(GDVN) – Một số công việc đã được xử lý bởi Đại sứ Trung Quốc tại The Hague, họ thành lập một đường dây liên lạc chính thức với tòa án.
Reuters ngày 4/7 đưa tin, yêu sách của Trung Quốc đối với khu vực Biển Đông (nước này nhảy vào) tranh chấp sẽ được nghiên cứu kỹ về mặt pháp lý quốc tế lần đầu tiên trong tuần này. Trong khi đó Bắc Kinh vẫn chính thức từ chối tham gia vụ kiện đường lưỡi bò do Philippines khởi xướng tại Tòa án Quốc tế về Luật Biển. Đội ngũ pháp lý quốc tế của Manila đã có mặt tại Tòa án Trọng tài thường trực tại The Hague để giải trình trước 5 thẩm phán có thẩm quyền thụ lý đơn kiện của Philippines, các quan chức Bộ Ngoại giao Philippines nói với Reuters. Động thái này là vì lo ngại một báo cáo công khai thể hiện lập trường của Trung Quốc trong tháng 12 năm ngoái về thẩm quyền của tòa án đối với vụ kiện. Một quyết định ít được chú ý của tòa án vào tháng Tư thừa nhận sự phản đối của Trung Quốc và thông báo rằng một cuộc điều trần về quyền tài phán từ ngày 7 đến ngày 13/7 sẽ được tổ chức lần đầu tiên. Manila đệ trình vụ kiện đường lưỡi bò vào năm 2013 để tìm kiếm một phán quyết về việc khai thác các vùng biển ở Biển Đông trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Các chuyên gia pháp lý cho rằng bất kỳ phán quyết nào có lợi cho Philippines sẽ khó được thi hành do không có cơ quan nào của Liên Hợp Quốc buộc đối tượng phải thực hiện một phán quyết như vậy. Tuy nhiên nó sẽ là một đòn ngoại giao đối với Bắc Kinh và nhắc nhở các bên yêu sách khác ở Biển Đông để có hành động tương tự. Vụ kiện đang được theo dõi chặt chẽ bởi các chính phủ châu A và Washington bởi những căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, đặc biệt là ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) mà Trung Quốc đang tạo ra ít nhất 7 đảo nhân tạo (bất hợp pháp) sẽ cho phép hải quân nước này triển khai sức mạnh vào sâu trung tâm hàng hải Đông Nam Á. Một số học giả pháp lý quốc tế và chuyên gia về Biển Đông lại cho rằng, Trung Quốc đã “tham dự hiệu quả” vào vụ kiện đường lưỡi bò, mặc dù họ chính thức từ chối làm điều này. Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore cho biết, đã xuất hiện dấu hiệu tiến trình xử lý vụ án đang quay lại “dàn xếp” lợi ích cho Trung Quốc. Tuy nhiên một học giả pháp lý khác nói rằng điều đó không có nghĩa là các thẩm phán sẽ làm gì có lợi cho Bắc Kinh: “Họ đang nỗ lực đảm bảo công bằng nhất có thể. Họ dường như cảm nhận Trung Quốc sẽ soi kỹ từng chữ trong bất kỳ phán quyết cuối cùng nào”. Học giả Storey cho rằng các cuộc điều trần về thẩm quyền của tòa án có thể trì hoãn bất kỳ phán quyết cuối cùng nào từ 6 đến 12 tháng, có nghĩa là phiên tòa sẽ kéo dài quá thời hạn nhiệm kỳ của Tổng thống Benigno Aquino. Aquino sẽ phải rời ghế Tổng thống 6 tháng nữa. Ông là nhân vật chủ chốt đứng đằng sau các thách thức pháp lý đối với Bắc Kinh, từng làm Trung Quốc tức tối khi so sánh bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông với bành trướng của phát xít Đức trong Chiến tranh Thế giới II. Các nhà ngoại giao và chuyên gia pháp lý Trung Quốc đã theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của vụ kiện. Một số công việc đã được xử lý bởi Đại sứ Trung Quốc tại The Hague, họ thành lập một đường dây liên lạc chính thức với tòa án. Báo cáo quy trình của tòa án trong vụ kiện này cho thấy Trung Quốc có thể giao tiếp với tòa án thông qua Đại sứ của họ ở The Hague, trong khi phiên tòa cũng cập nhật cho Trung Quốc về các bước đi tiếp theo của vụ kiện cũng như cơ hội cho (Bắc Kinh) được đệ trình. Mặc dù có sự trao đổi, Trung Quốc vẫn lên kế hoạch từ chối bất kỳ phán quyết nào có lợi cho Philippines. |
Theo Báo Giáo dục Việt Nam