Ở Việt Nam, cây xuyến chi mọc hoang rất nhiều, người dân thường nghĩ nó chỉ là cây cỏ dại, thế nhưng theo các chuyên gia, loại cây này có tác dụng “thần kỳ” trong y học, có thể dùng để chữa rất nhiều loại bệnh.
Theo báo Doanh nghiệp & Tiếp thị, xuyến chi có tên khoa học là Bidens pilosa, ngoài ra nó còn có tên gọi khác là song nha lông, đơn buốt, đơn kim, quỷ châm hay theo cách gọi dân gian là hoa cỏ đĩ. Đây là một loài thực vật có hoa thuộc chi Bidens, họ Cúc (Asteraceae).
Cây mọc hàng năm, cao từ 0,3 đến 1m, mọc đứng, phân nhánh nhiều. Thân cây non có lông, thân cây già màu nâu tía. Lá mọc đối, đơn hay thường có 3 lá chét hình trứng rộng 1,5-2cm, dài 3-6cm, mép lá khía răng cưa nhọn, đều. Hoa mọc riêng lẻ hay từng đôi một ở ngọn hoặc nách lá, vòng ngoài hoa hình lưỡi màu trắng, nhụy hoa vàng, quả bế hình thoi, có 2-3 sừng ở đầu quả.
Ở Việt Nam cây xuyến chi có thân tròn, có lông, có thể cao tới khoảng 1m, chúng mọc ở khắp nơi, đây là loại cây ưa sáng, ẩm, thường mọc thành quần thể dày đặc ở những bãi đất trống, ven đường, đồng cỏ,…
Trong cây xuyến chi có thành phần hoạt chất gồm: Nước: 9,8%, Methanol: 8,6%, Acetone: 2,8%, Mangan: 2,2%, Magie: 2,3%, Photpho: 1,6%, Canxi: 1,1%, Crom: 1,2%, Kẽm: 0,03%, Sắt: 0,02%.
Theo báo VTV News, cây xuyến chi có vị đắng, tính mát, hơi cay, có tác dụng thanh nhiệt cơ thể, giải độc, sát trùng vết thương, hoạt huyết, chống viêm, khu phong, tan máu tụ. Vì ngọn xuyến chi có vị hăng nên trước khi nấu thì phải luộc qua nước sôi để giảm bớt vị hăng của nó.
Loài hoa này còn được dùng trong một số bài thuốc để chữa các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, viêm ruột thừa, viêm họng, viêm dạ dày – ruột, viêm gan truyền nhiễm, sốt rét, tiêu hóa kém, đau nhức xương khớp, rắn cắn, mề đay, nổi mẩn, bị thương, lở trĩ, viêm gan virus, đau răng, sâu răng, sốt cao ở trẻ,…
Trong những năm 1970, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã thúc đẩy việc trồng xuyến chi ở châu Phi để làm rau ăn vì nó dễ trồng và không có độc tính.
Xuyến chi được sử dụng nhiều chống bệnh tiểu đường ở Mỹ, Châu Phi và Châu Á. Theo các nhà khoa học, loại cây này có thể dùng để điều trị bệnh tiểu đường type 1 (T1D), type 2 (T2D) ở động vật.
Trong xuyến chi có thành phần butanol có khả năng ức chế sự tăng sinh tế bào T, tăng tế bào Th2 và cytokines, giảm tế bào Th1 và cytokines, phòng ngừa Tiểu đường type 1(T1D) ở chuột. Cytopiloyne có hoạt tính chống T1D rất mạnh, có khả năng ức chế sự tăng sinh tế bào T, điều hòa miễn dịch, chống tăng đường huyết.
Dịch chiết ethanol từ ngọn xuyến chi giúp làm giảm lượng đường trong máu của chuột. Hỗn hợp 2 hợp chất C và B làm giảm nồng độ glucose trong máu. Dịch chiết nước xuyến chi làm kích thích tăng tiết insulin và chống teo tế bào tuyến tụy, có tác dụng trong phòng ngừa, điều trị Tiểu đường type 2 (T2D).
Cytopiloyne không thể ngăn chặn cũng như chữa khỏi hoàn toàn bệnh Tiểu đường nhưng nó có tác dụng làm giảm các triệu chứng của bệnh.
Dưới đây là một số bài thuốc cụ thể trị các bệnh từ hoa xuyến chi:
1) Rắn cắn, mề đay, nổi mẩn, bị thương, lở trĩ
Lá xuyến chi 10g, rửa sạch, giã nát đắp vào chỗ đau hoặc vết thương.
2) Viêm họng, viêm thanh quản
Cây xuyến chi lấy cả hoa và lá, kim ngân hoa, sài đất, lá húng chanh, cam thảo đất, mỗi thứ 10-15g. Sắc với 700ml nước lấy 300ml, chia 2 lần uống trong ngày. Sắc uống ngày một thang.
3) Viêm gan virus
Cây xuyến chi cả hoa và lá 20g, diệp hạ châu (chó đẻ răng cưa) 2g, cam thảo đất 15g, bồ bồ 15g, hạt dành dành 12g. Sắc uống ngày một thang.
4) Chấn thương phần mềm, tụ máu đau nhức
Dùng lá và hoa xuyến chi, lá cây đại, 2 loại thảo dược lấy cùng một lượng bằng nhau, giã nát, băng đắp vào chỗ đau, thực hiện ngày 1-3 lần. Khi máu tụ tan, hết đau nhức thì ngừng đắp thuốc.
5) Đau răng, sâu răng
Dùng lá và hoa xuyến chi giã nát với một ít muối trắng. Viên thành viên nhỏ, nhét vào chỗ đau răng hoặc sâu răng.
6) Trẻ sốt cao
Hoa và lá xuyến chi mỗi loại 20g, sài đất 20g, giã nát vắt lấy nước cho trẻ uống ngày 2-3 lần, còn bã thuốc đắp lòng bàn chân cho trẻ.
Ngoài ra, cây xuyến chi còn dùng để nấu nước tắm (100–200g nấu với 4–5 lít nước), rồi lấy bã xát kỹ để trị mẩn ngứa. Thường dùng 1–2 lần là có kết quả. Lá tươi giã nát dùng đắp lên mi mắt khi bị đau mắt. Vào mùa hè dùng cây lá nấu thay chè uống phòng bệnh đường ruột.
Yên Yên (t/h)