TT – Hàng trăm bạn đọc đã bày tỏ nỗi bức xúc sau khi đọc bài viết “Nhà Việt Nam tại Expo 2015 Milan: Hình ảnh nhếch nhác trị giá 3 triệu USD” trên Tuổi Trẻ ngày 13-8.
Còn những doanh nhân trong ngành du lịch thì khỏi nói, nhiều người đã bày tỏ sự tức giận – một sự tức giận tái đi tái lại nhiều lần chứ không phải lần đầu. Nói có sách mách có chứng: hồi tháng 3-2013, ở Hội chợ du lịch quốc tế tổ chức tại Đức, ai ai hiểu biết về Việt Nam cũng ngỡ ngàng với gian hàng quảng bá du lịch nước nhà do Tổng cục Du lịch phụ trách, khi chình ình ngay mặt tiền là tấm ảnh to tướng chụp một thắng cảnh của Trung Quốc! Bài học ấy vừa qua, thì nay đến Nhà Việt Nam tại Expo 2015 ở Milan (Ý), khi hình ảnh của bà Nguyễn Thị Kiều Oanh – một người dân “vô tình” có mặt ở đấy – chụp lại và đưa lên Facebook. Qua những hình ảnh và bài viết của bà Oanh, người dân thật sự không thể hiểu nổi kiểu cách làm việc của Tổng cục Du lịch, của Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch. Ví dụ, ngay trong Nhà Việt Nam là một quái thú xa lạ với văn hóa Việt, vốn đã bị cấm trưng bày ở trong nước. Hay các manơcanh thì khoác trên mình những bộ trang phục xa lạ, chẳng phải áo quần truyền thống của người Việt… Không lẽ sự ảnh hưởng của văn hóa phương Bắc đã in đậm đến mức đi vào tiềm thức, đến độ quảng bá du lịch, văn hóa Việt đều hồn nhiên lấy những thứ của người và nghĩ là của mình? Chưa kể, những thứ mà ta mang sang Ý đặt vào Nhà Việt Nam chẳng ăn nhập gì với chủ đề của Expo năm nay, đó là “ẩm thực và nuôi dưỡng nhân loại”! Bên cạnh sự phản ứng về việc trưng bày những sản phẩm ngoại lai trong Nhà Việt Nam, các doanh nhân làm du lịch còn bức xúc về chuyện xài tiền vô tội vạ. Và trong đó, tôi rất đồng tình với câu nói của một doanh nhân du lịch là dân miền Trung: “Cái ni đích thị là vét miệng bọ chét, nhét lỗ ông voi”! Ý anh là trong khi doanh nghiệp nhặt nhạnh từng đồng từ du lịch để vừa kiếm sống, vừa tạo cơ hội làm ăn cho người dân và cả đóng thuế, thì phía cơ quan quản lý du lịch của Nhà nước lại phóng tay ném tiền qua cửa sổ! Ai quan tâm đến lĩnh vực du lịch hẳn cũng biết tỉ suất lợi nhuận của lĩnh vực này khá thấp, chỉ vào khoảng 8% (nếu một năm đạt doanh thu 100 tỉ đồng thì chỉ lời 8 tỉ). Đến độ, một tỉnh Quảng Bình đầy tự hào trong việc vài năm gần đây thu hút khách Tây lẫn ta đến rất đông, nhờ hệ thống hang động có một không hai trên thế giới, nhưng như ông Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng cho biết “mỗi năm chỉ thu được vài chục tỉ tiền thuế từ du lịch, nên phải nghĩ đến cái xa hơn là cơ hội kiếm sống của người dân”. Nghĩa là, cả tỉnh Quảng Bình với những ưu thế vô giá do thiên nhiên ban tặng, tất cả cùng nỗ lực cày bừa một năm cũng chưa bằng số tiền 3 triệu USD (khoảng 63 tỉ đồng) mà ngân sách nhà nước chi cho Nhà Việt Nam tại Expo 2015 để đổi lại hai chữ NHẾCH NHÁC! Nghĩ đến con số 3 triệu USD chi cho Nhà Việt Nam, chúng tôi không khỏi so sánh với con số chưa đến 400.000 USD là tổng chi phí cho sự kiện Đài truyền hình ABC News của Mỹ trực tiếp chương trình “Chào buổi sáng nước Mỹ” từ hang Én, Sơn Đoòng: Ai bảo tiền nhiều tỉ lệ thuận với hiệu quả? Nói về việc quảng bá hình ảnh Việt Nam để thu hút khách nước ngoài, giới doanh nghiệp làm du lịch đã từng ví von là NATO (No Action, Talk Only – Không hành động, chỉ nói thôi!); nhưng sau chuyện Nhà Việt Nam tại Expo 2015, có lẽ phải nói lại rằng: bắt tay vào hành động mà tốn quá nhiều tiền nhưng không đạt hiệu quả, thì thà cứ là… NATO! HUY THỌ
|
Theo Tuổi Trẻ