Một video lan truyền trên mạng mới đây cho biết, dòng “sông treo” trở thành mối đe dọa lớn cho thành phố Vũ Hán. Trong khi đó, một con đập trên sông Trừ tại tỉnh An Huy mới đây lại tiếp tục bị phá hủy bằng chất nổ để cứu vãn tình hình.
“Sông treo” trên đầu Vũ Hán
Một đoạn video đăng tải trên Twitter vào ngày 15/7 viết: “Ảnh thật của Vũ Hán hôm nay! Tuyến phòng thủ cuối cùng, đê lũ đã bắt đầu thấm nước! Người dân dưới dòng sông treo vẫn đang ngắm nhìn nhộn nhịp mà không biết!” (người dân Trung Quốc gọi là “sông treo” bởi vì mực nước ngoài bờ đê cao hơn đường bên cạnh trong thành phố).
今日实拍武汉!
最后的防线,防洪堤已经开始渗水了! 悬河下的人还在看热闹不自知!pic.twitter.com/cOaQhLaKMA— 财经冷眼 (@caijinglengyan) July 15, 2020
Vũ Hán nằm ở hạ lưu của sông Trường Giang, và hiện tại mực nước sông Trường Giang cao hơn nhiều so với mặt đất thành phố Vũ Hán, nó đã thực sự trở thành một dòng “sông treo”.
Vào ngày 16/7, mực nước sông Trường Giang tại Vũ Hán đạt 28,26m, trong khi độ cao trung bình của thành phố Vũ Hán là 21 đến 27m. Trước mắt thì Vũ Hán hoàn toàn được bảo vệ bởi bờ kè dọc bờ sông. Tuy nhiên, một khi kè bị vỡ, cư dân Vũ Hán sẽ chìm trong lũ lụt với đỉnh lũ cao ngang tòa nhà 3 đến 4 tầng.
Chính quyền Trung Quốc cho nổ đập tại tỉnh An Huy để cứu nguy
Kênh truyền hình CCTV (Trung Quốc) mới đây cho biết vào sáng sớm 19/7, con đập trên sông Trừ tại tỉnh An Huy, Trung Quốc đã bị phá hủy bằng chất nổ. Theo dự tính, sau vụ nổ phá đập thì mực nước trên sông Trừ dự kiến giảm 70 cm.
Phá đập và đê kè để xả nước được cho là một biện pháp cực đoan nhằm đối phó với mưa lũ, và từng được áp dụng trong trận lũ lụt lịch sử hồi năm 1998 tại Trung Quốc. Trận lũ này đã khiến hơn 2.000 người chết và gần ba triệu ngôi nhà bị phá hủy.
Trước đó, chính quyền Trung Quốc đã từng công bố sai lệch thông tin về số cổng lũ được mở và thời gian xả lũ đập Tam Hiệp, cũng như cho máy xúc phá đê hồ Bà Dương để ‘hy sinh làng quê bảo vệ thành phố’.
Hàng năm, Trung Quốc đều hứng chịu thảm họa lũ lụt, đặc biệt tại khu vực miền Trung và miền Nam nhưng trận lũ năm nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo đó, 27 trong 31 địa phương cấp tỉnh và gần 38 triệu người bị ảnh hưởng. Hơn 2,2 triệu người phải sơ tán và hơn 150 người chết hoặc mất tích.
Lương Phong(t/h)