Cuộc đụng độ đẫm máu ở biên giới Trung – Ấn gần đây khiến cả thế giới ngạc nhiên, nhưng nếu chuyển hướng nhìn về phía đông Trung Quốc, với những gì đang xảy ra ở Bắc Kinh, có lẽ sẽ thấy được sự liên quan.
Trung Quốc và Ấn Độ có chung một đường biên giới dài chưa phân định rõ. Tuy nhiên, mỗi bên đều có khu vực kiểm soát riêng. Trong 58 năm qua từ Chiến tranh Trung Ấn 1962, cả 2 nước đã học được cách giữ hòa bình trong khi phân chia các ‘vùng xám’ (khu vực tranh chấp).
Tôi đã từng nghe những câu chuyện từ vài người bạn làm trong quân đội Trung Quốc. Cả hai phía biên giới đều biết một luật chơi khẳng định yêu sách lãnh thổ cạnh tranh của mình. Không quân đội bên nào mang súng khi tuần tra gần biên giới. Mỗi bên có thể dựng lều tạm ở khu vực tranh chấp, thậm chí ở khu vực kiểm soát của bên kia, và bên còn lại có quyền dỡ bỏ lều đó. Cả 2 bên đã chung sống trong hòa bình với lối chơi này nhiều năm.
Tuy nhiên tuần trước, khi một đội tuần tra Ấn Độ đi phá lều do lính Trung Quốc dựng lên, họ đã bị những binh lính Trung Quốc tấn công bằng gậy sắt gắn đinh. 20 binh sĩ Ấn Độ đã bị giết.
Đây là một cuộc tấn công có kế hoạch và chủ đích. Việc giết hại bất cứ người nào ở nước láng giềng cũng là một vấn đề ngoại giao và quân sự lớn. Nếu không có chỉ đạo từ các nhà lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), chuyện này sẽ không bao giờ xảy ra.
Cuộc xung đột biên giới này có một vài lợi ích cho ĐCSTQ: Nó chuyển hướng sự chú ý dư luận ra khỏi các cuộc khủng hoảng nội bộ của chính quyền Trung Quốc; nó thử thách xem liệu quân đội có tuân lệnh lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc hay không; và nó cho Ấn Độ thấy họ sẽ gặp rắc rối nếu không đứng về phía Trung Quốc trong cuộc chiến với Mỹ.
Trong lịch sử của ĐCSTQ, mỗi lần nó phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, nó sẽ tìm đến một mục tiêu bên ngoài và cố tình tạo ra một cuộc chiến. Vì không đủ sức chi trả cho một cuộc chiến thực sự, nên ĐCSTQ sẽ chọn một mục tiêu mà nó có thể kiểm soát quy mô cuộc chiến. Ấn Độ là lựa chọn thích hợp.
Vào thời điểm cao trào sau cuộc đụng độ, ngày 17/6, AIIB (Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á, do Trung Quốc khởi xướng) đã phê duyệt khoản vay trị giá 750 triệu đô cho Ấn Độ để ứng phó COVID-19. Khoản vay đã gửi một tín hiệu rằng ĐCSTQ muốn giữ quy mô xung đột trong tầm kiểm soát.
ĐCSTQ đã rất không vui khi Ấn Độ không đứng về phía Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ. Ấn Độ cũng từ chối tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực do Trung Quốc lãnh đạo. Trừng phạt là lôi kéo Ấn Độ bằng tiền là một chiến thuật điển hình của ĐCSTQ.
Tuy nhiên, kết quả có lẽ ngược lại so với những gì ĐCSTQ mong muốn. Ấn Độ đang chính thức cố gắng giảm nhiệt, nhưng người dân Ấn Độ lại bắt đầu tẩy chay hàng Trung Quốc. Sự cố biên giới chắc chắn sẽ đẩy Ấn Độ đến gần Mỹ hơn.
Cuộc xung đột này đã thu hút sự chú ý của truyền thông, nó trở thành tin tức hàng đầu ở mọi nơi. Do đó, rất ít kênh truyền thông để ý đến mức độ lây lan virus corona nghiêm trọng đang diễn ra ở Bắc Kinh.
Một số tỉnh Trung Quốc đang phải gửi đội ngũ y tế đến Bắc Kinh. Giao thông giữa Bắc Kinh và các thành phố khác đang bị khóa. Quan chức Trung Quốc đang có các cuộc họp với nhân viên bệnh viện, chủ yếu để đảm bảo họ không tiết lộ cho thế giới bên ngoài tình hình thật sự về dịch bệnh. Hơn 10 người Trung Quốc đã bị phạt vì “tung tin đồn thất thiệt”.
Một số quan chức Trung Quốc giấu tên tiết lộ Bắc Kinh hiện đang giống Vũ Hán hồi tháng 1 và tháng 2. Phần lớn khoảng thời gian đó, Vũ Hán bị phong tỏa, các bệnh viện quá tải vì bệnh nhân Covid-19.
Cách xử lý của ĐCSTQ ở Bắc Kinh hiện nay đang lặp lại tình hình ở Vũ Hán. Khi các quan chức ra sức kiểm soát tình hình thì không rõ 7 lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ đang ở đâu. Nếu họ ở Bắc Kinh, tính mạng của họ đang gặp nguy hiểm do virus. Nếu họ rời Bắc Kinh, quyền lực của họ sẽ bị đe dọa.
Gần đây, tin tức các bệnh viện quân đội tràn ngập bệnh nhân nhiễm virus đang lan truyền tại Bắc Kinh. Trên thực tế, số ca nhiễm virus trong quân đội được coi là tuyệt mật. Do đó một cuộc chiến quy mô nhỏ có thể xua đi mọi nghi ngờ về sức mạnh hiện tại của quân đội Trung Quốc.
Người biểu tình Hong Kong thường cầm các biển hiệu ghi “Trời diệt Trung Cộng”. Đó không phải chuyện đùa. Gần đây dường như hàng tuần, chúng ta đều nghe thấy tin tức về các sự kiện đe dọa sự tồn vong của ĐCSTQ.
Trong tuần này, mưa lớn đã gây lũ lụt ở nhiều khu vực tại Trung Quốc, đặc biệt là tỉnh Tứ Xuyên. Đất, cát và nước đang tích đầy phía sau đập Tam Hiệp gây tranh cãi.
Một số chuyên gia đang gọi nó là một quả bom, mạnh hơn một quả bom nguyên tử. Con đập nằm ở rìa phía tây miền trung đông dân cư của Trung Quốc. Nếu nó sụp đổ dưới áp lực nước, nó sẽ nhấn chìm một khu vực sản xuất hơn 50% GDP của Trung Quốc và nơi hàng trăm triệu người sinh sống.
Tác giả: Diana Zhang
Tiến sĩ Diana Zhang là một cây bút có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghiên cứu về Trung Quốc. Cô hiện đang làm việc ở Mỹ và sử dụng bút danh để bảo vệ các thành viên gia đình tại Trung Quốc.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của BBT Tinh Hoa.
Thùy Linh (Theo The Epoch Times)