Chính phủ Trung Quốc không tham gia vụ kiện về tranh chấp trên Biển Đông tại Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), song giới chuyên gia nhận định Bắc Kinh không hề làm ngơ.
Bộ Ngoại giao Philippines thông báo với Reuters rằng đoàn chuyên gia pháp lý của họ chuẩn bị tới Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague, Hà Lan để tranh luận với 5 thẩm phán về việc tòa có thẩm quyền xét xử về tranh chấp lãnh thổ giữa Manila và Bắc Kinh hay không. Nếu PCA kết luận rằng họ có thẩm quyền xét xử, Philippines sẽ phải tham gia một phiên điều trần khác của tòa. Bà Hoa Xuân Oánh, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố trong cuộc họp báo hôm 2/7 rằng việc “xét xử đơn phương” là hành vi kích động chính trị núp bóng luật pháp để bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Song Charles Jose, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bác bỏ luận điệu của bà Hoa. “Phiên tòa là bước đầu tiên để thực hiện một giải pháp hòa bình và dựa trên luật pháp để giải quyết tranh cấp”, ông lập luận. Sau khi Philippines nộp đơn kiện Trung Quốc lên PCA vào năm 2013, Bắc Kinh nêu quan điểm của họ trên các báo nhà nước vào tháng 12 cùng năm. Trung Quốc cho rằng PCA không có thẩm quyền xét xử một vụ kiện như vậy. Hồi tháng 4 năm nay, PCA thông báo họ ghi nhận hành động phản đối của Trung Quốc, song sẽ tổ chức phiên điều trần về thẩm quyền xét xử từ ngày 7 tới 13/7. Trong đơn kiện, Manila yêu cầu PCA phân xử về quyền khai thác tài nguyên trong Vùng Đặc quyền Kinh tế có bán kính 320 km theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Giới chuyên gia luật nhận định nếu PCA ủng hộ Philippines, quyết định của họ chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, bởi không cơ quan nào của Liên Hợp Quốc giám sát việc thực thi các quyết định của PCA. Tuy nhiên, một quyết định như vậy của PCA sẽ là một thất bại trên phương diện ngoại giao đối với Trung Quốc và thôi thúc những nước tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc noi gương Philippines. Mỹ và nhiều nước châu Á đang theo dõi sát sao vụ kiện Trung Quốc của Philippines trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông tăng trong thời gian qua. Bắc Kinh đã xây 7 đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa để có thể tăng cường sức mạnh quan sự của họ ở Biển Đông. Một số học giả về luật quốc tế và chuyên gia về Biển Đông cho rằng Trung Quốc đang âm thầm tham gia vào vụ kiện của Philippines bằng cách tác động tới PCA. “Dường như hội đồng thẩm phán của PCA cũng lưu ý lợi ích của Trung Quốc, dù họ tỏ ra không hề thiên vị đối với cả Trung Quốc lẫn Philippines”, Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, phát biểu. Các chuyên gia khác khẳng định việc PCA ghi nhận lợi ích của Trung Quốc không đồng nghĩa với việc họ sẽ ủng hộ Bắc Kinh. “Hội đồng thẩm phán sẽ hành động một cách công bằng, bởi họ hiểu Trung Quốc sẽ xem xét từng chữ trong phán quyết của họ”, một học giả bình luận. Do Trung Quốc không đồng ý, Philippines không thể nộp đơn kiện lên Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague, Hà Lan về chủ quyền của những đảo mà họ tranh chấp với Bắc Kinh. Vì thế, Manila quyết định yêu cầu phân xử tranh chấp theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, một cơ chế cho phép các thẩm phán của PCA phân xử tranh chấp dù một bên phản đối và không tham gia tiến trình pháp lý. UNCLOS không đề cập tới chủ quyền, song nó vạch ra cách phân định hệ thống lãnh thổ và các vùng kinh tế mà các nước có thể tuyên bố chủ quyền dựa trên những cơ sở như đảo, đá và rạn san hô. Một số nguồn tin liên quan tới vụ kiện từ phía Trung Quốc tiết lộ rằng các quan chức ngoại giao và chuyên gia luật của Trung Quốc đang theo dõi từng diễn biến của vụ kiện, đồng thời thu thập ý kiến của dư luận ngoài nước. PCA khẳng định Trung Quốc có thể liên hệ với tòa thông qua đại sứ của họ tại PCA, đồng thời tòa cũng tạo điều kiện để Bắc Kinh tiến hành các thủ tục pháp lý. Mặc dù vậy, các nguồn tin nhấn mạnh Trung Quốc sẽ phản đối mọi quyết định có lợi cho Philippines. Linh Phong |
Theo Zing