Tinh Hoa

Từ người chuyên đi bức hại thành người bị bức hại, chính quyền TQ đã làm điều đó như thế nào?

Khi thấy một phụ nữ lớn tuổi bị giam giữ trong trại lao động cưỡng bức đang tập các động tác khí công chậm rãi, bà Thôi Huệ Phương lập tức nổi xung và đấm người phụ nữ 70 tuổi kia mạnh đến mức bà này ngã loạng choạng về phía sau và va phải một cái khung giường kim loại.

“Sao bà ta lại dám tập các động tác trong ca trực của mình?”, bà Thôi nghĩ. Lúc đó, bà là một nữ cảnh sát tại một Trung tâm cải tạo bắt buộc ở thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc.

Lăng mạ và đánh đập những người luyện tập Pháp Luân Công – một môn thiền định cổ truyền Trung Quốc bao gồm các bài tập khí công nhẹ nhàng và việc tuân theo nguyên lý Chân, Thiện, Nhẫn – là công việc quen thuộc hàng ngày của bà Thôi dưới chỉ thị của cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân. Kể từ tháng 7/1999, cuộc đàn áp chính thức bắt đầu và hiện vẫn đang tiếp diễn.

Nhưng không lâu sau, bà Thôi lại thấy thương hại. Thực ra, ngay sau khi tung cú đấm, bà liền có suy nghĩ: Xin đừng bị đau.

Tháng 1 năm nay, bà Thôi, 52 tuổi, đã nghỉ hưu khỏi chức vụ cảnh sát. Ngày 12/2, cảnh sát đã lục soát nhà, bắt cóc và nhốt bà trong một trung tâm giam giữ ở Giai Mộc Tư, ở rìa đông bắc Trung Quốc, giáp biên giới với Siberia.

Gần cuối tháng 7, bà Thôi đã nhờ họ hàng thay mặt gửi đơn kiện hình sự đối với ông Giang Trạch Dân lên tòa án cấp cao nhất và cơ quan tố tụng. Hơn 100.000 đơn kiện chống lại ông Giang đã được gửi đi trong một nỗ lực nhằm buộc chính quyền Trung Quốc thực hiện các cam kết về pháp quyền, để truy tố cựu lãnh đạo ĐCSTQ về các tội ác chống lại loài người và tội ác diệt chủng.


Một biểu đồ cho thấy số lượng nguyên đơn và số đơn kiện cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân từ tháng 5/2015, theo dữ liệu từ Minh Huệ, trang web tin tức về Pháp Luân Công. (Frank Fang/Epoch Times)

“Tôi từng là một người tham gia tích cực và đồng thời là nhân chứng của cuộc đàn áp đẫm máu chống lại Pháp Luân Công”, bà Thôi viết trong đơn kiện. “Tôi cũng đã tự mình trải nghiệm được sự tốt đẹp của Pháp Luân Công và trở thành một học viên.

Bây giờ, tôi lại là một nạn nhân của cuộc đàn áp”.

‘Điều không ngờ đã xảy ra’

Theo Minh Huệ (minghui.org), trang web thông tin chính thức của Pháp Luân Công, trong các trại lao động cưỡng bức, những người luyện tập Pháp Luân Công bị tẩy não, ngược đãi và tra tấn nhằm buộc họ từ bỏ niềm tin của mình. Hàng trăm nghìn người đã bị tra tấn theo cách này tại bất cứ thời điểm nào, và hơn 3.800 người đã bị bức hại đến chết. Các con số này trên thực tế được cho rằng còn cao hơn nhiều, nhưng rất khó để lấy được thông tin độc lập ra khỏi Trung Quốc do sự kiểm soát chặt chẽ của ĐCSTQ.

Ban đầu, bà Thôi Huệ Phương không nghĩ gì về việc bức hại những người luyện tập Pháp Luân Công. Nhiều năm tra tấn đều đặn các tù nhân trong trại lao động cưỡng bức như một phần của công việc “chuyển hóa” đã làm bà trở nên vô cảm khi ra tay; một số đồng nghiệp của bà thậm chí còn thích thú khi làm việc này.

Thôi Huệ Phương, một cựu cảnh sát từng tham gia vào cuộc đàn áp những người luyện tập Pháp Luân Công đã bị lay động bởi cách cư xử của những người mà bà bức hại. (Ảnh: Minghui.org)

Nhưng cách cư xử của những người tập Pháp Luân Công đã bắt đầu làm bà Thôi bị cảm động. Họ không những không tỏ ra thù ghét những người đã tra tấn họ, mà họ còn đáp lại sự ngược đãi tàn bạo của bà Thôi và những người khác bằng sự từ bi.

“Thời gian trôi qua, tôi ngày càng đứng về phía những người luyện tập Pháp Luân Công”, bà Thôi hồi tưởng lại những gì nói với một người bạn, người đã viết về chuyện này trong một lá thư gửi điến kiểm sát viên ở Giai Mộc Tư.

Trở nên tuyệt vọng khi những người tập Pháp Luân Công vẫn trung thành với niềm tin của họ, chính quyền trại lao động cưỡng bức Giai Mộc Tư đã thử một phương pháp tâm lý – các cuốn sách của Pháp Luân Công được phát cho cảnh sát, và họ được ra lệnh đọc những cuốn sách này để bắt bẻ lại những điều giảng dạy trong đó, như một phần của nỗ lực nhằm ép buộc những người luyện tập Pháp Luân Công thừa nhận sai lầm đối với niềm tin của họ.

Bà Thôi được cấp sách “Chuyển Pháp Luân”, cuốn sách chính của Pháp Luân Công. Sau khi đọc cuốn sách, “điều không ngờ đến đã xảy ra”, cậu con trai 26 tuổi của bà viết trong một lá thư gửi đến kiểm sát viên ở Giai Mộc Tư.

Bà Thôi đã ngừng uống rượu, ngừng chơi mạt chược – một loại cờ Trung Quốc thường được dùng để đánh bạc – không nói tục và trở nên khỏe mạnh hơn.

“Cuốn sách Chuyển Pháp Luân đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời của mẹ tôi”, con trai của bà viết.

Trở thành một học viên Pháp Luân Công là một sự đấu tranh với bà Thôi. Khi đọc “Chuyển Pháp Luân”, bà Thôi cảm thấy Pháp Luân Công “là chân chính và dạy người ta làm người tốt” và bà cảm thấy “bất công” khi ĐCSTQ phỉ báng môn thiền định này. Nhưng rồi bà ngay lập tức đặt cuốn sách xuống và nghĩ: “Làm sao tôi có thể suy nghĩ như thế được; tôi là một cảnh sát. Tôi cần công việc và còn có một gia đình!”

Câu chuyện đặc biệt

Bà Thôi là một nhân chứng trực tiếp về “cuộc khủng bố tàn nhẫn ở Trung Quốc”, điều này sau đó đã làm mạnh mẽ thêm quyết tâm luyện tập Pháp Luân Công của bà.

Một năm trước khi nghỉ hưu, bà Thôi quyết định biểu lộ sự ủng hộ đối với các học viên Pháp Luân Công bị tra tấn ở nhà tù Kiến Tam Giang ở Hắc Long Giang. Sau đó cảnh sát địa phương đã đánh đập và bắt giam các luật sư – Đường Cát Điền, Giang Thiên Dũng, Vương Thành và Trương Tuấn Kiệt – những người tìm cách biện hộ cho các học viên Pháp Luân Công.

Sau vụ việc Kiến Tam Giang, bà Thôi nhận ra rằng mình đã bị chính quyền theo dõi và giám sát. Họ đã ra tay vào tháng 2, bắt giữ bà dựa vào cáo trạng “nắm giữ các bí mật nhà nước và tài liệu mật”.

Luật sư Lê Hùng Binh ở Bắc Kinh đã gặp bà Thôi, và kể với Minh Huệ rằng cáo trạng “chỉ là một loại thủ tục”. Vấn đề mấu chốt đằng sau vụ bắt giữ là câu chuyện đặc biệt của bà – một cựu cảnh sát trở thành một người luyện tập Pháp Luân Công.

Bà Thôi Huệ Phương “đã trở thành một học viên Pháp Luân Công do trải nghiệm của bà, và bà đang nói cho mọi người vì sao bà luyện tập Pháp Luân Công và môn thiền định này là gì”, ông Lê cho biết.

“Điều này sẽ khiến mọi người bị sốc”, ông Lê nói, hàm ý chỉ những người dân Trung Quốc và các quan chức hiện vẫn tin theo lời lừa dối của ĐCSTQ về cuộc đàn áp đã kéo dài hơn một thập kỷ này.

Theo Daikynguyen.vn