Lý Gia Thành, tỷ phú bậc nhất Hồng Kông, người được coi là có mối quan hệ “xa lánh” với Tập Cận Bình, đã lên tiếng kêu gọi chính quyền “lưới mở một mặt” với những người trẻ tuổi.
Vào ngày 8/9, Lý Gia Thành đã đến thăm chùa Từ Sơn ở Hồng Kông và nói chuyện với một nhóm thanh niên Hồng Kông. Ông kêu gọi những người biểu tình “cân nhắc tình hình chung”, nhưng đồng thời yêu cầu nhà cầm quyền “lưới mở một mặt” cho những chủ nhân tương lai này.
Ông nói: “Mặc dù luật pháp mâu thuẫn với tình người, nhưng bất cứ việc gì, về mặt chính trị đều có hai khía cạnh. Mọi người có thể thấu hiểu và nghĩ cho đối phương, thì nhiều việc lớn có thể hóa thành việc nhỏ”.
Đây là lần thứ hai Lý Gia Thành bày tỏ thái độ về cuộc biểu tình “Phản đối dự luật dẫn độ” ở Hồng Kông. Trước đó vào ngày 16/8, ông đã đăng quảng cáo trên một số phương tiện truyền thông Hồng Kông, kêu gọi chấm dứt bạo lực và khuyên nhủ “Dưa trên giàn vàng, sao lại hái tận”, nhưng lại không nói rõ đối tượng khuyên răn là ai. Một số người cho rằng Lý Gia Thành ám chỉ Bắc Kinh, cũng có tin đồn rằng ông cố gắng làm “vừa lòng đôi bên”.
Bối cảnh trong lần phát biểu thứ hai của Lý Gia Thành đó là, Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga ngày 4/9 đã tuyên bố thu hồi các điều lệ sửa đổi, đồng thời triển khai “cuộc đối thoại chân thành” với người dân Hồng Kông.
Một số người cho rằng đây là thắng lợi đầu tiên trong cuộc đấu tranh của người Hồng Kông, một số người lại cho rằng đây chỉ là “kế hoãn binh” để làm dịu tình hình của Bắc trước ngày quốc khánh Trung Quốc 1 tháng 10.
Tuy nhiên, căng thẳng giữa chính phủ Hồng Kông và người dân vẫn không có dấu hiệu “nới lỏng”. Cảnh sát Hồng Kông tiếp tục leo thang đàn áp bạo lực. Người dân Hồng Kông cho rằng “đâm lao phải theo lao”, và tiếp tục kiên trì “năm yêu cầu lớn, thiếu một cũng không được”.
Vào ngày hôm sau khi Lý Gia Thành lên tiếng lần thứ hai, “Apple Daily” đã đăng một bài viết rằng, Lý Gia Thành chưa bao giờ có cơ hội gặp gỡ với Tập Cận Bình trong bảy năm qua, và mối quan hệ của ông với Bắc Kinh không còn tốt như trước.
Bài báo cho biết, Đặng Tiểu Bình đã hai lần đích thân gặp Lý Gia Thành, người cầm quyền tiếp theo là Giang Trạch Dân cũng có mối quan hệ mật thiết với Lý Gia Thành, không chỉ gặp nhiều lần, mà mỗi lần Giang đến Hồng Kông, nhất định sẽ đến ở khách sạn của Lý Gia Thành, hơn nữa còn ra sức “chiếu cố” cho công việc kinh doanh của Lý Gia Thành ở đại lục, đôi bên cùng có lợi. Đến thời Hồ Cẩm Đào cũng phải “nhún nhường” Lý Gia Thành vài phần. Năm 2010, Hồ Cẩm Đào đã sắp xếp một cuộc gặp đặc biệt với Lý ở Thâm Quyến trong 10 phút.
Tuy nhiên, Tập Cận Bình đã nắm quyền hơn sáu năm nhưng chưa bao giờ có cuộc gặp riêng với Lý Gia Thành. Vào tháng 9/2016, các phương tiện truyền thông của Tân Hoa Xã đã chỉ trích Lý đồng loạt rút vốn tại đại lục và hô hào “Đừng để Lý Gia Thành chạy trốn”, điều này từ một góc độ nào đó đã phản ánh mối quan hệ giữa Lý Gia Thành và chính quyền Bắc Kinh hiện tại.
Tuy nhiên, Hồng Kông do “đại lão” Tăng Khánh Hồng của phái Giang “cầm lái” nhiều năm, dưới chính sách chỉ đạo “lẳng lặng làm giàu” của Giang Trạch Dân, Hồng Kông sớm đã trở thành mảnh đất màu mỡ để rửa tiền và cất giấu tài sản của giới chức sắc ĐCSTQ, nhiều tập đoàn lớn ở Hồng Kông đều bị cáo buộc có mối quan hệ lợi ích qua lại với giới chức sắc ĐCSTQ.
Một số phương tiện truyền thông Mỹ dẫn lời Bắc Kinh nói rằng, vì liên quan đến lợi ích của các quan chức cấp cao, đối với vấn đề Hồng Kông, nội bộ Bắc Kinh chia thành hai phe đối lập. Đối với một số chức sắc, họ thích thà để Hồng Kông độc lập, chứ không muốn sử dụng vũ lực để đàn áp, bởi vì một khi Hồng Kông (Hương Cảng – Cảng thơm) trở thành “Cảng thối”, lợi ích của họ ở Hồng Kông sẽ bị tổn hại rất nhiều.
Vào ngày 7/8, Văn phòng ĐCSTQ tại Hồng Kông – Ma Cao và các quan chức cấp cao của Văn phòng Liên lạc Trung ương Trung Quốc đã gặp gỡ hàng trăm đại diện từ Hồng Kông tại Thâm Quyến.
Theo tin từ các phương tiện truyền thông Hồng Kông, các quan chức ĐCSTQ đe dọa người dân Hồng Kông từ mọi tầng lớp bằng cách “thực thi luật pháp đại lục ở Hồng Kông”, bao gồm buộc những doanh nhân có liên quan đến lợi ích của các chức sắc ĐCSTQ phải bày tỏ sự ủng hộ đối với đường lối cứng rắn của Bắc Kinh. Sau đó, một số doanh nhân “gạo cội” ở Hồng Kông đã liên tiếp lên tiếng.
Vài ngày trước, mặc dù chính phủ Hồng Kông tuyên bố thu hồi các điều lệ sửa đổi dẫn độ, nhưng thủ đoạn khủng bố của ĐCSTQ vẫn leo thang. Sau thảm kịch của “Chuyến tàu chết chóc” tại ga Prince Edward vào ngày 31/8, Hồng Kông bắt đầu xuất hiện dày đặc sự cố “tự sát” đáng ngờ.
Một số nhà phân tích chỉ ra rằng, ĐCSTQ sẽ đe dọa người dân Hồng Kông để ngăn chặn các cuộc biểu tình bằng một vụ thảm sát khủng bố mà không nắm bắt được bằng chứng chính xác. Tuy nhiên, những người biểu tình ở Hồng Kông vẫn không rút lui. Họ nghĩ rằng đây là trận chiến cuối cùng của Hồng Kông. Một khi thất bại, thì sẽ trở thành một Tân Cương tiếp theo.
Tuệ Tâm (Theo NTDTV)