TT – Một diễn biến mới trên thị trường thời gian gần đây là số lượng người đem vàng đi cầm tại các tiệm vàng tăng khá mạnh vì hiện các tiệm vàng cho cầm đến 70 – 80%, thậm chí 90% giá trị.
Giá vàng trong nước ngày 15-7 bất ngờ giảm 210.000 đồng/lượng so với ngày 14-7 dù giá vàng thế giới gần như đứng yên. Người bán vàng tăng, trong khi người mua vắng. Giới chuyên gia cho rằng diễn biến thị trường vàng thời gian vừa qua cho thấy người dân đang có xu hướng quay lưng với vàng, sau một thời gian dài “càng ôm càng lỗ”. Quay lưng với vàng Từ lúc mở cửa giao dịch ngày 15-7, giá vàng miếng SJC chỉ diễn biến theo hướng đi xuống. Từ mức 33,94 triệu đồng/lượng, qua 13 lần điều chỉnh, cuối ngày giá bán vàng miếng SJC chỉ còn 33,73 triệu đồng/lượng. Việc giá vàng trong nước quay đầu giảm mạnh mới chỉ diễn ra trong hai ngày gần đây, với mức giảm tổng cộng 270.000 đồng/lượng. Trước đó, suốt thời gian dài giá vàng trong nước chỉ giảm đều mỗi ngày 10.000 – 20.000 đồng/lượng dù nhiều thời điểm giá vàng thế giới “bốc hơi” đến vài chục USD/ounce. Đầu năm 2015, giá vàng ở mức 35,75 triệu đồng/lượng, nay còn 33,73 triệu đồng/lượng. Như vậy chỉ trong vòng chưa đến bảy tháng, mỗi lượng vàng đã mất 2,02 triệu đồng. Còn nếu so với một năm trước, mỗi lượng vàng đã “bay hơi” đến hơn 3 triệu đồng. Ông Nguyễn Công Tường, phó phòng kinh doanh sỉ Công ty SJC, cho biết nguyên nhân khiến giá vàng trong nước bất ngờ quay đầu giảm mạnh trong hai ngày gần đây là do người giữ vàng bán ra vì lo ngại giá giảm thêm. Bà Nguyễn Thị Cúc, phó tổng giám đốc Công ty PNJ, cho biết diễn biến của giá vàng khiến người có tiền cũng không dám mua lúc này vì sợ giá còn giảm tiếp, trong khi đó một số cá nhân nắm giữ vàng bán ra cắt lỗ. Giao dịch vàng cũng giảm sút rất mạnh, trước đây mỗi ngày Công ty PNJ mua bán vài ngàn lượng nhưng hiện nay chỉ còn 100 – 200 lượng. Cũng theo bà Cúc, diễn biến thị trường thời gian qua khiến người dân chán vàng. Mua vàng hiện nay chỉ còn người già, tích góp để phòng thân nhưng lực mua của nhóm này cũng chẳng bao nhiêu, mua vài chỉ đến 1 lượng. Lực lượng đầu tư, mua số lượng lớn 50 – 100 lượng hầu như quay lưng hết. Tại thị trường Hà Nội, nơi người dân có tập quán tích trữ vàng, cũng trầm lắng, người mua số lượng lớn rất hiếm. Doanh nghiệp cũng ít mua qua bán lại với nhau. Trước đây đầu mối bán SJC mạnh là các ngân hàng thì nay cũng ít giao dịch. Đem vàng đi… cầm Một diễn biến mới trên thị trường thời gian gần đây là số lượng người đem vàng đi cầm tại các tiệm vàng tăng. Ông Nguyễn Ngọc Trọng, giám đốc Công ty kinh doanh nữ trang New Partners Jewelry, nói giá vàng liên tục giảm khiến người giữ vàng lỗ rất nặng. Nhiều người giữ vàng cần tiền chi tiêu không dám bán mà đem đi cầm tại các tiệm vàng vì hiện các tiệm vàng cho cầm đến 70 – 80%, thậm chí 90% giá trị. “Việc cầm vàng phổ biến đến nỗi trong 100 giao dịch thì có đến vài chục giao dịch là cầm đồ. Họ cầm chờ giá lên sẽ chuộc, còn trường hợp giá vàng xuống dưới giá cầm đồ thì họ bỏ luôn. Hiện các tiệm vàng “ngậm” vàng rất nhiều” – ông Trọng nói. Hầu hết người nắm giữ vàng đều mua vàng ở mức giá cao hơn hiện nay, do vậy chỉ những người thật cần tiền mới bán. Xu hướng chuyển dịch đầu tư cũng rất rõ. Ông Trần Thanh Hải, tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và kinh doanh vàng VN (VGB), cho biết nhiều người đang chuyển hướng sang ngoại tệ kỳ vọng sẽ có lãi hơn vàng vì từ nay đến cuối năm nhu cầu nhập khẩu tăng, USD có khả năng tăng, FED nâng lãi suất… Ông Trọng cũng cho rằng trong bối cảnh thị trường vàng được nhận định không có triển vọng như hiện nay, nhà đầu tư có dấu hiệu chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác có mức sinh lời cao hơn. “Hiện các chuyên gia đều nhận định giá vàng còn giảm nữa. Hơn nữa, tâm lý đám đông chi phối thị trường vàng rất mạnh. Giá càng giảm càng không ai dám mua. Những ngày gần đây giá vàng liên tục giảm, người giữ vàng đã có hiện tượng bán vàng để lấy tiền đầu tư vào những kênh khác. Do vậy, thời điểm này cả vàng nữ trang lẫn vàng miếng đều ế” – ông Trọng nói. Ông Trần Thanh Hải nói giá vàng đang trong chu kỳ giảm do đồng USD mạnh lên. Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước đã kiên định trong chính sách chống vàng hóa và như vậy sàn vàng quốc gia như kỳ vọng của giới đầu cơ sẽ không bao giờ có và cũng không có chuyện cho tái sản xuất vàng miếng. “Những thông tin đó khiến người giữ vàng cho rằng đã đến lúc giữ vàng không còn hiệu quả mà còn tốn thêm chi phí. Hiện ngân hàng không còn huy động vàng, mua vàng để ở nhà thì sợ rủi ro, muốn gửi tại ngân hàng phải theo hình thức thuê két sắt, phải trả phí, thủ tục gửi cũng phức tạp” – ông Hải nói.
ÁNH HỒNG
|
Theo Tuổi Trẻ