Đại dịch COVID-19 vẫn chưa biến mất, thì một loại virus “Langya” mới đã xuất hiện ở Trung Quốc. Các chuyên gia lo ngại rằng một khi nó phát triển thành lây truyền từ người sang người, mức độ tác hại có thể vượt xa sự bùng phát ban đầu của virus Corona. Chi của virus này có tỷ lệ tử vong từ 40% đến 70%.
Tạp chí ‘New England Journal of Medicine’ đã công bố một báo cáo vào đầu tháng 8 rằng từ tháng 4/2018 đến tháng 8/2021, một bệnh truyền nhiễm mới nổi “virus Langya” (tên tiếng Anh đầy đủ là Langya-Henipavirus, viết tắt là LayV) đã được tìm thấy ở Sơn Đông và Hà Nam, Trung Quốc, ít nhất 35 người bị nhiễm ở Trung Quốc.
Trong số 35 trường hợp nêu trên, 26 trường hợp bị nhiễm riêng loại virus Langya này, và 9 trường hợp đồng nhiễm với các loại virus khác. Các triệu chứng chính bao gồm sốt, mệt mỏi, ho, chán ăn, đau cơ, buồn nôn, nhức đầu và nôn.
Các nhà nghiên cứu cho rằng virus vẫn chưa có dấu hiệu “lây truyền từ người sang người”. Nhưng các chuyên gia lo lắng rằng việc lây truyền từ người sang người sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra.
Hoàng Lập Dân – Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đại học Quốc gia Đài Loan, nói với VOA: “Điều chúng tôi lo lắng nhất là lây truyền từ người sang người”. “Bây giờ chúng ta phải làm rõ tình hình. Nếu chúng ta không thể ngăn chặn sự lây truyền từ động vật sang người, một ngày nào đó nó sẽ trở thành sự lây truyền từ người sang người.”
Hoàng Lập Dân cho biết: “Một khi virus bắt đầu lây lan từ người này sang người khác, nó sẽ bắt đầu đột biến. Sau khi đột biến, độc tính của nó sẽ trở nên mạnh hơn hay yếu đi. Rất khó để nói, tất cả đều có thể xảy ra.”
Không có trường hợp tử vong nào được báo cáo trong số những người bị nhiễm virus Langya, nhưng các nhà nghiên cứu lo ngại rằng virus này thuộc giống Henipavirus, một họ virus đã từng bùng phát ở người và có tỷ lệ tử vong cực cao.
Các chuyên gia được BBC phỏng vấn nói rằng việc phát hiện ra virus Langya không nhất thiết có nghĩa là sẽ có một đại dịch mới. Nhưng việc phát hiện ra một loại virus mới trong họ Henipavirus là điều đáng lo ngại vì các mầm bệnh khác trong họ này trước đó đã gây bùng phát và lây lan rộng ở Châu Á và Châu Đại Dương.
Những đợt bùng phát này là do “anh em họ” của “Langya virus”, đó là virus Hendra (Hendra henipavirus, viết tắt là HeV) và Nipah henipavirus (gọi tắt là NiV).
Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), virus Hendra rất hiếm nhưng có tỷ lệ tử vong là 57%. Từ 40% đến 75% số người bị nhiễm virus Hendra có thể tử vong, và virus này có thể để lại nhiều di chứng, bao gồm co giật dai dẳng và thay đổi tính cách.
BBC đưa tin, khả năng gây chết người của virus Hendra và virus Nipah tại thời điểm bùng phát cao hơn đáng kể so với đợt bùng phát dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) lần đầu tiên ở Trung Quốc vào tháng 12/2019.
Cho đến nay, không có bất kỳ phương tiện truyền thông chính thức nào của chính quyền Trung Quốc đưa báo cáo về virus Langya, cũng như không đưa ra bất kỳ lời nhắc nhở nào đối với công chúng. Đồng thời, tài khoản của một số nền tảng thuộc trang web Khoa học y tế Đinh Hương Viên của Trung Quốc đã bị chặn. Trước khi bị chặn, một người nào đó đã đăng về “virus Langya” trên trang Đinh Hương Viên.
Tử Vi (Theo NTDTV)