Hàng thế kỷ qua, khái niệm “vật chất quyết định ý thức hay ý thức quyết định vật chất?” đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi không ngừng.
Những ai đã trải qua quãng thời gian học phổ thông ở trường, chắc chắn đã nghe qua mệnh đề trên, lên Đại Học sẽ có bộ môn riêng nói về chủ đề này. Tuy nhiên cả một quãng đường đi học sẽ không mang lại cho chúng ta một câu trả lời thỏa đáng, nguyên do là vì đâu? Hôm nay chúng ta sẽ cùng phân tích chủ đề này.
Theo quan điểm của Marx, ý thức là một thuộc tính của một dạng vật chất có tổ chức cao là bộ não người, là sự phản ánh thế giới khách quan vào bộ não, từ cơ sở này, Marx kết luận vật chất có vai trò quyết định đối với ý thức.
Trong chương trình giáo khoa được viết theo nhận thức của những người theo lối “triết học biện chứng” hiện nay, họ cho rằng vật chất và ý thức có quan hệ chính phụ, cụ thể như sau:
Thứ nhất: Vật chất có vai trò quyết định ý thức
Do tồn tại khách quan nên vật chất là cái có trước và mang tính thứ nhất. Ý thức là sự phản ánh lại của vật chất nên là cái có sau và mang tính thứ hai.
Tiếp đến: Ý thức tác động trở lại vật chất
Mặc dù vật chất sinh ra ý thức, nhưng ý thức không thụ động mà sẽ tác động trở lại vật chất thông qua các hoạt động thực tiễn của con người. Ý thức sau khi sinh ra sẽ không bị vật chất gò bó mà có thể tác động làm thay đổi vật chất.
Vai trò của ý thức đối với vật chất thể hiện ở vai trò của con người đối với khách quan. Qua hoạt động của con người, ý thức có thể thay đổi, cải tạo hiện thực khách quan theo nhu cầu phát triển của mình.
Điều này, thoạt nghe qua thì thấy rất có lý. Khi những tư tưởng này được đưa vào trường học thì dường như với tư duy non nớt của những đứa trẻ đang tuổi lớn, những lý lẽ xác đáng như vậy khó có thể khiến chúng hoài nghi được.
Vật chất có vai trò quyết định ý thức?
Nhưng rốt cuộc vật chất có thực sự quyết định ý thức hay không, tức là có thế giới vật chất rồi, thì mới có tư duy khách quan được hình thành trong đầu não?
Hiện nay, các nhà khoa học đã đo được cái gọi là sóng điện não. Tức là suy nghĩ của con người, sẽ hình thành ra một loại sóng, nó tác động lên máy đo, khiến cho máy đo có thể vẽ ra một biểu đồ hình sin – người ta gọi là điện não đồ. Sự phát hiện này được áp dụng trong lĩnh vực tâm thần học.
Ngoài ra, các nhà khoa học đã phát minh ra các loại thiết bị thông minh, có thể thông qua các xung tín hiệu từ não bộ, từ đó mà thực hiện các chỉ lệnh. Phát minh này hiện đã được áp dụng để tạo ra các cánh tay robot.
Chúng ta thấy, sóng điện não cũng là vật chất, thế nên mới có thể tác động vào máy đo, một câu hỏi được đặt ra là: Điều gì đã tạo ra dạng vật chất đó? Chẳng phải là tinh thần của chúng ta hay sao?
Chỉ riêng điều này thôi đã đủ để khiến cho lý thuyết của Karl Marx bị lung lay. Nếu vẫn chưa thấy thuyết phục, chúng ta hãy cùng xem ví dụ dưới đây:
Ý thức có thể thay đổi trạng thái DNA
Thí nghiệm này được thực hiện bởi Cleve Backster – một chuyên gia phát hiện nói dối kỳ cựu của CIA: Thí nghiệm được tiến hành như sau:
Một tình nguyện viên được đưa vào căn phòng A, lấy mẫu DNA của người ấy để riêng trong phòng B, sau đó sẽ theo dõi sự thay đổi tâm trạng của tình nguyện viên cũng như các phản ứng điện của DNA anh ta.
Kết quả cho thấy, khi tình nguyện viên trong phòng A bị kích thích tâm trạng, thì DNA của anh ta trong phòng B cũng có phản ứng mạnh mẽ. Cảm thấy được truyền cảm hứng, Cleve Backster tiếp tục thực hiện thí nghiệm, để xem mối liên hệ giữa DNA và chủ nhân của nó có bị ảnh hưởng bởi khoảng cách hay không.
Sau đó, tình nguyện viên và DNA của anh ta được cách xa nhau 560km. Thật bất ngờ, kết quả cho thấy DNA cũng có phản ứng đồng thời với các cảm xúc của chủ nhân như lần trước.
Nếu quý vị quan tâm về thí nghiệm, có thể nhấp vào video thí nghiệm của Cleve Backster để xem thêm.
Thí nghiệm này cho thấy, những thay đổi tâm trạng của con người phản ánh ngay lập tức trên DNA của người ấy, không kể đến gián cách địa lý, cũng không cần bất cứ hoạt động thực tiễn nào của con người.
Ngoài ra còn vô số nghiên cứu của Tiến sĩ Masaru Emoto, nghiên cứu về sự tác động của tinh thần lên tinh thể nước.
Nếu các bạn cảm thấy những ví dụ trên là xa vời không thiết thực, thì tác giả sẽ đưa đến cho các bạn một ví dụ rất thân thuộc, nhưng không phải ai cũng nhận thấy. Hãy nói về cơ thể chúng ta, nếu chúng ta nhìn thật sâu vào cơ thể sẽ thấy nó là những hạt đang lay động, các hạt lạp tử hình thành nên cơ thể có vòng đời rất ngắn. Do đó nếu nói một cách biện chứng thì sau khoảng vài ngày hay vài tuần, thì cơ thể của bạn đã không còn là cơ thể chính bạn. Điều này không xa vời, cũng không khó hiểu. Kế đến khi bạn bị một vết xước nhỏ trên da, sau khoảng 1 – 2 tuần, trong khoảng thời gian chưa liền lạc thì vết thương vẫn còn ở đó.
Nhưng có bao giờ bạn suy nghĩ, những lạp tử cấu thành nên cơ thể đã thay đổi hoàn toàn. Khi những lạp tử mới được sinh ra và tổ hợp nên tế bào, tại sao chúng không quay trở về trạng thái tốt đẹp ban đầu, mà lại tổ hợp phục hồi lại vết xước nhỏ trên cơ thể kia? Có phải chính là những tế bào kia, chúng tuân thủ theo ký ức đang có của bạn, chúng đã tổ hợp với một trật tự theo ký ức vô hình của thân thể chính bạn? Như vậy, chính là đã hình thành một hình thái vô hình của cơ thể bạn đúng không? Như vậy có phải một dạng thức tinh thần đang chi phối cơ thể của bạn hay không?
Hay bạn đã từng nghe hiệu ứng “chiếc lá ma”. Khi cắt đôi một chiếc lá để chụp ảnh hào quang – Khoa học gọi là Công nghệ chụp ảnh hào quang Kirlian, họ đã rất ngạc nhiên khi phát hiện rằng khu vực nửa chiếc lá bị cắt bỏ vẫn phát ra trường năng lượng giống như một chiếc lá hoàn chỉnh. Ngay cả khi một phần của chiếc lá không có ở đó, nhưng trường năng lượng vi tế vẫn tồn tại như lúc đầu.
Những ví dụ trên cho thấy, lý luận của Marx là sai từ căn bản. Lý luận của ông ta được hình thành khi công nghệ đo đạc và khảo sát của con người còn ở mức độ sơ khai, năng lực nghiên cứu của nhân loại lúc đó chỉ mới ở cấp độ vi trùng, chưa tiến xa hơn được về phân tử và các loại sóng hạt,…
Điểm căn bản mà Karl Marx có thể đánh lừa con người chính là chủ nghĩa duy vật biện chứng, vì khi nghe đến hai từ ‘biện chứng’ đã khiến đa phần người ta có cảm giác rằng, đây chính là là phương pháp khoa học tuyệt đối đúng đắn. Bất kỳ điều gì muốn thuyết phục người ta, thì phải dựa trên phép biện chứng logic, tự xem nó như là giấy chứng nhận đảm bảo mức độ chính xác khi nhắc đến một chủ đề nào đó.
Chúng ta bàn một chút về phép biện chứng của Hegel:
Đương thời Hegel dùng phép biện chứng logic, để luận về sự tồn tại của Thiên Chúa. Cá nhân tác giả cho rằng, căn bản cách làm này đã dẫn con người ta đi sai đường.
Vì sao nói như vậy? Tôn giáo có dạy về ngộ tính, cũng như lời dạy trong Kinh Thánh: không thấy mà tin. Hegel phải dùng đến phương thức ấy, điểm mấu chốt là vì 2 chữ: “phép màu”. Khi con người không còn nhìn thấy những phép màu như trong Kinh Thánh nữa, thì họ phải dùng đến phương thức lý luận, đây giống như 1 loại thuốc phiện tinh thần, khiến cho con người ta quên đi thực tại đầy khổ nạn mà chìm ngập trong niềm tin vào tín ngưỡng.
Karl Marx có nói 1 câu như sau: Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân, thực ra chính là đang vạch lá tìm sâu để công kích tôn giáo, những lý luận lòng vòng này mới chính là thuốc phiện thực sự. Tôn giáo chân chính vốn dĩ không cần những mớ lý luận này để tô vẽ.
Tuy nhiên, phép màu không phải là không có, trong các sách cổ đều có ghi chép. Nếu thường xuyên theo dõi các video của Tinh Hoa TV, mọi người sẽ thấy nhiều ví dụ khá sinh động. Tuy nhiên, nó liên quan mật thiết đến cảnh giới của con người, liên quan đến mặt bằng đạo đức của nhân loại.
Khi con người không còn cảm nhận được phép màu, đó là lúc mà những nhà triết học như Hegel có thể phát huy sở trường.
Người có tín ngưỡng dựa trên nhận thức thuần phác để nói về Thần, còn Hegel dựa vào sự lắt léo của tư duy đề nói về Thần, khiến cho người ta dường như không thể cảm thụ được nội tâm của ông ta.
Nhưng dù sao Hegel cũng lại là người có danh tiếng trong làng triết gia. Nhưng có danh tiếng lại không đồng nghĩa là kiệt xuất.
Người ta nói Marx đứng trên vai người khổng lồ là Hegel để xây dựng lý luận cho chính mình. Theo tác giả, thì Marx đứng trên những sơ hở của lý luận Hegel để xây dựng tiền đề cho sự nghiệp của mình, hay nói cách khác, Marx lợi dụng sự rắc rối này để đưa ra những định nghĩa mới, từ đây khiến cho những người từ không nhận thức nổi Hegel trở thành thị trường mới nổi của Marx.
Đương thời lý thuyết của Marx căn bản chỉ có chỗ đứng trong tư duy phương pháp luận của người phương Tây: họ hay dùng cách diễn dịch Tam đoạn luận – tức là suy luận đi từ hai mệnh đề để tiến đến một kết luận tất yếu đã ngầm chứa trong hai mệnh đề đó.
Ví dụ B mạnh hơn A, C lại mạnh hơn B, vậy hệ quả tất yếu là C sẽ đánh bại A là một điều hiển nhiên.
Nhưng người phương Đông chúng ta lại có tư duy về ngũ hành tương sinh tương khắc, ví như trong truyện tây Du Ký, Tôn Ngộ Không có năng lực rất lớn, có thể đại náo Thiên cung, Thiên binh vạn mã cũng không hàng phục được. Tuy nhiên sau này trải qua 81 nạn khi đi thỉnh kinh, quan ải nào Tôn Ngộ Không cũng bị đánh cho sứt đầu mẻ trán.
Những tình tiết trong truyện Tây Du Ký, nếu quý khán thính giả có thời gian nghiền ngẫm sẽ thấy nó khá thú vị, càng xem đi xem lại sẽ càng thấy có đạo lý.
Ví như nói về cách mà các chư Thần giúp đỡ Tôn Ngộ Không hàng ma phục yêu. Khi được cầu viện, điều đầu tiên họ làm là hỏi về lai lịch của con yêu quái, sau đó sẽ nói cho Tôn ngộ không biết, rằng vị Thần nào có thể diệt trừ loại yêu ma nào.
Bởi vì các vị Thần này phần lớn thuộc nhị thập bát tú – tức là 28 chòm sao, cũng là đối ứng với 28 phương trời trong hệ Ngân Hà, mỗi vị cũng đồng thời đối ứng với một trong ngũ hành, có năng lực tương ứng để khắc chế con yêu quái đó. Đó chính là đạo lý âm dương ngũ hành tương sinh tương khắc.
Bởi vì người phương Tây tin theo tam đoạn luận, do đó ở phương Tây sẽ không dễ thấy những tác phẩm mang tính kinh điển và ảo diệu như tây Du Ký, hay như các tác phẩm của Kim Dung, … v.v
Trong ngành lập trình, có 1 thuật ngữ gọi là thuật toán tìm kiếm vét cạn tức là sẽ sử dụng sức mạnh điện toán, để truy ra các hướng khả thi của 1 vấn đề. Thuật toán này được dạy cho các sinh viên để giải bài toán Tháp Hà Nội nổi tiếng hoặc ứng dụng trong các trò chơi đánh cờ.
Tác giả đôi khi có suy nghĩ rằng, khi dùng phương thức biện chứng để giải quyết một vấn đề, thì bản chất chính là giống như làm theo thuật toán vét cạn này vậy. Nó có ưu điểm là huy động được 1 khối lượng tài nguyên khổng lồ để giải quyết vấn đề nào đấy. Tuy nhiên nó sẽ không tính toán được những mối nguy tiềm ẩn phía sau đó.
Khoa học hiện đại của người phương Tây phải vận dụng đến các phương pháp cực đoan như phát triển công nghiệp hóa thạch, sản xuất nhựa, chế tạo hợp Kim, công nghệ vi mạch. biến đổi gen cây trồng vật nuôi,…v.v chúng phá hoại nghiêm trọng môi trường Địa cầu. Kết quả hiện nay chúng ta đều thấy rằng, Trái Đất đã đi đến giới hạn chịu đựng cuối cùng. Mức độ tổn hại trong 1 thế kỷ gần đây là tương đương với nhiều thiên niên kỷ trước đó của nhân loại.
Triết học hỗn loạn khiến lòng người hỗn loạn
Triết học thời viễn cổ, nó mang trong mình nội hàm tu hành.
Từ “triết học” chữ Latin là “Philosophia”, có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ đại “φιλοσοφία”, là sự kết hợp của “Philos” nghĩa là tình yêu, và “Sophia” nghĩa là trí tuệ, có nghĩa là “tình yêu trí tuệ”. Điều này tương tự như “từ bi” và “huệ ngộ” trong Phật giáo, hay “tình yêu” và “tín tâm” trong Cơ Đốc giáo, chỉ là những cách thể hiện khác nhau dưới những bối cảnh văn hóa khác nhau mà thôi. Nói cách khác, đó đều là những phương pháp tu hành khác nhau.
Tuy nhiên triết học phương Tây và triết học phương Đông vẫn có một sự khác biệt cơ bản:
Triết học phương Tây bởi vì đi theo hướng hàn lâm. Ví như Socrate và Plato, họ lựa chọn Athen là kinh đô văn hóa học thuật của Hy lạp, làm nơi nghiên cứu và giảng dạy cho tầng lớp quý tộc hoàng gia, đồng thời họ cũng có rất nhiều môn đệ – do đó lý luận của họ phải phù hợp với đại chúng. Vậy nên người ta dễ ngộ nhận triết học phương Tây với lý luận kinh viện mà quên đi ý nghĩa tu hành trong quãng đời của những vị thánh nhân này.
Còn những người tu hành Phương Đông, mà chúng ta hay gọi là các bậc giác ngộ – tiếng Phạn gọi là GURU, phương thức của họ lại chính là đơn truyền hoặc truyền cho rất ít đệ tử đi theo mình, do đó những gì họ truyền ra lại là theo phương thức tâm lĩnh thần hội, hoàn toàn trái ngược với Triết học phương Tây.
Tuy nhiên, chú trọng lý luận sáo rỗng mà bỏ đi nội hàm chân thực, thì sẽ dẫn đến nông cạn. Khiến cho con người bước chân vào vòng luẩn quẩn: vật chất hay tinh thần có trước. Quả trứng hay con gà có trước,…
Trong mớ bòng bong luẩn quẩn đó, con người dễ bị nhầm lẫn: Những tư duy trong đầu não là tinh thần. Mà không nhận thức được có 1 thứ tinh thần khác còn cao hơn thứ tinh thần chạy trong đầu não, nó thẩm thấu vào trong thân thể con người ta, mà phản ánh trực quan ra biểu hiện hành vi của mỗi cá nhân. Nếu dùng từ ngữ văn học thì đó chính là tâm tính. Người xưa đo lường tâm tính bằng 5 phương diện: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín.
Nếu con người xem bản thân là một phần không thể tách rời của vũ trụ, có niềm tin với những thần thoại cổ xưa, thì sẽ không đặt ra câu hỏi tương tự như con gà và quả trứng, cái nào có trước?
Đầu não con người vốn dĩ rất đơn giản, điều gì mà khiến người ta trong phút chốc nhận thức ra ngay, thì người ta dễ tin vào nó, còn điều mà khiến người ta phải tốn nhiều thời gian nghiền ngẫm, thì lại không phù hợp với tư duy đại chúng..
Điều này lại trùng khớp tương thích với đạo lý: Tiên nhập vi chủ – Ai có thể trong nhất thời chiếm lấy chủ đạo tư tưởng con người ta, thì sẽ được xưng tụng là chân lý.
Đây là cách mà những tà thuyết có thể tiến nhập vào trào lưu của nhân loại trong thời gian mau chóng: Không lạ gì chỉ trong vài thế kỷ gần đây, nhân loại chào đón những lý thuyết hỗn loạn như: Thuyết tiến hóa, thuyết vô thần, chủ nghĩa đấu tranh giai cấp,…v.v
Chủ nghĩa duy vật biện chứng có chỗ đứng trong xã hội chính là nhờ công sức của thuyết tiến hóa trải đường cho nó. Có một sự thật, đó là ngày nay con người không khó để lật đổ thuyết tiến hóa, tuy nhiên hiện nay lại không có một cá nhân đơn lẻ nào lại đứng lên làm việc ‘dại khờ’ ấy. Bởi vì con người đã hình thành hàng vạn lý luận duy hộ cho thuyết tiến hóa. Nếu ai đứng lên chống lại nó, sẽ bị sa vào vũng lầy lý luận mà không có đường thoát.
Suốt một thời gian dài, con người đã bị dắt đi như thế, vậy căn nguyên gốc rễ của vấn đề nằm ở đâu? Mời quý vị đón xem bài phân tích kỳ sau.
Thiên Bảo