Qua lời tiên đoán của Lý Thuần Phong, vua Đường Thái Tông đã sớm biết về sau Võ Tắc Thiên sẽ đoạt ngôi, giết hại con cháu nhà Đường. Nhưng vị hoàng đế này lại vẫn để yên, không diệt trừ mối họa. Tuy nhiên, mọi việc đều có nguyên do sâu xa.
Hoàng đế Đường Thái Tông Lý Thế Dân cần kiệm, chính trực, yêu thương trăm dân, tôn kính Thần Phật. Lòng nhân từ và đức hạnh của Đường Thái Tông trải dài khắp bốn biển, uy lực khắp tám phương, ông cũng vô cùng hiểu đạo trời, thuận theo Thiên mệnh.
Sử sách từng ghi chép lại đoạn hội thoại giữa Đường Thái Tông và Lý Thuần Phong như sau:
Vào ngày 19 tháng 5 năm thứ Bảy thời kỳ Trinh Quán của Đường Thái Tông, Thái Tông hỏi Lý Thuần Phong rằng: “Thiên hạ của Trẫm giờ có thể nói là khá ổn định rồi. Khanh thông hiểu Kinh Dịch, toán quái, khanh có biết ai sẽ là người làm mất giang sơn của Trẫm, và sau triều đại của Trẫm, ai là người sẽ đăng cơ, triều đại mới nào sẽ bắt đầu. Khanh hãy nói rõ ràng cho Trẫm biết”.
Lý Thuần Phong trả lời: “Muốn biết trước tương lai, phải minh tỏ được quá khứ. Người tài đức cầm quyền thì nước ắt sẽ còn, người không tài đức cầm quyền thì tự nhiên bại hoại. Đây cũng là đạo lý muôn đời không thay đổi”.
Đường Thái Tông lại hỏi: “Điều Trẫm muốn hỏi không phải là ý này. Trẫm là muốn khanh dùng hiểu biết về thuật số của mình, suy tính xem triều đại của ta kéo dài được bao nhiêu năm, rồi ai là người làm loạn nước ta, ai là người làm mất nước ta, và kể rõ việc của từng thời đại. Điều mà Trẫm muốn biết chính là những việc ấy”.
Lý Thuần Phong thật thà nói: “Đây là Thiên cơ, thần không dám tiết lộ”.
Đường Thái Tông nói: “Khanh không nói, Trẫm cũng không miễn cưỡng. Hãy cùng Trẫm đi vào trong cấm cung!”.
Lý Thuần Phong đi theo sau Đường Thái Tông lên lầu cao. Ở trên phòng cao ấy, Đường Thái Tông lại nói: “Nơi này, trên không đụng Trời, dưới không chạm Đất, khanh có thể vì Trẫm mà nói ra được rồi!”.
Lý Thuần Phong cung kính nói: “Người làm loạn triều ta, ở ngay bên cạnh Bệ hạ. Bệ hạ không biết, 30 năm sau, người đó sẽ giết chết hầu hết con cháu nhà Đường”.
Đường Thái Tông hỏi: “Người này là văn quan hay võ tướng? Khanh hãy nói rõ cho Trẫm biết, Trẫm lập tức giết chết người này để trừ họa cho đất nước”.
Thuần Phong đáp: “Đây là Thiên ý, sức người có thể làm gì được? Người này hiện giờ đã ngoài 20 tuổi, nếu giờ giết chết đi, Trời tất sẽ giáng họa nước ta, con cháu nhà Đường càng nguy hiểm”.
Đường Thái Tông nói: “Thiên ý nếu đã định rồi, vậy thì khanh hãy thử nói sơ qua về người này xem”.
Lý Thuần Phong nói: “Người này chỉ có cây thương không rời thân, 2 mắt mọc trên Trời”.
(Lời này là tả về tên của Võ Tắc Thiên. Võ Tắc Thiên có họ là Võ (“武”). Từ Võ (“武”) này do chữ “chỉ có”(“止”) ghép với “cây thương (” 戈”), tên là Chiếu (“曌”) tức là “2 mắt “(目目”) mọc ở trên Trời (” 空”). Về sau này, sự tình thực tế xảy ra hoàn toàn đúng với lời tiên đoán này).
Như vậy rõ ràng với sự tài trí của mình, Đường Thái Tông có thể đã đoán biết danh tính của người gây họa cho vương triều của ông về sau này, nhưng tại sao Võ Chiếu kia vẫn tồn tại?
Thực tế, mệnh trời là không thể trái, Lý Thuần Phong mặc dù đã sớm đoán được sự việc này nhưng tiến trình lịch sử là đã có sự an bài, không thể thay đổi được, chỉ có thể thuận theo. Còn nghịch thiên mà làm thì chỉ có gia tăng giết chóc, tăng thêm tội nghiệp, hà tất phải làm khổ thêm muôn dân trăm họ? Bản thân Đường Thái Tông cũng là người minh tỏ điều này nên ông không truy cứu việc này tiếp nữa.
Đạo lý rằng từ thuở xa xưa đến nay, mặt trời mọc mặt trời lặn đều đúng giờ đã định, thủy triều lên thủy triều xuống đều là có trật tự. Trong sâu thẳm đều là có Thiên ý. Thiên ý không vì ý chí của con người mà thay đổi. Nhỏ đến mức như “sinh lão bệnh tử” của sinh vật, lớn đến mức như quy luật của sự phát triển văn minh nhân loại, không có gì là không nằm trong sự khống chế của Thiên ý.
Thiên ý không thể trái, người làm trái Thiên ý thì tất sẽ bị trời trừng phạt. Trong lịch sử nhân loại đã có rất nhiều câu chuyện điển hình về việc này.
Bắc Chu Vũ Đế đã ra lệnh cấm hẳn Phật giáo và cũng muốn cấm tiệt Đạo giáo. Cuối cùng ông bị mắc bệnh hiểm nghèo, khắp cả người thối rữa mà chết vào năm 36 tuổi.
Đường Vũ Tông cũng có ác cảm với Phật giáo, luôn tìm cách đàn áp, hủy hoại rất nhiều chùa miếu. Về sau, Đường Vũ Tông bởi vì mê mẩn thuật trường sinh bất tử, nên dùng tiên đan quá liều lượng, trúng độc mà chết vào năm 33 tuổi.
Hậu Chu Thế Tông cũng phá hủy tượng Phật, đem tượng Phật bằng đồng đúc thành tiền. Cuối cùng Hậu Chu Thế Tông cũng chết vào năm mới 39 tuổi, triều đại Hậu Chu cũng diệt vong từ đây.
Trong lịch sử cũng có rất nhiều gương những vị Hoàng đế thuận theo Thiên ý mà hành nên có thể dẫn dắt muôn dân đi về hướng thực sự “thái bình thịnh thế”.
Vậy mới nói Thiên ý là không thể làm trái, thuận theo Thiên ý tất sẽ hưng thịnh, nghịch Thiên ý ắt sẽ suy vong.
Sưu tầm