vi đó, theo ông nhà máy Formosa hoàn toàn có biểu hiện cố ý xả thải:

“Theo quan điểm của tôi thì nên khởi tố vụ án. Sau khi khởi tố rồi thì xem xét trách nhiệm cá nhân, xem ai là người chịu trách nhiệm trong thảm hoạ môi trường lần này.”

Cùng với cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, nhà máy Formosa còn nói rằng sẽ khắc phục các hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, nước thải, đảm bảo xử lý triệt để các chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật đúc, luyện kim cho biết, nhìn chung, chi phí xử lý chất thải chiếm đến 20-30% tổng vốn đầu tư của nhà máy thép. Như vậy, dự án Khu liên hợp gang thép của Formosa giai đoạn 1 có vốn đầu tư 10,5 tỷ USD thì phải chi khoảng 2-3 tỷ USD cho xử lý chất thải. Thế nhưng, hệ thống xả thải hiện nay của Formosa trị giá 45 triệu USD.

Đây chính là vấn đề mà những người hiểu luật, làm luật và cả những người dân trong nước quan tâm đến. Luật sư Trần Vũ Hải, thuộc Đoàn luật sư Hà Nội cho biết:

“Giấy phép xả thải Formosa là do ông Thứ trưởng Bộ tài nguyên môi trường ký tháng 12 năm 2015, mấy tuần trước khi ông ấy nghỉ hưu. Hiện nay đang là một chủ đề mọi người bàn tán để xem có truy cứu trách nhiệm của ông ấy hay không.”

Cũng theo luật sư Trần Vũ Hải, sau các nghiên cứu và tiếp xúc các ngư dân ở Kỳ Anh, nhóm luật sư được họ cho biết không có ai tham khảo với họ về việc cấp giấy phép và khi giấy phép được thực hiện. Ông khẳng định:

“Cho nên tôi cho rằng việc cấp giấy phép nước thải này là một quy trình trái pháp luật. Vì theo luật Việt Nam, theo điều 201 của Luật tài nguyên nước thì khẳng định thì đối với trường hợp cấp phép xả nước thải từ 10.000m3 trở lên thì phải xin tham vấn cộng đồng, những người bị ảnh hưởng từ sản xuất hoặc kinh doanh.”

Những gì mà ngư dân miền Trung hiện tại mong muốn là “Chính quyền phải trục xuất Formosa rời khỏi Việt Nam. Nếu đang hoạt động thì vẫn còn xả thải chứ không có cách nào khác.”

Có nhiều người quan tâm vụ việc này đã có ý kiến so sánh Formosa Vũng Áng Hà Tĩnh là một “BP – Vụ án tràn dầu trên diện rộng ở vùng vịnh Mexico năm 2010.” Con số ước tính mà tập đoàn dầu khí nổi tiếng BP phải bồi thường và chi trả cho vụ việc này lên đến hàng chục tỷ USD.

Chính vì thế, những người mà ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự do chúng tôi có dịp tiếp xúc đều có chung một trăn trở, trăn trở đó là: một lời xin lỗi của Formosa, lời hứa bồi thường 500 triệu USD và thảm hoạ môi trường sẽ kéo dài trong nhiều thập kỷ sắp đến tại Việt Nam, liệu đó có phải là một cuộc trao đổi cân xứng hay không? Không ít người nói với chúng tôi rằng, trong cuộc trao đổi đó, họ chưa nhìn thấy giải pháp cho việc khôi phục lại nước biển sạch cho Việt Nam, giải pháp khôi phục lại kinh tế biển và giải pháp khôi phục lại đời sống của ngư dân.

Theo Tuấn Khanh

Ad will display in 09 seconds

Tinh Hoa kể chuyện: Lý Ký trảm xà

Ad will display in 09 seconds

LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

Ad will display in 09 seconds

Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

Ad will display in 09 seconds

Chỉ cần không lo, không sợ thì đã là người quân tử rồi sao

Ad will display in 09 seconds

Vì sao chiều chuộng cháu mình nhưng người em lại bị anh trai kiện

Ad will display in 09 seconds

Vì sao TT Trump bị một số người gọi là “kẻ ngốc”?

Ad will display in 09 seconds

Vì sao Phật chỉ nhận cúng dường của cô gái nghèo

Ad will display in 09 seconds

Lấy của người giàu chia cho người nghèo là tốt hay là xấu?

Ad will display in 09 seconds

Luân hồi 3 kiếp: "Cuối cùng tôi cũng được thân người"

Ad will display in 09 seconds

Ác nghiệp khi phá thai, xem xong đừng khóc!

  • Tinh Hoa kể chuyện: Lý Ký trảm xà

    Tinh Hoa kể chuyện: Lý Ký trảm xà

  • LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

    LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

  • Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

    Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

  • Chỉ cần không lo, không sợ thì đã là người quân tử rồi sao

    Chỉ cần không lo, không sợ thì đã là người quân tử rồi sao

  • Vì sao chiều chuộng cháu mình nhưng người em lại bị anh trai kiện

    Vì sao chiều chuộng cháu mình nhưng người em lại bị anh trai kiện

  • Vì sao TT Trump bị một số người gọi là “kẻ ngốc”?

    Vì sao TT Trump bị một số người gọi là “kẻ ngốc”?

  • Vì sao Phật chỉ nhận cúng dường của cô gái nghèo

    Vì sao Phật chỉ nhận cúng dường của cô gái nghèo

  • Lấy của người giàu chia cho người nghèo là tốt hay là xấu?

    Lấy của người giàu chia cho người nghèo là tốt hay là xấu?

  • Luân hồi 3 kiếp: "Cuối cùng tôi cũng được thân người"

    Luân hồi 3 kiếp: "Cuối cùng tôi cũng được thân người"

  • Ác nghiệp khi phá thai, xem xong đừng khóc!

    Ác nghiệp khi phá thai, xem xong đừng khóc!