Tinh Hoa

Vì sao Vũng Áng và nhiều khu kinh tế lại được cưng chiều như những “cậu ấm, cô chiêu”?

Có một sự thật tồn tại lâu nay trong cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam: Một số khu kinh tế, khu công nghiệp luôn luôn nhận được sự yêu chiều từ Nhà nước. Vì sao vậy?

Khu kinh tế Vũng Áng.

Khu kinh tế Vũng Áng là một ví dụ điển hình

Được thành lập từ năm 1997, đến nay, Vũng Áng (nằm tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đang nổi lên là một khu kinh tế trọng điểm của cả nước. Đã có hơn 400 doanh nghiệp đang hoạt động và 93 dự án được cấp chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 17 tỷ USD.

Để có được cú bứt phá ngoạn mục trong thu hút đầu tư, Chính phủ yêu cầu Hà Tĩnh dành hẳn một trang ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp.

Cụ thể: Miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất 11 năm hoặc 15 năm tùy theo dự án; Nhà đầu tư không phải chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; Thời gian cho thuê đất tối đa 70 năm; Được miễn thuế nhập khẩu trong 5 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất đối với nguyên liệu sản xuất, vật tư, linh kiện và bán thành phẩm phải nhập khẩu do trong nước chưa sản xuất được…

Nhờ những ưu đãi nói trên, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đổ xô vào đầu tư, biến Vũng Áng vốn được ví như “con vịt xấu xí” nay đã trở thành “thiên nga” với hàng trăm nhà máy nhộn nhịp, sầm uất bất kể ngày đêm.

Dấu ấn phát triển của Vũng Áng phải kể đến sự góp mặt của Formosa – một tập đoàn đến từ Đài Loan với Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương hơn 10 tỷ USD.

Cũng cần phải nhắc lại, kể từ khi bước chân vào Vũng Áng, Formosa Hà Tĩnh liên tiếp nhận được những ưu đãi từ Nhà nước. Formosa được Chính phủ cho phép xây nhà ở cho công nhân thuê hoặc bán cho công nhân người nước ngoài và trong nước. Đa số các đề xuất khác của Formosa Hà Tĩnh cũng được giải quyết êm thấm…

Năm 2014, Formosa còn tiếp tục “đòi” thành lập đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng. Chính phủ đã bác bỏ đề xuất này “vì không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam”.

Nhận được những ưu đãi trong mơ, song cũng không thể phủ nhận những “trái ngọt” mà Vũng Áng mang lại cho Ngân sách nhà nước.

Trong giai đoạn 2011-2014, KKT Vũng Áng nộp ngân sách 12.571 tỷ đồng. Theo lộ trình phát triển, thu ngân sách từ KKT Vũng Áng chiếm tỷ trọng ngày càng cao, năm 2015 thu đạt 10.000 tỷ đồng, chiếm 70% tổng thu ngân sách Hà Tĩnh.

Không chỉ Vũng Áng, nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp khác ở Việt Nam cũng được nuông chiều với mức ưu đãi đặc biệt về thuế. Chẳng hạn: KKT Nghi Sơn, KKT Chu Lai – Dung Quất, KKT Đình Vũ – Cát Hải, KKT Phú Quốc, KKT Vân Đồn…

Câu hỏi đặt ra là: Chắc chắn phải có đóng góp đáng kể nào đó, các khu kinh tế mới dám đòi hỏi nhiều yêu sách từ Nhà nước?

Hãy nhìn vào bảng thành tích năm 2015 của các Khu công nghiệp, Khu kinh tế mà ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư liệt kê:

Thu hút đầu tư vào KCN, KKT: Năm 2015, thu hút đầu tư vào các KCN, KKT đạt 6.080 dự án FDI, tổng số vốn đăng ký lên đến 97.125 triệu USD, chiếm 70% tổng số vốn FDI của cả nước.

Về doanh thu: Tổng doanh thu của các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các KCN, KKT trên cả nước năm 2015, đạt hơn 116.000 triệu USD, tăng hơn 52% so với năm 2014.

Kim ngạch xuất nhập khẩu: Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp đạt 78.624 triệu USD, đóng góp khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Kim ngạch nhập khẩu đạt 75.563 triệu USD, chiếm gần 50% tổng kim ngạch nhập khẩu 12 tháng.

Nộp ngân sách nhà nước: 90.313 tỷ đồng, bằng 95% so với kế hoạch năm 2015.

Giải quyết việc làm: Tổng số lao động trong KCN, KKT luỹ kế đến tháng 12/2015 là khoảng 2,57 triệu người.

Theo cafebiz.vn