Đài PBS của Mỹ vừa công bố một tài liệu điều tra cho biết Trung Quốc đã mổ cắp nội tạng của các tù nhân sau đó tiêu thụ trên thị trường chợ đen, điều mà bấy lâu nay các luật sư và tổ chức nhân quyền trên thế giới vẫn luôn lên án.
Nhà nghiên cứu chuyên về lĩnh vực Trung Quốc Ethan Gutmann, làm việc cho Tổ chức Quốc phòng Dân chủ (FDD) đã có một cuộc điều tra vấn nạn tử tù bị lấy nội tạng ngoài ý muốn. Trong tài liệu nghiên cứu của ông Gutmann có cả lời khai của một bác sĩ tên Enver Tohti.
Ông Tohti là bác sĩ phẫu thuật tại một bệnh viện ở khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc. Năm 1994, ông được lãnh đạo bệnh viện yêu cầu thiết lập một phòng mổ di động và được chỉ định phẫu thuật lấy nội tạng từ một người đàn ông còn sống nhưng không được làm bệnh nhân tử vong. Sau khi chuyển tới Anh, bác sĩ Tohti khẳng định hoạt động lấy nội tạng tù nhân còn sống diễn ra sớm ở Tân Cương.
Năm 1984, chính phủ Trung Quốc thông qua quy định cho phép lấy nội tạng của tử tù. Cựu thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc năm 2012 tuyên bố, 90% cơ quan nội tạng là do tử tội cung cấp. Tuy nhiên, tổ chức nhân quyền Dui Hua của Mỹ năm 2013 cho biết, chỉ có 2.400 tù nhân bị hành quyết ở Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh thừa nhận có tới 10.000 ca ghép tạng được thực hiện mỗi năm.
Cũng trong năm 2013, châu Âu đã thông qua một nghị quyết tạo bước ngoặt trong việc lên án mạnh mẽ tội ác mổ cướp nội tạng tù nhân lương tâm còn sống ở Trung Quốc. Nghị quyết nói rõ: “Quan ngại sâu sắc về các báo cáo liên tục và đáng tin cậy về việc mổ cướp nội tạng tù nhân lương tâm có hệ thống được nhà nước phê chuẩn tại Cộng hòa Nhân dân Trung quốc, bao gồm cả một số lượng lớn các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù vì tín ngưỡng của họ, và các thành viên của các nhóm tôn giáo thiểu số và sắc tộc khác“.
Hiệp hội Bác sĩ chống mổ cướp nội tạng (DAFOH) đã lưu ý vào Tháng 4/2015 rằng:
Nguồn tạng chính của Trung Quốc được cho là đến từ các tử tù, nhưng thực tế không phải vậy: Có sự gia tăng hoạt động thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm. Đây là nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có việc bức hại dã man người thực hành tín ngưỡng Phật giáo, học viên Pháp Luân Công, và những nhóm khác; họ là mục tiêu chính có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của cơ quan cưỡng chế thu mua đang có nhu cầu cao. DAFOH thúc giục cộng đồng y tế toàn cầu phải thận trọng và không chấp nhận tuyên bố của Trung Quốc khi đối mặt với lợi ích.
Vào năm 2006, luật sư nhân quyền người Canada David Matas và cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour đã bắt đầu điều tra tính hợp lý của các báo cáo ban đầu từ các tù nhân lương tâm Pháp Luân Công, những người bị sử dụng như một nguồn nội tạng sống cung cấp cho ngành ghép tạng lợi nhuận cao của Trung Quốc, họ phát hiện số ca ghép tạng tăng mạnh trong khoảng thời gian từ 2000-2005. Tổng cộng 41.500 ca ghép tạng được thực hiện ở Trung Quốc trong khoảng thời gian này. Đến năm 2009, ông Matas xuất bản cuốn sách “Thu hoạch đẫm máu” nêu rõ hoạt động mổ cắp nội tạng ở Trung Quốc.
Thị trường nội tạng ở Trung Quốc cực kỳ sôi động và được gọi là “thị trường tỉ đô”. Một quả thận có giá 62.000 USD, gan hoặc tim là 130.000 USD, giác mạc 30.000 USD…
Theo Người Lao Động