Ngày 6/2, có tin nói rằng bác sĩ nhãn khoa 34 tuổi tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán Lý Văn Lượng đã không may qua đời, nhưng chính quyền Trung Quốc nhiều lần ‘đổi giọng’ về vấn đề này, đồng thời nhấn mạnh Lý Văn Lượng vẫn đang trong tình trạng nguy kịch. Động thái này gây ra sự phẫn nộ trong dân chúng.
Truyền thông chính thức nhấn mạnh “đang cấp cứu”, bệnh viện Vũ Hán xác nhận đã tử vong
Ngay khi tin tức về cái chết của Lý Văn Lượng lan truyền trên mạng, truyền thông Trung Quốc bắt đầu tranh giành nhau để đưa tin về “tình hình mới nhất” của Lý Văn Lượng.
Trong đó, “Tuần san tin tức Trung Quốc” là công ty con của Thông tấn xã Trung Quốc, đã đưa tin chính thức trên Weibo vào lúc 0 giờ 4 phút ngày 7/2 nói rằng, Lý Văn Lượng vẫn đang được cứu chữa.
Báo cáo nhấn mạnh, lần đầu tiên gọi điện thoại đến phòng chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện Trung ương Vũ Hán lúc 9 giờ 24 phút tối ngày 6/2, đầu dây bên kia trả lời rằng đang chữa trị. Lần cuối cùng gọi lúc 11 giờ 56 phút, đầu dây bên kia nói rằng vẫn đang cứu chữa.
Tuy nhiên, theo tờ “Thời báo sinh mệnh” đã đăng một bài viết trên Weibo vào tối ngày 6/2 nói rằng, Lý Văn Lượng đã chết vì bệnh lúc 9 giờ 30 phút tối hôm đó do nhiễm chủng mới virus Corona 2019. Theo báo cáo của “Báo quan sát kinh tế” vào lúc 0 giờ 29 phút ngày 7/2, Lý Văn Lượng đã qua đời lúc 0 giờ 4 phút.
Theo một bác sĩ tại Bệnh viện Hiệp Hòa Vũ Hán, tim Lý Văn Lượng ngừng đập vào khoảng 9 giờ 30 phút tối ngày 6/2, nhưng đã nhanh chóng cấp cứu bằng phương pháp Oxy hóa màng ngoài cơ thể (ECMO).
Tuy nhiên, theo tin tức mới nhất từ Weibo chính thức của Bệnh viện Trung ương Vũ Hán lúc 3 giờ 48 phút ngày 7/2: Bác sĩ nhãn khoa Vũ Hán Lý Văn Lượng đã qua đời lúc 2 giờ 58 phút ngày 7/2.
“Người thổi còi” đầu tiên của dịch viêm phổi Vũ Hán được người dân khen ngợi
Lý Văn Lượng là bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán. Vào ngày 30/12/2019, anh đã gửi tin nhắn trong một nhóm bạn học trên Wechat nói rằng, anh nhìn thấy một báo cáo xét nghiệm của bệnh nhân cho thấy, “7 trường hợp nhiễm SARS đã được xác nhận tại chợ hải sản hoa quả Hoa Nam”.
Anh nhắc nhở bạn học chú ý đề phòng. Sau khi tin nhắn được lan truyền trên Weibo, Cục Công an địa phương bắt giữ anh vào ngày 3/1/2020 và cáo buộc anh đã đăng “phát ngôn sai sự thật”, cảnh báo, phê bình, đồng thời yêu cầu anh ký “bản kiểm điểm”.
Cho đến khi dịch viêm phổi Vũ Hán vượt ngoài tầm kiểm soát, bộ y tế Trung Quốc cuối cùng đã thừa nhận rằng virus này có thể truyền từ người sang người. Các phương tiện truyền thông chính thức trước sức ép của dư luận đã phải “minh oan” cho Lý Văn Lượng và 7 người tiết lộ thông tin khác tương tự như anh.
Trong một cuộc phỏng vấn của Lý Văn Lượng với giới truyền thông khi còn sống đã tiết lộ, thực tế tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán đã xuất hiện tình trạng bệnh truyền từ người sang người từ ngày 9 tháng trước. Ạnh nói: “Tôi vẫn sẽ ở tuyến đầu sau khi hồi phục. Hiện tại dịch bệnh vẫn đang lan rộng, tôi không muốn làm lính đào ngũ”. Chính câu nói này đã khiến nhiều người dân Trung Quốc cảm động.
Tuy nhiên, vào ngày 10/1, Lý Văn Lượng bắt đầu ho, ngày 11 sốt và ngày 12 nhập viện. Sau đó anh được gửi đến phòng trị liệu đặc biệt để làm xét nghiệm DNA nhưng không có kết quả. Anh được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt, sau nhiều lần xét nghiệm anh được chẩn đoán nhiễm “chủng mới virus Corona”. Anh công bố chẩn đoán nhiễm bệnh vào ngày 1/2 trên Weibo.
Ngoài ra, trong thời gian điều trị tại bệnh viện anh từng tiết lộ, nhiều đồng nghiệp và bố mẹ anh cũng bị lây nhiễm bệnh và phải ở lại bệnh viện. Nhưng sau khi tình trạng của Lý Văn Lượng xấu đi, không có tin tức gì thêm về cha mẹ anh. Cũng có tin vợ Lý Văn Lượng bị nhiễm bệnh, nhưng thông tin liên quan chưa được xác nhận.
Câu chuyện “Phục sinh từ cõi chết” của Lý Văn Lượng làm dấy lên tranh luận
Nhiều người bày tỏ suy nghĩ của họ về tin Lý Văn Lượng qua đời. Có bình luận viết, “(Lý Văn Lượng) rốt cuộc đã chết hay còn sống. Các người (chính phủ) nói một lời chuẩn xác, đừng vì sĩ diện mà lừa dối nhân dân. Nhiều người đăng tin đang chữa trị, vừa xong lại đăng tin đã lên thiên đàng rồi, vậy rốt cuộc sự thật là gì, đừng tiếp tục lừa dối và che giấu nữa. Khi còn sống bị các người lừa dối, đến lúc chết đi vẫn còn bị các người lợi dụng!”.
Một cư dân mạng khác cho rằng “ĐCSTQ tranh thủ thời gian tìm kiếm chủ đề nóng, biến chủ đề nóng thành việc cứu người, khiến tâm trạng tức giận của người dân chuyển thành thất vọng.Trước là xúc phạm nhân cách, sau lại xúc phạm cá nhân, thật không biết xấu hổ. Sinh ra từ sự bất chính, ắt sẽ chết vì xấu hổ”.
Có cư dân mạng chỉ ra rằng: “Sự thật là không thể cứu được nữa, nhưng ngay cả khi đã chết thì cũng phải giả vờ cứu chữa, trong thời gian đó có thể nhân cơ hội tung tin đồn và xóa bài đăng để giảm nhiệt, đồng thời còn có thể chia rẽ đám đông. Có vẻ như việc tung tin đồn để kiểm soát dư luận đã diễn ra không chỉ một, hai lần”.
Một cư dân mạng khác than thở: “Đây là cái kiểu gì vậy? Một bác sĩ vĩ đại đã qua đời, lại còn bị ngụy tạo để những anh hùng lương thiện ‘chết đi sống lại’ trong dư luận. Đây có phải là sự xúc phạm không? … Không chỉ lấy đi sự bình yên anh ấy xứng đáng có được vào cuối đời, mà còn làm lu mờ lòng tốt của mọi người!”.
Minh Huy (Theo Secretchina)