Tinh Hoa

Vì sao khi bị cảm chúng ta lại bị chảy nước mũi?

Mũi là một cơ quan phức tạp, với nhiệm vụ làm ấm và điều tiết lượng không khí đi vào cơ thể, đồng thời đóng vai trò như một người gác cổng chống lại những tác động xấu của môi trường bên ngoài, theo Stella Lee – Giáo sư tai mũi họng tại Trung Tâm Y Tế thuộc Đại học Pittsburgh (Mỹ).

Mũi là vị trí tiền tuyến trong cuộc chiến giữa hệ thống miễn dịch và các yếu tố gây bệnh

Cũng có thể ví mũi là vị trí tiền tuyến trong cuộc chiến giữa hệ thống miễn dịch và các yếu tố gây bệnh. Ngay khi không bị bệnh, mũi bao giờ cũng được phủ một lớp chất nhầy.

Lớp nhầy này có tác dụng bẫy vi khuẩn và virus gây bệnh có thể lây nhiễm sang bạn, nếu chúng đi đến các mô dễ bị tổn thương hơn trên cơ thể. Một lớp lông mao nằm trong mũi sẽ đưa chất nhầy từ phía trước đi về phía sau mũi, rồi xuống cổ họng.

Trong trường hợp mầm bệnh vượt qua lớp nhầy, lúc bấy giờ bạn bị bệnh. Để bảo vệ cơ thể, hệ thống miễn dịch bắt đầu thành hành động. Một protein nhỏ được gọi là cytokine sẽ “ra lệnh” cho các tế bào T và tế bào B để tìm kiếm và tiêu diệt các mầm bệnh.

Những protein này như những người đưa tin, báo cho các tế bào trong mũi tạo ra nhiều chất nhầy hơn nhằm làm sạch các tế bào lót tránh khỏi vi khuẩn hoặc virus có hại khác. Khi chất nhầy ngày càng gia tăng, khoang mũi của bạn tất nhiên sẽ chứa đầy loại chất lỏng dư thừa này. Sau đó, chúng tràn ra ngoài qua lỗ mũi, và chúng ta thường gọi đó là sổ mũi.

Khi cơ thể của bạn xóa sạch các tác nhân gây bệnh, hệ thống miễn dịch sẽ giảm tín hiệu hoảng loạn và lớp chất nhầy sẽ quay về trạng thái bình thường.

Tuy nhiên, đôi khi hệ thống này không tuyệt vời đến mức biết được khi nào nên tắt các cơ chế phản ứng, hoặc nhận biết tế bào mà nó cần phải tấn công. Hoạt động quá tích cực hoặc có phản ứng sai sẽ dẫn đến những tình trạng như dị ứng hoặc hen suyễn.

Khi cơ thể phát động một cuộc tấn công quy mô lớn nhắm vào thứ gì đó không thực sự làm hại nó, điều đó sẽ gây thiệt hại cho các mô của cơ thể. Ngoài ra, ngay cả khi cơ thể đã thải ra ngoài những “kẻ xâm lược“, chất nhầy đó rất dễ lây lan.

Chạm vào mũi, miệng hoặc mắt mà không rửa tay có thể khiến vi khuẩn và virus gây bệnh lây nhiễm hoặc tái xâm nhập vào cơ thể bạn dễ dàng hơn

 

Nói cách khác, nó vẫn có thể truyền bệnh cho người khác. Chắc hẳn bạn đã biết thường xuyên rửa tay là một cách tuyệt vời để ngăn ngừa một số loại bệnh, và Lee còn nhấn mạnh:

Chạm vào mũi, miệng hoặc mắt mà không rửa tay có thể khiến vi khuẩn và virus gây bệnh lây nhiễm hoặc tái xâm nhập vào cơ thể bạn dễ dàng hơn”. “Là một bác sĩ, tôi phải thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân, nhưng tôi rửa tay liên tục và cũng vì thế mà tôi không bị bệnh“.

Hãy cẩn thận với chiếc mũi của bạn

Nếu bạn mắc bệnh, đó là việc không thể tránh khỏi đối với hầu hết chúng ta, nhưng điều quan trọng là cần phải cẩn thận với mũi của bạn“, giáo sư Stella Lee cảnh báo.

Hỉ mũi quá mạnh có thể gây tổn hại đến những chiếc lông mỏng manh. Thậm chí có thể đẩy tác nhân bệnh sâu vào trong khoang mũi, nơi chúng dễ dàng lây lan vào bên trong cơ thể.

Để làm giảm việc chảy nước mũi, bạn nên sử dụng dung dịch nước muối (thông qua thuốc xịt mũi hoặc các cách khác) để rửa mũi của mình. Điều này sẽ giúp làm lỏng chất nhầy và chúng trở lại trạng thái bình thường một cách nhanh chóng hơn. Thuốc chống sung huyết mũi cũng được bác sĩ Lee khuyên dùng.

Trong thời gian đầu của việc chữa trị, các bác sĩ thường không cho kháng sinh vào đơn thuốc vì phần lớn cảm lạnh đều gây ra bởi một số loại virus, và chúng thường bị đào thải khỏi cơ thể trong vòng chưa đến 2 tuần.

Tuy nhiên nếu các triệu chứng trở nên tệ hơn sau đó, chứng tỏ viêm nhiễm đã hình thành, lúc bấy giờ bạn mới cần đến kháng sinh. Tóm lại, chảy nước mũi có thể gây phiền nhiễu cho bạn, nhưng đó là một dấu hiệu tốt. Điều đó cho thấy hệ thống miễn dịch của bạn vẫn đang hoạt động ổn định.

Theo Tinh Tế