Tinh Hoa

Truy quét các ‘Ông Đồ’ viết chữ “chui” trên vỉa hè Văn Miếu

Theo thông tin từ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội, dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, “Phố ông Đồ” sẽ được chuyển từ vỉa hè phố Văn Miếu vào khu vực Hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Các ông Đồ chỉ dám dựng tạm chỗ bán hàng.

Việc di dời này nhằm đảm bảo an ninh trật tự, mỹ quan đô thị, không làm ảnh hưởng đến cảnh quan di tích. Tuy nhiên, xung quanh quyết định này vẫn còn một số vấn đề gây băn khoăn. 

Cổng vào Hồ Văn, khu vực quy hoạch hoạt động thư pháp của các ông đồ.

Mặc dù quyết định này đưa ra từ một tuần nay, nhưng tại vỉa hè Văn Miếu, các “ông Đồ” vẫn dựng lều viết chữ, bất chấp sự truy đuổi của lực lượng an ninh trật tự. Tuy nhiên, chỉ “đuổi” được một lúc, các “ông Đồ” lại lễ mễ dọn nghiên bút viết trở lại.

Các ông Đồ di tản khi công an xuất hiện

Trong khi đó, tại khu vực Hồ Văn, các lều chữ đã được dựng lên nhưng chỉ lác đác một vài “ông Đồ” chịu ngồi lại. Theo quan sát, khu vực này cũng ít được người dân để tâm đến. Khi được hỏi, nhiều người dân và du khách khu vực phố Văn Miếu và phố Quốc Tử Giám vẫn không biết đến quy định này. 

Vắng vẻ..

Theo phản ánh của nhiều người dân, việc di chuyển “phố ông Đồ” vào Hồ Văn cũng gây bất tiện do khuôn viên ở đây khá hẹp. Nhất là vào dịp Tết, lượng người kéo về đây ngày một đông, chắc chắn việc xin chữ sẽ không làm thỏa mãn nhiều người.

Lực lượng chức năng truy quét các “ông Đồ” trên vỉa hè.

Trong tâm thức của nhiều người, hình ảnh những “ông Đồ” bày “mực tàu”, “giấy đỏ” trên phố Văn Miếu mỗi dịp Tết đến xuân về đã trở nên quá đỗi thân thuộc. Việc di chuyển “phố ông Đồ” vào Hồ Văn sẽ khiến những người ưa thích nét đẹp văn hóa truyền thống này cảm nhận rõ nét một sự nuối tiếc và hụt hẫng. Còn bản thân những “ông Đồ” được di chuyển vào Hồ Văn cũng cảm thấy buồn, nhiều “ông Đồ” khác không có trong diện này không biết “đi đâu về đâu”.

Năm nay sẽ có khoảng 60-70 “ông Đồ” tham gia viết thư pháp tại khu vực Hồ Văn thuộc Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Đây là những người được tuyển chọn từ các câu lạc bộ thư pháp, có lai lịch, nguồn gốc và phải đeo thẻ khi tham gia hoạt động.

“Phố ông Đồ” mở cửa từ 8h30-20h00 hàng ngày. Riêng đêm 30 Tết kéo dài đến 2h sáng; ngày mùng 1 và mùng 2 Tết kéo dài đến 22h để phục vụ người dân vui xuân.

Theo VTC