Tinh Hoa

Từ khóa “Liên Minh Trà sữa” được sử dụng hơn 100.000 lần trên Twitter trong 1 ngày

Từ khóa “Liên minh Trà sữa” mới đây đã tăng đáng kể trên mạng xã hội nhằm bày tỏ ủng hộ dân chủ tại Châu Á, bao gồm các phong trào biểu tình tại Thái Lan, Hồng Kông và Đài Loan.

Từ khóa “Liên minh Trà sữa” nhằm bày tỏ ủng hộ dân chủ tại Châu Á, bao gồm các phong trào biểu tình tại Thái Lan, Hồng Kông và Đài Loan. (Ảnh qua Reuters)

Dữ liệu thống kê cho thấy, tính riêng ngày 16/8, từ khóa “Liên minh Trà sữa” được sử dụng hơn 100.000 lần trên mạng xã hội Twitter.

Tại Đài Bắc (Đài Loan), hàng chục người đã tụ tập bày tỏ ủng hộ với biểu tình tại Thái Lan. Hãng tin Reuters (Anh) đưa tin diễn biến cho biết rằng, phong trào xuyên biên giới tại châu Á này là phong trào của những thanh niên ủng hộ nền dân chủ.

Từ khóa “Liên minh Trà sữa” xuất hiện từ tháng 4. Việc lựa chọn từ “trà sữa” nhằm đại diện cho đam mê chung của giới trẻ Thái Lan, Hồng Kông và Đài Loan.

Giáo sư Wasana Wongsurawat tại Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) nhận định rằng, “Liên minh Trà sữa” còn là dấu hiệu cho thấy thách thức mà chính quyền Trung Quốc sẽ phải đối mặt liên quan đến ảnh hưởng của quốc gia này trong khu vực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên không ủng hộ “Liên minh Trà sữa” và nói rằng: “Âm mưu của họ sẽ không bao giờ thành công”.

Hàng vạn người tham gia cuộc biểu tình ở Bangkok ngày 16/8. (Ảnh qua Twitter)

Vào tháng 4, sau khi nam diễn viên Thái Lan Vachirawit Chivaaree thích một bức ảnh trên Twitter, trên đó nhắc đến Hồng Kông như một “quốc gia”, Trung Quốc đã đăng ngập tràn bình luận trên Instagram và các mạng xã hội khác để “chỉnh” anh này, khiến Chivaaree sau đó phải đăng lời xin lỗi vì “thiếu thận trọng khi nói về Hồng Kông”, một thành phố tự trị của Trung Quốc chứ không phải một quốc gia độc lập.

Đáp lại, “Liên minh trà sữa”, gồm những người có chung sở thích uống trà sữa, tạo nên một làn sóng chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc trên mạng xã hội, vào thời điểm Bắc Kinh đang nỗ lực cải thiện hình ảnh bị tổn hại bởi cuộc khủng hoảng vì đại dịch Vũ Hán.

Lương Phong (t/h)