Phật Đồ Trừng, cũng được gọi là Trúc Phật Đồ Trừng, là một cao tăng Ấn Độ. Trong những năm tại thế, nhờ có thần thông phi phàm, ông đã dự đoán rất nhiều chuyện trong thiên hạ một cách chuẩn xác phi thường.
Vốn là người Tây Vực, từ nhỏ ông đã xuất gia, là người ham học lại tinh thông kinh thư Phật Pháp. Ông cũng là vị cao tăng mang pháp lực thần thông quảng đại, có thể sai khiến được cả quỷ thần.
Khi trộn dầu mè và tro thuốc rồi bôi lên lòng bàn tay, những sự việc cách xa hàng ngàn dặm có thể hiện lên rõ ràng giống như đang xảy ra trước mặt. Căn cứ vào tiếng chuông trên bảo tháp ông còn có thể dự đoán cát hung phúc họa, không điều gì là không ứng nghiệm.
Trước khi Phật Đồ Trừng tọa hóa (chỉ người tu hành đến lúc cuối đời thì ngồi ngay ngắn, bình yên mà rời đi), ông đã dự đoán trước tình huống các thành viên trong hoàng thất phát sinh giết chóc. Nhưng đó cũng chính là số kiếp, ông cũng không cách nào ngăn lại được, chỉ là trong phạm vi khả năng của mình, ông muốn giúp nhà vua giảm đi được một chút khó khăn.
Thạch Tuyên giết Thạch Thao, những quan dưới quyền đều bị ngũ mã phanh thây
Tháng bảy năm Kiến Vũ thứ 14 (năm 348), hai huynh đệ Thạch Tuyên và Thạch Thao muốn tàn sát lẫn nhau. Một ngày, Thạch Tuyên đi vào chùa đến chỗ Phật Độ Trừng. Phật Độ Trừng nhìn theo anh ta rất lâu, Thạch Thao cảm thấy sợ hãi, liền hỏi Phật Độ Trừng tại sao lại nhìn mình như vậy, Phật Độ Trừng nói: “Ta thấy kỳ lạ là tại sao trên người ngươi lại có mùi máu tươi, cho nên mới nhìn như vậy”.
Một ngày vào tháng Tám, Phật Đồ Trừng để cho mười đệ tử ở trong một gian phòng làm trai sự, còn ông đi vào một phòng ở phía Đông, Thạch Hổ (tứcTriệu Thái Tổ, vị vua thứ ba của nhà Hậu Triệu thời Ngũ Hồ thập lục quốc) và Đỗ Hậu đi vào hỏi thăm. Phật Đồ Trừng nói: “Bên cạnh ngài có giặc, không đến mười ngày, ở phía Tây Nam, phía Đông Điện và Bắc Điện sẽ có người đổ máu, ngài ngàn vạn lần đừng đi về phía Đông”.
Đỗ Hậu nói: “Hòa Thượng già nên hồ đồ rồi! Làm gì có giặc ở nơi này chứ”.
Phật Đồ Trừng lập tức đổi giọng nói: “Con người có sáu tình, đó đều là giặc. Sinh lão tự nhiên khó tránh khỏi, chỉ cần đừng hồ đồ là được”. Ông chỉ nói ám chỉ, không muốn nói thẳng.
Hai ngày trôi qua, Thạch Tuyên quả nhiên phái người vào trong chùa sát hại Thạch Thao, còn muốn nhân cơ hội Thạch Hổ đến phúng viếng để hành thích. Thạch Hổ vì đã được Phật Đồ Trừng dự đoán và cảnh báo từ trước, cho nên đã thoát chết.
Sau khi sự tình bại lộ, Thạch Tuyên bị bắt giam. Phật Đồ Trừng khuyên can Thạch Hổ: “Đó là con trai của bệ hạ, sao phải gia tăng trọng hình cho hắn làm gì. Bệ hạ nếu như có thể nén cơn nóng giận mà dùng lòng từ bi để đối đãi, thì vương vị có thể kéo dài ngoài sáu mươi năm. Còn nếu như giết hắn, Thạch Tuyên sẽ trở thành sao chổi, quét nghiệp vào cung đấy”.
Thạch Hổ không nghe theo Phật Đồ Trừng khuyên bảo, dùng dây xích sắt trói Thạch Tuyên lại, đưa đến đống củi đã chất sẵn và hỏa thiêu; lại bắt những vị quan dưới quyền của Thạch Tuyên, gộp lại hơn ba trăm người, toàn bộ bị ngũ mã phanh thây, ném xuống sông Chương Hà.
Phật Đồ Trừng tọa hóa dự đoán được nhà vua sẽ bị chết
Một tháng sau, có một con ngựa nhìn quái dị, lông bờm và đuôi ngựa đều có dấu vết bị đốt, đi vào trong Dương Môn, sau lại đi ra ở Dương Môn, đầu hướng về phía Đông Cung, chỗ nào cũng không đi vào, cứ nhắm hướng Đông Bắc mà chạy, trong nháy mắt đã không thấy tăm hơi đâu. Phật Đồ Trừng nghe được chuyện này chỉ thở dài: “Đại nạn đã đến!”
Tháng 11, Thạch Hổ mở yến tiệc các quần thần trước điện Thái Vũ, Phật Đồ Trừng liền ngâm xướng mấy câu: “Điện thờ ơi điện thờ ơi, gai mọc thành rừng, làm áo mặc cho người xấu!”. Thạch Hổ ra lệnh cho người đẩy tảng đá trước điện thờ ra xem xét thì thấy có cây gai mọc ra ở dưới tảng đá.
Phật Đồ Trừng trở lại chùa, đứng trước tượng Phật nói: “Thật đáng tiếc, không thể giữ gìn được sự trang nghiêm của Phật Tổ”. Lại lẩm bẩm rằng: “Còn có thể được ba năm sao?”. “Không thể, không thể”. “Vậy còn hai năm, một năm, một trăm ngày, một tháng sao?” “Cũng không thể”.
Vì vậy Phật Đồ Trừng không nói thêm gì nữa, lặng lẽ đi trở về phòng của mình, nói với đệ tử Pháp Tộ rằng: “Năm Mậu Thân họa loạn nổi lên, năm Kỷ Dậu họ Thạch sẽ diệt vong, ta muốn rời đi trước khi loạn lạc xảy ra”.
Phật Đồ Trừng lập tức phái người đi đưa tin từ biệt cho Thạch Hổ, trong thư viết: “Lý của vạn vật là ở chỗ biến đổi, bản thân sinh mệnh không thể vĩnh viễn được. Thân thể bần đạo như bụi như huyễn, đã đến lúc tọa hóa rồi. Trước đây đã được ân trọng, nên nay xin kính báo”.
Thạch Hổ bi thương nói: “Chưa từng nghe hòa thượng bị bệnh, vậy nay sao lại đột ngột rời đi thế này”. Ông lập tức xuất cung tự mình đến chùa để thăm hỏi Phật Đồ Trừng.
Phật Đồ Trừng nói với Thạch Hổ: “Đến rồi đi đó là cái đạo thường tình rồi. Sống thọ hay không thì trong mệnh vốn đã định, không ai có thể thay đổi, chỉ có coi trọng đạo hạnh mới có thể viên mãn được. Đức quý ở chỗ không giải đãi, nếu như hành vi thường ngày có thể làm được không sai kém so với đạo, không tổn hại đức, vậy thì tuy chết mà vẫn còn.
Hôm nay tâm nguyện cuối cùng của ta chính là quốc gia biết giữ gìn Phật lý mà dốc toàn lực tôn thờ, xây dựng chùa chiền, tôn kính, trang nghiêm, đó chính là làm lợi cho nhân dân, sẽ được thần phù hộ. Nhưng nếu thi hành biện pháp chính trị hà khắc, hình phạt khốc liệt, hiển nhiên sẽ làm trái với thánh điển, dù có thuộc lòng pháp giới mà không tự xem xét lại chính mình thì cuối cùng cũng không được Phật phù hộ. Nếu có thể cải biến tâm tính, làm việc có lợi cho dân, vận mệnh quốc gia sẽ có thể kéo dài, cả đường đạo và đường phàm đều nhờ đó mà vui mừng; Mệnh của bần đạo đến đây là hết, chết không có hối hận!”
Thạch Hổ cực kỳ bi thương, biết Phật Đồ Trừng nhất định sẽ chết, lập tức đào cho ông một phần mộ. Ngày tám tháng mười hai, Phật Đồ Trừng tạ thế tại chùa Nghiệp Cung, đây là năm Vĩnh Hòa thứ tư thời Tấn Mục Đế (năm 348), hưởng thọ 117 tuổi. Dân chúng từ trên xuống dưới đều thương xót, ai cũng khóc than đi đưa tang. Di thể Phật Đồ Trừng được chôn cất trong núi Lâm Chương Tây Tử, chính là phần mộ mà Thạch Hổ đã tu tạo cho ông.
Không lâu sau Lương Độc làm loạn, đến năm thứ hai thì Thạch Hổ băng hà, Nhiễm Mẫn soán ngôi và tiến hành tàn sát, cả nhà họ Thạch đều bị giết hết. Tên tục của Mẫn gọi là “Cức Nô” (nghĩa là nô lệ của cây gai), đúng như lời của Phật Đồ Trừng đã nói trước kia “Cức tử thành lâm” (nghĩa là gai mọc thành rừng), chính là chỉ ông ta vậy.
Chân Chân (Theo Secretchina)