Giá bán ngày càng giảm mạnh, ưu thế về chất lượng rõ rệt giúp dòng TV độ phân giải Ultra HD được người tiêu dùng trong nước để ý nhiều hơn.
2015 được các công ty nghiên cứu thị trường quốc tế đánh giá là năm của TV 4K và thị trường Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế. Tại các siêu thị điện máy lớn, lượng TV 4K đang chiếm khoảng 70% không gian trưng bày. Đại diện ngành hàng Điện tử một hệ thống điện máy lớn tại Hà Nội cho biết, doanh số TV 4K bán ra nửa đầu năm nay cao hơn khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng người quan tâm thể hiện rõ qua số lượt tra cứu, tăng 70% thông qua website bán hàng trực tuyến của đơn vị này.
Số lượng mẫu mã nhiều, chất lượng nâng cao và quan trọng là gía bán ngày càng giảm, chạm đến mức chi tiêu của nhiều hộ gia đình, được cho là nguyên nhân giúp sức mua của TV 4K tăng đáng kể. Xuất hiện lần đầu năm 2012 với giá bán hơn 300 triệu đồng, TV 4K gặp nhiều khó khăn để tiếp cận với khách hàng trong nước vì được coi là món đồ đắt đỏ, chỉ dành riêng cho nhóm khách hàng cao cấp. Lựa chọn của phần đông người dùng vẫn là TV LED truyền thống. Trong 3 năm tiếp theo, giá TV 4K liên tục giảm mạnh và hiện tại chỉ cao hơn khoảng 10% so với dòng Full HD cao cấp có cùng kích thước. Trở ngại về giá bán được gỡ bỏ, dòng TV cao cấp này đã bình dân hơn theo đúng lộ trình mà các nhà sản xuất đưa ra. Năm ngoái, LG đã gây sốt thị trường với model 4K 40UB800T với giá khoảng 14 triệu đồng kích thước 40 inch. Bằng giá tiền này, năm nay người dùng có thể lựa chọn mẫu 49UF670T nhưng kích thước lớn hơn, lên 49 inch. Dù vậy, loạt sản phẩm trên bán ra với số lượng giới hạn và lược bỏ một vài tính năng thông minh. Động thái của LG khiến các nhà sản xuất khác như Samsung, Sony hay TCL rục rịch đưa ra sản phẩm tương đương để cạnh tranh. Năm nay, Samsung đã tung ra hàng chục mẫu TV 4K đời mới, trong đó model thấp nhất từ 16 triệu đồng như JU6000, JU6600. Ngay cả Sony vốn được biết đến với các TV có giá cao cũng không bỏ ngỏ phân khúc 4K phổ thông, bằng việc phát hành dòng X8300C giá hơn 18 triệu đồng. Sự hấp dẫn của thị trường TV trong nước đã khiến thương hiệu Philips quay trở lại Việt Nam bằng 7 sản phẩm mới, giá cạnh tranh, trong đó có 2 model độ phân giải 4K. Trong khi đó, TCL cũng bán ra nhiều TV độ phân giải cao, giá hợp lý so với kích cỡ màn hình, từ 15 triệu đồng. Dù vậy, hai thương hiệu này còn khiến khách hàng e dè do sản phẩm của họ chưa thật sự phổ biến. Giá giảm, TV 4K còn hấp dẫn nhờ chất lượng vượt trội và nhiều lựa chọn kích cỡ. Theo nghiên cứu của IHS, độ phân giải Ultra HD là nâng cấp đáng giá nhất ở các TV LCD trong vài năm trở lại đây. Ngoài ra, người dùng đã có nhiều lựa chọn kích thước TV 4K, từ 40 inch thay vì chỉ xuất hiện các model màn hình lớn. Nếu như trước, các nhà sản xuất loay hoay trong việc phát triển màn hình cong, thêm thắt các tính năng… mà không mang lại hiệu quả thật sự cho người dùng, thì chất lượng hình ảnh sắc nét trên TV 4K đã chinh phục được khách hàng. Anh Hoàng Minh, một người vừa sở hữu TV 4K cho biết, rất hài lòng với lựa chọn của mình. “Nhờ độ phân giải gấp 4 lần dòng Full HD, TV Ultra HD là sự nâng cấp đáng giá, chẳng kém nhiều việc đổi TV CRT trước đây sang TV LED”. Các mẫu TV 4K năm nay được nhà sản xuất dồn nhiều cho chất lượng hiển thị, nhấn mạnh vào công nghệ chấm lượng tử và cải tiến đèn nền. Ở phân khúc cao cấp có thể kể đến dòng Samsung SUHD, LG Super UHD, Sony Bravia X9000 Series… Trong khi đó các nguồn phát nội dung số ở Việt Nam ngày càng được nâng cao, số lượng kênh HD tăng theo lộ trình số hóa truyền hình. Theo nghiên cứu của Futuresource Consulting, thị trường TV chung trong năm 2015 không khởi sắc nhưng riêng TV 4K sẽ tăng trưởng tới 147%. Trong khi đó, IHS nhận định dòng TV độ phân giải siêu cao sẽ chiếm 17% tổng lượng TV bán ra. Dù khó tạo được làn sóng chuyển đổi mạnh mẽ như từng làm được với HDTV nhưng các chuyên gia công nghệ nhận định, TV 4K là xu hướng tất yếu của nhà sản xuất, người tiêu dùng cũng như các bên phát triển nội dung. Đình Nam |
Theo VnExpress – Số Hóa