Tết Đoan Ngọ vào ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch trong văn hoá dân gian Phương Đông có nguồn gốc từ Trung Hoa. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vì sao Tết Đoan Ngọ lại được gọi là Tết diệt sâu bọ?
Tết Đoan Ngọ rơi vào ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch hàng năm, là một ngày Tết truyền thống tại Trung Quốc cũng như một số nước Đông Á như Triều Tiên và Việt Nam.
Tại Việt Nam, dân gian còn gọi ngày Tết Đoan Ngọ là Tết diệt sâu bọ, là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên đồng ruộng.
Tết Đoan Ngọ bắt đầu từ tích cổ Trung Quốc
Khuất Nguyên, họ Tam Lư, làm chức Tả Đồ nước Sở dưới Triều vua Hoài Vương vào thời Chiến Quốc, là một vị quan đại thần tài trí và liêm chính. Ban đầu ông rất được Sở Vương trọng vọng và nước Sở ngày càng hùng cường với sự phò trợ của ông. Tuy nhiên sau này do những nịnh thần ghen ghét xúi giục, nên mỗi khi vào Triều bàn bạc quốc sự, ông đều bị vua Hoài Vương bài bác. Về sau ông bị nhà vua truất bỏ.
Khi vua Sở Hoài Vương sang Tần, ông hết lời can ngăn nhưng Hoài Vương không nghe, rồi phải bỏ mạng ở đất Tần. Vua Tương Vương kế nghiệp vua Hoài Vương không những không chịu nghe lời ông lại còn bắt ông đi đày.
Năm 278 TCN, quân nước Tần chiếm được kinh đô nước Sở. Trước sự thực mất nước, Khuất Nguyên tuyệt vọng trầm mình tự vẫn trên dòng Mịch La Giang. Ngày định mệnh ấy là mùng 5 tháng 5 Âm lịch.
Được tin đó, nhà vua rất hối hận và thương tiếc, người dân lại càng đau buồn. Họ đến dòng sông Mịch La để bày tỏ niềm tôn kính đối với tấm lòng trung của Khuất Nguyên. Để xua đuổi cá và ma quỷ lai vãng quanh xác Khuất Nguyên, các thuyền nhân đã dùng mái chèo khua trên dòng sông.
Một số người ném bánh gạo hấp được gói trong lá tre xuống sông làm mồi cho lũ cá để chúng không ăn xác Khuất Nguyên. Những người khác đánh trống để đuổi cá đi. Thầy thuốc thì đổ rượu hùng hoàng xuống sông để “đầu độc” ma quỷ và bảo vệ xác Khuất Nguyên.
Từ đó về sau, cứ vào ngày mùng 5 tháng 5, người ta tưởng niệm Khuất Nguyên bằng cách tổ chức lễ hội với những hoạt động bao gồm đua thuyền rồng đánh trống, ăn tống tử (một loại bánh gạo hấp gói là tre), và uống rượu hùng hoàng, cùng nhiều hoạt động khác. Vì thế mà lễ hội này có những tên khác như là Lễ hội Thuyền Rồng và Lễ hội Tống tử.
Truyền thuyết Tết Đoan Ngọ tại Việt Nam
Tại Việt Nam, truyền thuyết về Tết Đoan Ngọ gắn liền với mùa màng. Đó là vào một ngày sau vụ mùa, nông dân ăn mừng vì trúng mùa, nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo dày ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Nhân dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân.
Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm đơn giản có bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi. Lão ông còn bảo thêm: “Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng”.
Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày “Tết diệt sâu bọ”, có người gọi nó là “Tết Đoan Ngọ” vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.
Ý nghĩa Tết Đoan Ngọ
Ở Việt Nam, Tết Đoan ngọ được “Việt hóa” thành ngày Tết diệt sâu bọ và thờ cúng tổ tiên. Người Việt còn gọi Tết Đoan Ngọ là “Tết diệt sâu bọ” vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Vào ngày này, dân gian có nhiều tục trừ trùng phòng bệnh. Ngày Đoan Ngọ cũng là ngày dân chúng cúng lễ để đánh dấu một thời tiết mới, mừng sự trong sáng, quang đãng, đồng thời để cầu bình an.
Hiện ở một số làng quê Việt Nam vẫn còn giữ nếp xưa, rất coi trọng ngày Tết này. Sau Tết Nguyên Đán, có lẽ “Tết diệt sâu bọ” là cái Tết sum họp đầm ấm nhất và có nhiều tục lệ gắn kết với đời sống của người dân… Vì vậy con cháu dù làm ăn xa xôi mấy cũng cố thu xếp để về.
TinhHoa tổng hợp