Dịch bệnh ở Vũ Hán tiếp tục lan rộng, cả thế giới đang tập trung vào Trung Quốc. Tuy nhiên, Tập Cận Bình đến nay vẫn chưa đến trung tâm vùng dịch Vũ Hán để thị sát, điều này dẫn đến nhiều suy đoán khác nhau. Có chuyên gia cho rằng, ông Tập không đến Vũ Hán vì có 2 nỗi sợ.
Trong hơn 2 tháng kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán, Tập Cận Bình luôn tuyên bố sẽ đích thân chỉ đạo và triển khai công tác phòng chống dịch. Vào ngày 26/1, Trung ương đã thành lập “Tổ lãnh đạo của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) để ứng phó với dịch bệnh viêm phổi lây nhiễm nCoV”. Lý Khắc Cường được bổ nhiệm làm Tổ trưởng, đến Vũ Hán để xem xét tình hình dịch bệnh vào ngày 27/1.
Vào ngày 10/2, Tập Cận Bình cùng với Thái Kỳ – Bí thư Thành ủy Bắc Kinh và những người khác, đã đến một số khu dân cư, bệnh viện, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh ở Bắc Kinh để xem xét tình hình dịch bệnh, và có cuộc gọi video với nhân viên y tế tuyến đầu và quan chức ở Vũ Hán.
Ngày 11/2, ông Tập Cận Bình đã chỉ định Vương Hạ Thắng giữ cả 2 chức vụ Thư ký và Giám đốc Ủy ban Y tế và Sức khỏe Hồ Bắc. Người thân tín của ông Tập là Trần Nhất Tân, với tư cách là Phó tổ trưởng tổ chỉ đạo trung ương, sẽ đảm nhận việc chỉ đạo cuộc chiến chống lại dịch bệnh ở Vũ Hán.
Ngày 13/2, ông Tập Cận Bình đã tái chỉ định Ứng Dũng – Thị trưởng Thượng Hải, thay thế Tưởng Siêu Lương – Bí thư Tỉnh ủy Hồ Bắc; chỉ định Vương Trung Lâm – Bí thư Thành ủy Tế Nam, thay thế Mã Quốc Cường – Bí thư Thành ủy Vũ Hán.
Ngày 23/2, Tập Cận Bình đã tổ chức một cuộc họp video với sự tham gia của 170.000 người để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, ông Tập thừa nhận tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn còn nghiêm trọng và phức tạp, là sự kiện y tế công cộng tồi tệ nhất kể từ khi ĐCSTQ xây dựng chính quyền, đồng thời yêu cầu các tỉnh trở lại làm việc, sản xuất.
Nhưng cho đến nay, Tập Cận Bình vẫn chưa bao giờ đến vùng dịch Vũ Hán để xem xét tình hình dịch bệnh. Ngày 26/2, VOA dẫn lời các học giả phân tích, có thể có 5 nguyên nhân khiến Tập Cận Bình không đến Vũ Hán:
1. Vì Lý Khắc Cường đã đến Vũ Hán thay mặt ông Tập, ông đi nữa thì chỉ là chuyện dư thừa.
2. Tập Cận Bình có thể muốn đợi cho đến khi tình hình dịch bệnh ở Vũ Hán được cải thiện rồi mới đi.
3. Cảm thấy cần phải ngồi trấn thủ ở Bắc Kinh vào thời điểm mấu chốt, đích thân triển khai và chỉ đạo cuộc chiến chống lại “dịch bệnh” để kiểm soát tình hình chung.
4. Có thể Tập Cận Bình bị bệnh, theo đề nghị của bác sĩ hoặc cố vấn nên đã quyết định không đến Vũ Hán, tránh lây nhiễm.
5. Cho thấy sự cố định chiến lược của ông Tập, cũng có thể nói là sự bướng bỉnh. Khi dịch bệnh trở nên nghiêm trọng, có thể ông Tập đã lên kế hoạch đến Vũ Hán, nhưng những lời chỉ trích từ ngoại giới khiến ông cho rằng không thể khuất phục trước áp lực này.
Hồ Bình, Tổng biên tập danh dự của “Mùa xuân Bắc Kinh”, người từ lâu đã quan tâm đến chính trị Trung Quốc, cho rằng Tập Cận Bình không đến Vũ Hán vì những cân nhắc về an toàn.
Hồ Bình nói, thứ nhất là Tập Cận Bình sợ lây nhiễm virus; Thứ hai là ông Tập lo lắng cho sự an toàn của mình, rất có thể ông sẽ liên tưởng đến sự kiện 20/7 ở Vũ Hán trong Cách mạng Văn hóa. Ông Tập biết rằng có rất nhiều quan chức và công dân Vũ Hán bất mãn với mình, nhỡ có người bất chấp làm loạn tại chỗ, dù chỉ là chất vấn tại chỗ, thì cũng sẽ rất phiền phức.
Hồ Bình nói, mặc dù hai khả năng này rất nhỏ, nhưng không sợ nhất vạn, chỉ sợ vạn nhất, cho nên ông Tập không đi thì tốt hơn.
Có học giả Trung Quốc khác cũng cho rằng, Tập Cận Bình không đi Vũ Hán, ngoài sợ bị lây nhiễm, còn sợ “Sự kiện Vũ Hán” tái diễn. Ông nói, trong cuộc Cách mạng Văn hóa, sự kiện “Trăm vạn hùng binh” khiến Mao Trạch Đông phải hốt hoảng chạy trốn. Trong dịch bệnh hiện nay, chính quyền ĐCSTQ đã tạo ra nhiều kẻ thù mới, đầy rẫy lời oán thán của quan chức và người dân, Vũ Hán là nơi tập trung nhất, ai dám đảm bảo an toàn tuyệt đối? Vì thế ông Tập không dám đi.
Sự kiện 20/7 ở Vũ Hán được Hồ Bình đề cập còn được gọi là sự kiện “Trăm vạn hùng binh”, hay “Sự kiện Vũ Hán”. Sự kiện xảy ra vào tháng 7/1967, Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đích thân đến Vũ Hán để cố gắng giải quyết vấn đề cải cách văn hóa ở Hồ Bắc.
Quân đội và người dân Vũ Hán đã tổ chức “Trăm vạn hùng binh”, để chống lại quyết định của chính quyền Trung ương, phê bình con đường và chính sách của cải cách văn hóa, đồng thời đánh vào Quân khu Vũ Hán và Khách sạn Đông Hồ – Vũ Hán, bắt giữ Vương Lực, thành viên của tổ cải cách văn hóa.
Để đảm bảo an toàn cho Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai đã sắp xếp cho Mao Trạch Đông rời khỏi Vũ Hán bằng máy bay vào ngày 20/7.
Gia Hưng (Theo NTDTV)