Gần đây nổi lên thông tin về việc Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) từ đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa. Các chi tiết của vụ việc đang bắt đầu lộ diện.
Kênh CNBC của Mỹ là cơ quan thông tấn đầu tiên đưa tin về sự kiện này. Sau đó, Lầu Năm Góc đã xác nhận việc phóng các tên lửa đạn đạo chống hạm này có liên quan đến các Lực lượng tên lửa của Trung Quốc. Các tên lửa đã đáp xuống 2 vùng khác nhau trên biển. Việc xác định chính xác các tên lửa dùng trong các thử nghiệm này vẫn đang diễn ra.
Theo một sĩ quan giấu tên, một số tàu của Hải quân Mỹ đã có mặt tại thời điểm đó trên Biển Đông nhưng không có tàu nào ở gần khu vực thử nghiệm của Trung Quốc hoặc gặp nguy hiểm. Trung tá Dave Eastburn, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, cho rằng sự việc này là “đáng quan ngại”.
Theo Trung tá Eastburn: “Lầu năm góc đã biết về việc Trung Quốc phóng tên lửa từ các công trình nhân tạo gần quần đảo Trường Sa trên biển Đông. Điều thực sự đáng lo ngại về hành động này là nó mâu thuẫn trực tiếp với tuyên bố của ông Tập Cận Bình rằng ông sẽ không quân sự hóa các tiền đồn nhân tạo này”.
Tuy nhiên, tuyên bố của Trung tá Eastburn cho thấy các tên lửa đạn đạo chống hạm đã được phóng từ Trường Sa, phía nam Biển Đông dường như không có căn cứ và không thuyết phục. Bởi lẽ, triển khai và sử dụng vũ khí thuộc loại này từ các địa điểm như đảo đá nhân tạo Subi (Subi Reef – đảo lớn nhất ở Quần đảo Trường Sa với diện tích 5,52 km²) là thiếu năng lực chiến lược một cách trầm trọng.
Video: Trung Quốc thử tên lửa ở Biển Đông (nguồn: VOA)
Làm như vậy là sai lầm về mặt quân sự, vì các thiết bị mang phóng tự hành không có nơi trú ẩn và dễ trở thành mục tiêu bị tấn công phòng ngừa. Còn nếu triển khai trên đất liền, các thiết bị loại này có thể dễ dàng di chuyển theo hệ thống đường bộ ở Trung Quốc và ẩn náu trong các công sự ngầm.
Cần lưu ý rằng, khi định vị các tên lửa đạn đạo chống hạm, các rạn san hô kiên cố ở Trường Sa sẽ gây trở ngại về chiến thuật và tầm bắn để tiếp cận các mục tiêu hải quân lớn như hàng không mẫu hạm và tàu sân bay trực thăng hoạt động ở Biển Đông. Trong trường hợp này chỉ cần dàn trận ở đảo Hải Nam hoặc ở các tỉnh miền núi Quý Châu và Vân Nam là quá đủ.
Đối mặt với cáo buộc của Lầu năm góc rằng Trung Quốc đã phóng các tên lửa từ Quần đảo Trường Sa, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lập tức phản hồi trên Thời báo Hoàn Cầu: Thuộc kế hoạch huấn luyện hàng năm, gần đây Bộ Tư lệnh miền Nam của Quân đội Trung Quốc đã tiến hành bắn đạn thật gần đảo Hải Nam. Lần tập trận này không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào.
Phản hồi thứ hai, được đăng trên Reuters, về cơ bản mang thông điệp tương tự, ngoài ra còn thêm rằng: “Các báo cáo có liên quan không phù hợp với thực tế”.
Nếu Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã cho biết sự thật, thì có nghĩa là những lần phóng này thực sự nằm trong kế hoạch huấn luyện hàng năm của Lực lượng Tên lửa Trung Quốc và không phải là động thái đáp trả đợt diễn tập chung của siêu hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Mỹ và Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản từ ngày 10-12/6 ở Biển Đông. Và như thế, có thể coi các vụ phóng tên lửa đạn đạo chống hạm này là phần mở rộng của cuộc tập trận tháng 1 của quân đội Trung Quốc ở phía nam nước này.
Trên thực tế, những lần bắn tên lửa ngày 29 và 30/6 đã được đoán trước. Thật vậy, Cục Quản lý An toàn Hàng hải Trung Quốc đã cảnh báo an ninh để báo hiệu cho một khu vực hàng hải (màu đỏ trong hình) ngừng hoạt động trong thời gian diễn ra các cuộc tập trận quân sự trên biển Đông.
Từ 0 giờ ngày 29/6 đến 24 giờ ngày 3/7 (giờ Bắc Kinh), tất cả các phương tiện hàng hải bị cấm tiếp cận khu vực (số hiệu HN-0075) này. Tuy nhiên sau đó ngày 2/7, cảnh báo này đã bị hủy cho thấy cuộc tập trận đã kết thúc.
Ngoài lệnh cấm tiếp cận hàng hải này, còn có lệnh đóng cửa không phận (khu vực màu vàng ở hình dưới), từ 7:00 – 12:000 ngày 1/7 giờ Bắc Kinh. Lệnh cấm không phận này có số hiệu A3298/19.
So sánh cảnh báo an toàn hàng hải HN-0075 và lệnh cấm không phận A3298/19 sẽ suy đoán ra rằng: Tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc có thể đã được phóng vào sáng ngày 1/7.
Theo hãng tin NHK của Nhật, một sĩ quan Hoa Kỳ giấu tên cũng đã xác nhận ngày cất cánh này. Vĩ sĩ quan này cho biết, ngày 30/6 giờ Thái Bình Dương, 6 tên lửa đạn đạo được phóng từ đất liền ra Biển Đông.
Giờ Bắc Kinh và Giờ Thái Bình Dương chênh lệch nhau 15 giờ. Do đó, thời điểm tập trận mà vị sĩ quan Mỹ đề cập là vào ngày 1/7 giờ Bắc Kinh.
Hãng tin NHK của Nhật Bản cũng cho biết, 6 tên lửa đạn đạo của Trung Quốc đã đáp xuống 2 khu vực riêng biệt trên biển. Tuy nhiên, danh tính của loại tên lửa này (có thể là DF-16x, DF-21D hoặc DF-26C, …) thì vẫn đang được điều tra.
Ngoài câu hỏi về loại tên lửa đạn đạo được sử dụng, địa điểm bắn tên lửa của Trung Quốc cũng cần được xem xét. Hiện tại chưa có hình ảnh hoặc video thực tế nào để xác định địa điểm bắn, nhưng khi nối hai khu vực cấm di chuyển lại với nhau, chúng ta sẽ tìm ra được điểm bắn là tỉnh miền núi Quý Châu, đặc biệt là gần An Thuận. Đây là nơi các đơn vị chống máy bay mới thuộc Lực lượng tên lửa Trung Quốc đóng quân.
Xuân Nhạn (Theo Naval News)