Nhật báo “Straits Times” của Singapore số ra ngày 12/5 đã đăng bài viết của Kor Kian Beng, Trưởng Cơ quan thường trú của một tờ báo tại Trung Quốc, cho hay quyết định vào phút chót của Trung Quốc hủy kế hoạch truyền hình trực tiếp lễ duyệt binh kỷ niệm ngày Chiến thắng phát xít hôm 9/5 vừa qua đã dẫn tới nhiều lời đồn đoán về lí do thực sự của quyết định này.
Theo Kor Kian Beng, nhiều khán giả Trung Quốc đã bất ngờ trước quyết định này khi mà trước đó một loạt đài truyền hình lớn, đặc biệt là Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), đã nêu bật sự kiện này và hứa hẹn sẽ phát sóng trực tiếp. Các năm trước, CCTV luôn phát sóng trực tiếp lễ duyệt binh thường niên tại Quảng trường Đỏ ở Moskva, kỷ niệm chiến thắng của Nga trước Đức Quốc xã năm 1945. Bên cạnh đó, lễ kỷ niệm năm nay còn có sự góp mặt của Chủ tịch Tập Cận Bình và Quân Giải phóng Nhân dân (PLA). Nhóm quân nhân PLA gồm 102 người là nhóm quân đội nước ngoài có số lượng đông nhất trong số 10 nước tham gia duyệt binh năm nay. Trao đổi với “Straits Times”, chuyên gia về chính sách đối ngoại Niu Jun thuộc Đại học Bắc Kinh nói: “Sự hiện diện của ông Tập Cận Bình tại những sự kiện lớn thường được phát sóng trực tiếp, đặc biệt với ý nghĩa của lễ duyệt binh năm nay. Thật kì quặc khi nó không được phát sóng trực tiếp”.
Truyền thông Trung Quốc ngày 11/5, dẫn nguồn tin bên trong, cho hay quyết định nói trên được đưa ra chỉ hai giờ trước khi lễ duyệt binh bắt đầu. Cuối cùng, kênh thời sự CCTV-13 chỉ phát trích đoạn phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin và hình ảnh máy bay phản lực Nga bay qua Quảng trường Đỏ. Đài truyền hình vệ tinh Dragon ở Thượng Hải cũng được cho biết là đã hủy kế hoạch phát sóng trực tiếp. Những hình ảnh truyền hình “trực tiếp” chỉ được phát trên trang web “Phoenix News”. Một trong những lí do chính, theo các cư dân mạng, là sự bất mãn ra mặt của Trung Quốc về việc nhóm PLA không được dẫn đầu các nhóm quân đội nước ngoài như kế hoạch ban đầu, thay vào đó chỉ được xuất hiện cuối cùng. Tờ “Thời báo Hoàn cầu” dẫn lời một quan chức cấp cao PLA giấu tên hôm 11/5 đã tìm cách xoa dịu tình hình khi cho rằng đây là động thái “dành phần tốt nhất sau cùng”, phản ánh sự đánh giá cao của Nga đối với Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình là nguyên thủ quốc gia nổi bật nhất trong số 26 phái đoàn nước ngoài tham dự lễ duyệt binh năm nay, sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel không xuất hiện do bất đồng với ông Putin về vấn đề Ukraine. Một nguyên nhân khác mà Trung Quốc có thể lo ngại là việc truyền hình trực tiếp lễ duyệt binh này có thể dẫn đến việc các nước phương Tây kết luận rằng một liên minh chính thức đang được hình thành giữa Bắc Kinh và Moskva và điều này có thể làm phức tạp chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình vào tháng Chín tới. Song, có thể có một lí do khác là Trung Quốc không vui với việc Nga trì hoãn một thỏa thuận được đề xuất nhằm cung khí đốt từ khu vực Tây Siberia sang các tỉnh phía Tây Trung Quốc. Đã không hề có tiến triển nào kể từ khi một thỏa thuận sơ bộ được kí kết hồi tháng 11/2014, với nguyên nhân được cho là bởi bất đồng giữa hai bên về giá. Dù vậy, chuyên gia về quan hệ Nga-Trung, Zhao Huasheng thuộc Đại học Phúc Đán cho hay thỏa thuận khí đốt này vốn không được kì vọng sẽ nằm trong 32 thỏa thuận song phương được kí kết giữa Trung Quốc và Nga hôm 8/5 vừa qua. Một số cư dân mạng Trung Quốc cũng cho rằng Bắc Kinh có thể lo lắng việc người dân nước này sẽ so sánh giữa lễ duyệt binh của Nga và lễ duyệt binh của Trung Quốc vào ngày 3/9 tới để đánh dấu sự kiện kết thúc Chiến tranh Thế giới Thứ hai lần thứ 70. Giáo sư Niu cũng xem đây có thể là lí do nhiều khả năng nhất của quyết định hủy truyền hình trực tiếp. Ông nói: “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể nghĩ rằng một chương trình truyền hình trực tiếp có thể làm khó cho việc mời các nhà lãnh đạo nước ngoài hàng đầu tới dự lễ duyệt binh ở Bắc Kinh. Ông Putin đã bị cộng đồng phương Tây cô lập do cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Nếu những nước này cho rằng Trung Quốc sẽ trải thảm đỏ đón Putin tại lễ duyệt binh của mình, họ có thể không muốn tham dự”.
|
Theo Báo Tin tức