Tinh Hoa

Trường ĐH chủ trì cụm thi “thấp thỏm” chờ nhận nhiệm vụ

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015, cả nước sẽ có tất cả 38 cụm thi liên tỉnh cho thí sinh (TS) dự thi vừa xét tuyển tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học và hơn 60 cụm thi dành cho TS chỉ xét tuyển tốt nghiệp. Tuy nhiên, tới thời điểm này, Bộ GDĐT vẫn đang “thẩm định năng lực” các trường ĐH.

Tổ chức các cụm thi giống nhau

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Kỳ thi năm nay, cả nước sẽ có 38 cụm thi liên tỉnh (mỗi cụm ít nhất 2 tỉnh, thành phố) dành cho hai mục đích là thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ. Ngoài ra, toàn quốc còn có hơn 60 cụm thi tỉnh dành cho các thí sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp. Việc tổ chức tại các cụm thi giống nhau, tức là dù ở cụm thi tỉnh hay liên tỉnh thì thời gian, đề thi, thanh tra… là như nhau.

Thí sinh dự thi đại học tại trường Đại học Sài Gòn năm 2014 (Ảnh: Quốc Hải)

Cụ thể, theo dự kiến của Bộ GD-ĐT, các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và TP.HCM dự kiến sẽ có 7 cụm thi cho học sinh các tỉnh: Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, TP.HCM và Long An. 7 cụm thi này sẽ do các trường ĐH chủ trì gồm: ĐHQG TP.HCM, ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Y Dược TP.HCM, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Công nghiệp TP.HCM.

Cụm thi khu vực ĐBSCL gồm 6 cụm thi gồm: Cụm thi ĐH Cần Thơ (gồm TP Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang và phụ trách thêm điểm thi ở huyện đảo Phú Quốc); cụm thi ĐH Đồng Tháp (gồm tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Long An); cụm thi ĐH Tiền Giang (gồm tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre); cụm thi ĐH An Giang (tỉnh An Giang và Kiên Giang); cụm thi ĐH Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long) và cụm thi ĐH Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau).

Khu vực Tây Nguyên sẽ có 3 cụm thi gồm: cụm thi Lâm Đồng, Ninh Thuận (ĐH Đà Lạt chủ trì), cụm thi Đắk Lắk, Đắk Nông (ĐH Tây Nguyên chủ trì), cụm thi Gia Lai, Kon Tum do Phân hiệu Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM tại Gia Lai chủ trì và đề xuất thêm cụm thi Bình Định, Phú Yên (ĐH Quy Nhơn chủ trì).

Tại Hà Nội dự kiến có 8 cụm thi nhưng vẫn chưa công bố danh sách.

Khu vực miền Trung các cụm thi sẽ do ĐH Đà Nẵng và ĐH Huế phối hợp chủ trì. Riêng các cụm thi khu vực phía Bắc hiện chưa có thông tin.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, dự kiến giữa tháng 3, Bộ GD-ĐT sẽ công bố chính thức danh sách cụm thi và đưa ra bảng hướng dẫn quy chế tuyển sinh năm 2015. Còn hiện tại, Bộ vẫn đang khảo sát năng lực các trường và lắng nghe ý kiến đóng góp từ dư luận xã hội.

Ngoài các cụm thi liên tỉnh, dự kiến sẽ có hơn 60 cụm thi dành cho thí sinh chỉ xét tuyển tốt nghiệp. Các cụm thi này sẽ do Sở GD-ĐT địa phương chủ trì.

Kỳ thi năm nay, cả nước sẽ có 38 cụm thi liên tỉnh và hơn 60 cụm thi tỉnh (Ảnh minh họa: Quốc Hải)

Trường “thấp thỏm” chờ nhận nhiệm vụ

Dù là đơn vị nắm chắc thông tin sẽ phải chủ trì một cụm thi, nhưng đến nay ĐHQG TP.HCM vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin gì về nhiệm vụ của mình. Ông Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM cho biết: “Chúng tôi chỉ nắm thông tin năm nay dự kiến sẽ được Bộ GD-ĐT giao chủ trì tổ chức kỳ thi cho khoảng 45.000 thí sinh và thêm công tác in sao đề thi. Tuy nhiên, chưa có thông tin chính thức nào”.

Lo lắng không kém là ĐH Nông lâm TP.HCM. Ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết: “Chúng tôi cũng chưa nhận được thông tin chính thức nào. Hiện tại, ở TP.HCM, chúng tôi mới chỉ nhận thông tin sẽ chủ trì cụm thi cho khoảng 30.000 thí sinh và chúng tôi đã lên kế hoạch chi tiết cho nhiệm vụ này. Cụ thể, nhà trường đã liên lạc với khoảng 30 điểm thi trên địa bàn các quận Thủ Đức, quận 9… để mướn mặt bằng thi, sẵn sàng liên hệ với Sở GD-ĐT TP.HCM để mướn giáo viên các trường tham gia công tác coi thi”.

Về việc tổ chức kỳ thi ở cụm thi Gia Lai – Kon Tum, ông Lý cũng cho biết mới chỉ nghe thông tin bên lề rằng nếu tổ chức ở TP.HCM thì không được nhận ở Gia Lai – Kon Tum nữa và ngược lại.

“Nếu giao nhiệm vụ cho trường tổ chức ở Gia Lai – Kon Tum thì cũng gặp nhiều khó khăn ở công tác phân bổ đội ngũ, công tác vận chuyển và in sao đề thi… vì hiện tại sân bay Pleiku (Gia Lai) đang trong thời gian sửa chữa 6 tháng (từ tháng 3 đến tháng 8) nên khó khăn trong vận chuyển. Nếu được, tôi đề xuất ĐH Quy Nhơn nên phụ trách luôn cụm thi này vì năng lực trường này hoàn toàn có thể”, ông Lý nói.

Trong khi đó, ở khu vực miền Trung, ông Lê Xuân Vinh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Quy Nhơn cũng cho biết: Hiện chưa có thông báo chính thức từ Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, theo dự kiến, ĐH Quy Nhơn sẽ chủ trì cụm thi gồm các thí sinh ở Bình Định, Quảng Ngãi.

“Thí sinh thi tốt nghiệp THPT nhằm xét tuyển vào ĐH-CĐ đều thi tại Trường ĐH Quy Nhơn. Nhiều năm qua, trường đã tổ chức thi kỳ thi 3 chung, có năm cao nhất lên đến 47.000 thí sinh tham dự nên chúng tôi hoàn toàn tự tin đủ năng lực tổ chức kỳ thi này”- ông Vinh nói

Ở khu vực phía Bắc, hiện cũng chưa có thông tin chính thức nào về các trường ĐH sẽ chủ trì cụm thi.

Ông Trịnh Minh Thụ, Phó Hiệu trưởng Đại học Thủy Lợi – một trong số các trường được dự kiến sẽ giao tổ chức cụm thi kỳ thi THPT quốc gia tại Hà Nội, cho biết: “Trường ĐH Thủy lợi đã chuẩn bị rà soát tất cả các trường trong khu vực Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông, chuẩn bị cơ sở vật chất. Bên cạnh đó cũng chuẩn bị vị trí, cơ sở vật chất cho sao in đề thi, bảo quản đề thi và các công việc đang được tiến hành để chuẩn bị đón nhận kỳ thi mới này”.

Tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh nhưng cũng không gây quá tải cho cụm thi

Một số địa phương đề xuất bố trí thí sinh dự thi không theo sắp xếp cụm thi ban đầu của Bộ GD-ĐT để các em được đi dự thi gần hơn, đặc biệt với những thí sinh ở các huyện, xã giáp ranh các cụm thi. Bộ GD-ĐT cho biết Bộ hiểu rất rõ thí sinh vùng Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc đi lại khó khăn nên những trường hợp đặc biệt ở các huyện, xã giáp ranh các cụm thi, có thể sẽ được xem xét để một mặt tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh, nhưng mặt khác không gây quá tải cho một số cụm thi.

Theo Dân Việt