Được ví như tay đao phủ hàng đầu thế giới, Trung Quốc đã hành quyết 2.400 người năm 2013, nhóm nhân quyền có trụ sở tại Mỹ tiết lộ hôm Thứ Ba (21/10), trong khi đang làm sáng tỏ số liệu hiếm hoi mà Bắc Kinh coi là một bí mật quốc gia.
Theo ghi nhận của Tổ chức Dui Hua, số lượng bị xử tử đã giảm xuống 20% vào năm 2012, và rất thấp nếu so sánh với 12.000 người vào năm 2002.
Trung Quốc rất kín đáo trong việc công khai số lượng người bị hành quyết giảm dần trong những năm qua. Tuy nhiên, con số này vẫn lớn hơn so với tổng cộng của các nước khác, các nhóm nhân quyền cho hay.
Tính trên toàn thế giới, trừ Trung Quốc, tổng cộng chỉ có 778 người bị kết án tử vào năm 2013, theo báo cáo hàng năm của Tổ chức Ân xá quốc tế công bố năm ngoái.
Tổ chức này không ước tính số lượng người Trung Quốc bị hành quyết. Dui Hua thông tin, số liệu mà nhóm có được là từ “một quan chức tư pháp nắm rõ số lượng các vụ hành quyết thực hiện mỗi năm”. Mặc dù con số này đã giảm xuống trong những năm gần đây, nhưng “dường như đã tăng trở lại” vào năm nay.
Nguyên nhân có thể do chiến dịch “nghiêm đả” của Bắc Kinh đối với khu vực bất ổn rộng lớn của người Hồi giáo ở Tân Cương. Hàng trăm người đã bị tuyên án tử vì tội khủng bố ở khu vực trên. Tuần trước, có 12 trường hợp bị tòa án phán tội danh cao nhất, đó là những người mà Bắc Kinh quy kết có liên quan đến cuộc tấn công hồi tháng 7 vừa qua.
Vụ việc xảy ra khiến 37 thường dân và 59 “khủng bố” ( theo cách gọi của Bắc Kinh) thiệt mạng, 13 người khác bị thương, truyền thông nhà nước đưa tin. “Số lượng người bị hành quyết ở Trung Quốc hiện vẫn nhiều hơn toàn bộ thế giới gộp lại, mặc dù con số này đã giảm đáng kể sau khi mọi phán quyết án nặng nhất được đưa về xét duyệt tại Tòa án Nhân dân Tối cao vào năm 2007”, Dui Hua nhận định.
Tòa án tối cao có chức năng xem xét tất cả phán quyết án tử trong nước, và có 39% hồ sơ được gửi trả lại tòa án cấp thấp hơn hàng năm, nhằm bổ sung thêm chứng cứ, tổ chức Dui Hua trích dẫn từ Nam Hoa tuần báo.
Chính quyền Trung Quốc đang kiểm soát chặt chẽ hệ thống pháp luật cũng như tòa án ở nước này. Tỉ lệ số vụ hình sự bị kết án chiếm gần 100% tổng số các vụ án. Việc dùng bức cung và nhục hình vẫn còn diễn ra phổ biến khắp Trung Quốc để lấy lời khai, dẫn đến một số lượng không nhỏ người bị kết án sai. Bắc Kinh đôi khi miễn án tử hình cho những bị can bị kết án oan sau khi thủ phạm thực sự thú tội, hoặc một số trường hợp các vụ án tưởng là giết người nhưng nạn nhân sau đó vẫn còn sống khi được tìm thấy. Trong một trường hợp đặc biệt nổi bật tại phiên xét xử hồi tháng Sáu, Tòa án Nhân dân Tối cao đã lật ngược bản án tử hình đối với Lý Diễm, người phụ nữ giết chồng để tự vệ do bị ngược đãi tàn bạo trong một thời gian dài mà không được chính quyền bảo vệ dù đã kêu cứu nhiều lần.
Thiên Hà, Công Lý – Theo Scmp