Theo CNN, Singapore chính thức trở thành quốc gia sở hữu những học sinh trung học thông minh nhất thế giới. Thành công trên phương diện giáo dục đưa quốc đảo trở thành một trong những nền kinh tế thịnh vượng.
“Singapore là một trường hợp kỳ diệu”, Marc Tucker, chủ tịch Trung tâm Giáo dục và Kinh tế Quốc gia Mỹ, nói. “Trước chiến tranh thế giới thứ 2, Singapore là một hải cảng của Anh. Khi Anh rút và đóng cửa, Singapore đang ở vào tình trạng khủng khiếp”.
“Giờ đây, Singapore là một trong những nền kinh tế tốt nhất thế giới. Họ đã làm rất nhiều cho công cuộc giáo dục và đào tạo”.
Nếu bước chuyển đổi từ nghèo khó sang giàu có của Singapore được xây dựng dựa trên giáo dục, thì bí mật về nền giáo dục của Singapore nằm ở chất lượng giáo viên. “Họ tuyển chọn nguồn giáo viên đến từ những học sinh tốt nhất của họ”, Tucker giải thích. “Một cách dùng kiến thức rất sáng tạo”.
Trong những năm sau chiến tranh, thu nhập của người Singapore rất thấp. Đất nước thiếu lao động có trình độ. Mục tiêu giáo dục của quốc đảo này chỉ là xoá mù chữ.
Tuy nhiên, bắt đầu vào những năm 1970, nhu cầu kinh tế Singapore thay đổi. Singapore nhanh chóng tiến đến công nghệ cao, những công việc đòi hỏi yêu cầu lớn và nền giáo dục phải đuổi kịp, đáp ứng xu hướng này. Rất nhanh chóng, mục tiêu giáo dục của Singapore được đổi thành mỗi một đứa trẻ của Singapore phải đạt nền giáo dục đẳng cấp thế giới, và điều đó có nghĩa là chuyển từ việc học vẹt sang khuyến khích sáng tạo.
“Họ chỉ có một lựa chọn duy nhất – đó là phải nhanh chóng mở rộng giáo dục”, giám đốc giáo dục của OECD, Andreas Schleicher nói. “Nhưng họ đã đạt được mục tiêu này, họ là nước đầu tiên nghĩ về việc con cái của chúng ta cần gì để thành công trong nền kinh tế tương lai?”
“Có một điều rất rõ ràng với họ là nền kinh tế thế giới không còn chuộng những người chỉ có những gì họ biết. Google biết tất cả mọi thứ. Kinh tế thế giới chỉ chuộng những người có thể làm gì với những thứ họ biết”.
“Nhấn mạnh vào ứng dụng, vào cách sử dụng kiến thức sáng tạo là điều rất, rất quan trọng tại Singapore và các nước châu Á khác”.
Tầm quan trọng của giáo dục được tuyên truyền từ khi người dân còn rất nhỏ tuổi – thậm chí trước cả khi trẻ em đi học tiểu học.
“Chúng tôi, những nhà giáo dục mầm non, chính là những người tạo ra nền tảng cơ bản. Tôi nghĩ những năm đầu đời của một đứa trẻ rất quan trọng. Khi bạn có một đứa trẻ tự tin, sự tự tin của đứa trẻ đó sẽ đưa cô/cậu bé đó đi qua những năm tháng tiểu học. Bạn không chỉ muốn một đứa trẻ thông minh, mà bạn còn muốn một đứa trẻ sôi nổi, có sức bật mạnh mẽ”, Diana Ong, người đứng đầu Schoolhouse Sembawang Country Club, một trường tiểu học ở phía bắc Singapore, nói.
Còn Schleicher thì cho rằng nhiều quốc gia châu Á có nền văn hóa là bố mẹ luôn phải ưu tiên cho sự giáo dục của con cái.
“Tất cả bắt đầu từ việc những ưu tiên mà họ dành cho giáo dục”, ông giải thích. “Ở những quốc gia này, bố mẹ, ông bà sẽ đầu tư đến tận nguồn lực cuối cùng, đồng tiền cuối cùng vào việc học của con cái”.
Đó là một vấn đề về sự ưu tiên. Bạn có thể thấy trong tất cả các cấp chính sách công, giáo dục luôn được ưu tiên trước nhất. Đó là tương lai của bạn.
Theo xaluan.com