Tinh Hoa

Uống 2.500 trứng giun ký sinh để trị bệnh

Giới khoa học gia toàn cầu đang nhiệt tình nghiên cứu liệu pháp trị bệnh bằng giun ký sinh (parasite therapy) khi người dân các nước phát triển ngày càng đổ xô ăn giun sán để chữa trị các rối loạn miễn dịch trong cơ thể, thông tin trên Newscientist cho hay.

Giun sán thay đổi đời tôi

Anh Michael người Mỹ phát hiện mình mắc bệnh Crohn (bệnh đường tiêu hóa nguy hiểm) năm 1996 khi mới 17 tuổi. Ba cuộc phẫu thuật cùng hàng lô thuốc chỉ giúp giảm các triệu chứng một thời gian, lại khiến anh bị ảnh hưởng bởi những tác dụng phụ khủng khiếp.

Giun móc nay là một món hấp dẫn trên thực đơn của những người bị bệnh
Crohn, viêm loét ruột kết và dị ứng nghiêm trọng. Ảnh: Medgadget.

Sau khi đọc được các kết quả nghiên cứu khoa học, Michael đã quyết định thử liệu pháp trị bệnh bằng giun sán. Tất nhiên anh không quá thích thú với việc nuốt giun ký sinh, nhưng những nghiên cứu đọc được đã thuyết phục anh chấp nhận mạo hiểm.

Khi 25 tuổi, Michael đã đặt hàng một mẻ trứng giun roi heo từ một công ty ở Đức có tên Ovamed (buôn bán hoặc nhân giống giun sán là trái pháp luật ở Mỹ). Michael đã uống 2500 trứng giun 2 tuần một lần trong ba tháng liên tiếp. Sau đó các triệu chứng bệnh của anh biến mất. Tháng 4/2010, anh cho cấy 35 ấu trùng giun móc qua da và cho biết bệnh Crohn của anh đã được chữa khỏi hoàn toàn từ đó.

“Bạn sẽ khẳng định ngay rằng nuốt giun sán hẳn là hành động của quái nhân. Tuy nhiên, ngay lúc này da chúng ta vốn cũng có hàng tỉ vi khuẩn đang ngọ nguậy”, Michael nói trên tờ Newscientist.

Trước khi tự uống giun, ruột của Michael đã bị hư hại nặng và chảy máu. Khi bác sỹ Moshe Rubin thuộc Bệnh viện New York khám ruột Michael đầu năm nay, ông nhận thấy “ruột non của Michael đã hầu như hoàn toàn bình thường”. “Đây không phải là một thí nghiệm có kiểm soát, tuy nhiên kết quả dựa trên quan sát này cho thấy rằng liệu pháp trị liệu bằng giun sán đã cứu anh ấy”, ông Rubin khẳng định.

Kết quả đáng ngạc nhiên của anh Micheal đang làm dư luận khắp Mỹ xôn xao về một liệu pháp điều trị ‘quái dị’ này.

Cô Sally, quốc tịch Hoa Kỳ, đang rất hi vọng chữa trị được các chứng dị ứng trầm trọng của cô nhờ ăn phân của một người bạn hào phóng của cô. Thành phần ‘thuốc’ có vẻ rất đơn giản: nước, đường, muối và một ít ‘phân người’ của bạn cho. Đổ 500 trứng giun sán lên bản kính mang vật của kính hiển vi và liếm sạch, Sally hy vọng những con giun sán sẽ sinh trưởng trong ruột cô và điều chỉnh lại hệ thống miễn dịch, giúp trị các chứng dị ứng trầm trọng của mình.

Khoa học gia vào cuộc

Cơ sở của liệu pháp điều trị bằng giun sán là giun sán có thể kiềm chế được hệ miễn dịch hoạt động thái quá của vật chủ khi người đó bị mắc chứng rối loạn như bệnh Crohn, chứng viêm loét ruột kết và các chứng dị ứng nghiêm trọng.

P’ng Loke thuộc Đại học New York, Mỹ cho biết trước đây ông có biết liệu pháp điều trị bằng giun sán, nhưng “mặc dù tôi coi nó là một giả thuyết hợp lý, tôi đã không bao giờ đủ can đảm để tiến hành thử nghiệm kiểu đó”.

Tuy nhiên, nhà khoa học này thay đổi hoàn toàn khi ông gặp một người đàn ông nuôi giun sán trong bụng. Năm 2004, người đàn ông 29 tuổi bị viêm loét ruột kết đã bay từ Mỹ sang Thái Lan để nuốt 500 trứng giun roi ký sinh trên người (whipworm). Vài năm sau, gần như khỏi bệnh hoàn toàn, người đàn ông này đã yêu cầu ông Loke, khi đó đang công tác tại Đại học California, San Francisco, Mỹ xem xét ruột mình và xem liệu những con giun đã có công hiệu gì.

Những kết quả nội soi đường ruột của Loke liên tiếp cho thấy bất kỳ nơi nào giun sinh sống thì các chứng viêm loát và chảy máu đặc trưng của bệnh viêm loét giảm đi đáng kể hoặc đã biến mất hoàn toàn.

Ông Loke đã công bố kết quả như một nghiên cứu tình huống trên tạp chí Science Translational Medicine ở Mỹ. Nhà khoa học này đã ấn tượng với kết quả này tới nỗi chính ông hiện tại đang tìm kiếm các quỹ hỗ trợ cho thử nghiệm lâm sàng nghiên cứu về quá trình giun sán kiềm chế hệ miễn dịch.

Trước ông Loke, nhiều nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu liệu pháp điều trị này từ rất sớm. Một trong những nghiên cứu viên nhiệt thành sớm nhất là Joel Weinstock ở Đại học Tufts ở bang Massachusetts, Mỹ người đã nghiên cứu tiềm năng chữa bệnh của giun sán từ đầu những năm 2000.

Năm 2005, ông Weinstock công bố một trong số ít các thí nghiệm lâm sàng cho 52 tình nguyện viên mắc bệnh viêm loét ruột kết. 52 người này đã uống 2500 trứng giun roi heo hoặc một thuốc trấn an hai tuần một lần trong vòng ba tháng liên tiếp. 45% những người uống trứng giun roi heo đã cải thiện được bệnh, so với 17% số người dùng thuốc trấn an.

Một trường hợp khác là tiến sỹ John Croese thuộc Viện Townsville ở bang Queensland, Úc, đã công bố kết quả tiêm giun móc cho 9 bệnh nhân bị bệnh Crohn. Sau 11 tháng, 5 người đã hồi phục.

Nổi bật nhất hiện nay ở Mỹ và Đan Mạch, các nhà khoa học đang thử nghiệm giun sán để điều trị đa xơ cứng.

“Khoa học giờ đây đã có đủ dữ liệu để bảo đảm cho những nghiên cứu sâu hơn về các tiềm năng chữa bệnh”, Thomas Nutman thuộc Viện Dị ứng và các Bệnh truyền nhiễm quốc gia Hoa Kỳ ở Bethesda, bang Maryland cho biết.

Tuy nhiên, “lý do có ít các nghiên cứu lâm sàng không hẳn là vì hoài nghi về hiệu quả. Mà chính là vì nhà khoa học sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ khi tiến hành thí nghiệm điều trị bằng giun sán đối với tình nguyện viên”.

Giun sán có thể gây hại nghiêm trọng lên cơ thể người. Peter Hotez thuộc Đại học Goerge Washington ở Washington DC nhấn mạnh rằng cấy ghép giun sán là một vấn đề lớn ở các nước đang phát triển và có thể gây ra những bệnh tiêu hóa nghiêm trọng, bệnh thiếu máu và làm trẻ bị suy dinh dưỡng.

“Nó chẳng khác gì ngày xưa y học làm cho bệnh nhân bị sốt rét để trị bệnh giang mai”, ông này nói. “Liệu pháp này không thể được cho phép trong y học hiện đại”.

Chưa rõ thực hư ra sao, rất nhiều người Mỹ nhiệt thành tin tưởng vào câu chuyện của anh Michael, đã chọn cách chấp nhận mạo hiểm và nuốt trứng giun tóc hoặc buộc các băng gạc có chứa các trứng giun vào da để cấy giun.

Người ta lý giải rằng nếu việc cấy ghép này có vấn đề thì đã có những thuốc trừ giun công hiệu có thể tẩy giun ký sinh như albendazole.

Phan Khôi