Tại Trung Quốc, một nhà báo công dân, nguyên là luật sư, đã bị kết án tù hôm 28/12/2020, vì đã đưa tin về Covid-19 tại Vũ Hán, nơi xuất phát đại dịch toàn cầu. Bản án được tuyên vào lúc chính quyền Bắc Kinh tự khen ngợi về thành tích phòng chống dịch virus corona tại nước này.
Theo hãng tin AFP, các nhà báo và nhà ngoại giao ngoại quốc đã không được phép vào tòa án Thượng Hải để theo dõi phiên xử cựu nữ luật sư Trương Triển (Zhang Zhan) 37 tuổi, chỉ diễn ra trong vài tiếng đồng hồ.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde gởi về bài tường trình :
“Hai chữ Z để ký tên các video clip của cô. “Tôi tên là Trương Triển”, nữ luật sư đã nói như thế trong các bài phóng sự được thực hiện bằng điện thoại di động từ Vũ Hán vào đầu mùa Xuân năm nay. Những video clip này đã khiến chính quyền rất giận dữ. Từ đó đến nay, gương mặt bầu bĩnh và dáng người đầy đặn của cô đã gầy đi rất nhiều, theo lời một trong những luật sư của Trương Triển. Vị luật sư này cho biết, do tuyệt thực để phản đối, bị ép truyền dịch qua đường mũi, sức khỏe của cô đã suy kiệt rất nhiều.
Khi tôi đến thăm trong tù, tôi thấy cô bị nhốt chung phòng với nhiều phạm nhân khác. Cô có đủ không gian để đi tới đi lui, nhưng dẫu sao thì cô thường xuyên bị trói.
Trong các video clip và bài viết đăng trên mạng, Trương Triển đã mô tả cảnh hỗn loạn trong các bệnh viện vào lúc dịch Covid-19 khởi phát tại Vũ Hán. Cô cũng đã chỉ trích cách xử lý dịch của chính quyền địa phương và nhất là việc phong tỏa kéo dài tại tỉnh Hồ Bắc. Đã từng bị bắt vào năm 2018 vì tội “gây rối trật tự công cộng” và bị bắt lần nữa vào năm 2019 vì bày tỏ sự ủng hộ đối với những người biểu tình ở Hồng Kông, nay Trương Triển lại bị cáo buộc phao tin đồn thất thiệt trên các mạng xã hội.
Theo một luật sư khác của của cô, là nhà báo công dân đầu tiên bị đưa ra xử vì đã đưa tin về đại dịch ở Vũ Hán, Trương Triển đã dứt khoát không nhận tội, vì biết rằng những thông tin mà cô thu thập được là do chính người dân trực tiếp cung cấp. Chỉ có gia đình của cô được phép vào dự phiên tòa.”
Mỹ đòi trả tự do cho các nhà hoạt động Hồng Kông
Cũng vào hôm nay, một nhóm nhà hoạt động Hồng Kông, bị bắt vào tháng Tám trên đường trốn khỏi Hồng Kông bằng tàu, trên nguyên tắc bị đem ra xử tại thành phố Thâm Quyến, miền nam Trung Quốc. Các phóng viên nước ngoài và các nhà ngoại giao nước ngoài cũng không được vào dự phiên xử các nhà hoạt động này, bị cáo buộc vượt biên trái phép.
Nhóm 12 người, trẻ nhất là 16 tuổi, đã bị tuần duyên Trung Quốc bắt giữ ngày 23/08 rồi giao lại cho cảnh sát Thâm Quyến. Theo gia đình các bị cáo, ba người trong số họ mang quốc tịch Anh, Bồ Đào Nha và Việt Nam. Một phát ngôn viên đại sứ quán Hoa Kỳ đã kêu gọi Bắc Kinh trả tự do ngay lập tức cho các nhà hoạt động này, bởi vì “tội duy nhất của họ là muốn trốn khỏi một chế độ chuyên chế”.
Bắc Kinh phản đối hai luật của Mỹ về Đài Loan và Tây Tạng
Trong khi đó, hôm nay, Trung Quốc, qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao, đã tỏ thái độ tức giận về việc tổng thống Donald Trump ban hành hai đạo luật nhằm tăng cường sự yểm trợ của Hoa Kỳ đối với Đài Loan và Tây Tạng. Đạo luật về Đài Loan (Taiwan Assurance Act of 2020) khẳng định Mỹ ủng hộ việc Đài Loan tham gia nhiều hơn vào các cơ quan Liên Hiệp Quốc và ủng hộ việc bán vũ khí thường xuyên cho Đài Bắc. Còn đạo luật về Tây Tạng (Tibetan Policy và Support Act of 2020) dự trù các biện pháp trừng phạt đối với những quan chức Trung Quốc can thiệp vào việc chọn người kế nhiệm đức Đạt Lai Lạt Ma. Hai văn bản này nằm trong luật về kế hoạch phục hồi kinh tế và hỗ trợ các các hộ gia đình gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19.
Theo RFI