Tinh Hoa

Vài bước đơn giản nâng cao tính bảo mật cho thiết bị Android

ICTnews – Nếu lo ngại smartphone hay máy tính bảng Android của mình có thể bị tấn công, bạn nên phòng vệ trước và nâng cao thiết lập quyền riêng tư trên thiết bị.

Smartphone, tablet biết nhiều thứ về bạn. Chúng theo dõi địa điểm, xử lý các cuộc gọi, tin nhắn, email, ảnh, video, chúng biết khi nào bạn lên mạng, người quen của bạn, game và ứng dụng bạn vẫn dùng và dùng trong bao lâu, thậm chí cả thói quen tiêu tiền. Nói ngắn gọn, có lẽ không ai hiểu rõ bạn hơn chiếc điện thoại đang sử dụng.

Nếu ai đó chạm tay vào một phần nhỏ dữ liệu trên thiết bị đó, họ đều có khả năng phác họa chân dung hoàn chỉnh về bạn, chiết xuất mọi thứ về cuộc sống và lợi dụng cho nhiều mục đích xấu. Để tránh các tình huống xấu nhất, bạn cần làm mọi thứ để bảo vệ thiết bị và dữ liệu.

Dùng màn hình khóa

Điều đầu tiên bạn cần làm để bảo vệ quyền riêng tư chính là dùng mã PIN hay mật khẩu. Bạn nên nhớ rằng phần lớn ứng dụng đều không mã hóa dữ liệu trên thiết bị mà chỉ khi có giao dịch. Điều đó đồng nghĩa bất kỳ ai xem được điện thoại của bạn đều trông thấy mọi thứ.

Bạn có thể mã hóa toàn bộ điện thoại Android bằng cách vào Settings > Security rồi chọn Encrypt phone. Tùy chọn khiến thiết bị của bạn trở nên “bất khả xâm phạm” trừ khi nhập mật khẩu hay mã PIN và rất đáng để cân nhắc. Nhược điểm là hiệu suất của máy sẽ bị ảnh hưởng đôi chút.

Dùng mã hóa

Phần lớn mọi người không sử dụng phương pháp mã hóa khi lưu trữ dữ liệu, gửi tin nhắn, gọi điện hay lướt web. Do đó, rất dễ để kẻ xấu tiếp cận dữ liệu và đọc nó. Nếu dùng mã hóa, về cơ bản bạn đang làm rối tung dữ liệu, chỉ ai có chìa khóa mới có thể mở nó. Dù vẫn có thể bị xâm phạm, chúng rất khó hiểu. Hiện tại, một số hãng công nghệ như Snapchat và WhatsApp đều mã hóa toàn bộ ứng dụng. Nếu muốn bảo mật cuộc gọi, bạn nên thử phần mềm như RedPhone , với tin nhắn là TextSecure . Ngoài ra, tổ chức Electronic Frontier Foundation cũng cung cấp website liệt kê chi tiết các tính năng bảo mật của từng ứng dụng phổ biến tại đây .

Dùng VPN

VPN là kỹ thuật phổ biến khi bạn muốn thay đổi địa chỉ thiết bị. Chẳng hạn, bạn sống tại Anh và muốn truy cập thư viện Netflix Mỹ vì có nội dung phong phú hơn, bạn sẽ dùng VPN để kết nối máy chủ tại Mỹ, từ đó Netflix hiển thị phiên bản Mỹ. Nhược điểm rõ nhất của VPN là tốc độ chậm đi đáng kể do dữ liệu được truyền qua khâu trung gian khác. Bên cạnh đó, một vài phần mềm VPN miễn phí đi kèm rủi ro về dữ liệu, chẳng hạn dữ liệu của bạn có thể bị bán cho bên thứ ba.

Để chắc chắn, tốt nhất bạn nên chọn ứng dụng VPN được đánh giá tốt và mất phí hàng tháng. Một vài cái tên đáng cân nhắc là TunnelBear , CyberGhost , VyprVPN .

Để mắt đến các ứng dụng

Một số ứng dụng đèn pin đòi xem cả cấu hình dịch vụ Google, dịch vụ vị trí…

Nhiều hoạt động theo dõi được thực hiện thông qua chính ứng dụng mà bạn cài đặt trên điện thoại và cấp quyền truy cập dữ liệu cho nó. Từ Android M, bạn có thể chỉ cấp một số quyền cho ứng dụng và từ chối các yêu cầu truy cập khác khi sử dụng chứ không phải từ bước cài đặt đầu tiên. Ngoài ra, bạn cũng có thể vào trình đơn ứng dụng để bật/tắt quyền truy cập đã cấp trước đó.

Root thiết bị cho phép bạn kiểm soát chặt hơn thiết bị Android. Song, nếu không phải dân chuyên và không thực sự hiểu mình đang làm gì, có khả năng bạn sẽ làm lộ dữ liệu và cài nhầm mã độc thay vì file cần tải.

Các ứng dụng bảo mật cũng hữu dụng. Chúng sẽ cảnh báo khi bạn cài đặt phần mềm độc hại hay có hoạt động bất thường diễn ra. Bạn có thể tìm thấy các phần mềm như vậy cùng thang điểm đánh giá tại đây .

Thay đổi cách dùng điện thoại

Sau khi áp dụng các cách trên, bạn cũng nên bắt đầu thay đổi thói quen sử dụng điện thoại của mình. Chẳng hạn, chỉ bật dịch vụ vị trí khi cần thiết; gỡ ứng dụng, game không dùng đến; nghiên cứu kỹ trước khi cài ứng dụng nào đó; dùng mật khẩu, mã hóa, VPN.

Theo ICTNews