Tinh Hoa

Trung Quốc: Phim cổ trang bị cấm vì “không phù hợp với các giá trị cốt lõi của xã hội”

Đảng Cộng sản Trung Quốc ám ảnh về kiểm duyệt đến nỗi gần đây họ đã cấm tuyệt đối tất cả các thể loại phim truyền hình cổ trang chiếu trên TV. Lý do đưa ra là thể loại phim ảnh này dẫn dắt người trẻ tuổi Trung Quốc dễ bị kích động vào “con đường sai trái”.

ĐCSTQ cho rằng phim cổ trang dễ dẫn dắt người trẻ tuổi Trung Quốc bị kích động vào “con đường sai trái”. (Ảnh trong phim Hậu cung Như Ý truyện)

Cấm các chương trình truyền hình

Từ năm 2012, chính phủ Trung Quốc đặt ra các quy định nghiêm ngặt về việc phát sóng các bộ phim truyền hình cổ trang. Những chương trình này có thể chỉ chiếm ít hơn 15% tổng thời lượng phát sóng trên truyền hình.

Mặc dù bị hạn chế, các bộ phim truyền hình cổ trang vẫn nhận được sự quan tâm rất cao trong lòng khán giả Trung Quốc. Phát sóng năm 2018, Diên Hi công lược là một bộ phim truyền hình cổ trang lịch sử gây tiếng vang lớn trên bình diện quốc tế. Ngoài ra, còn các bộ phim khác như Hậu cung Như Ý truyện đã góp phần quảng bá cho dòng phim truyền hình cổ trang của quốc gia này.

Tuy nhiên, tháng 1/2019, dưới sự hậu thuẫn của ĐCSTQ, tờ nhật báo Bắc Kinh đã đăng các bài viết công kích các bộ phim này. Tờ báo đã liệt kê 5 ảnh hưởng tiêu cực của phim truyền hình cổ trang như: truyền bá thời trang quá mức, miêu tả quá kỹ các mâu thuẫn trong triều đình, tán dương những mối tình ủy mị giữa hoàng đế và phi tần, cổ xúy sự lố lăng và thiếu nội dung về tinh thần.

Ở những bài xã luận tiếp theo, ĐCSTQ nhấn mạnh các bộ phim này đã khiến giới trẻ Trung Quốc học hư, cần bài trừ để tập trung làm các bộ phim có “nội dung tốt”.

Kết quả là, nhà nước đã tuyên bố cấm các bộ phim truyền hình cổ trang vào ngày 21/3. Tất cả các phim hiện nay bị yêu cầu gỡ bỏ ngay lập tức. Các chương trình đã có kế hoạch phát sóng bị yêu cầu lên lịch lại. Lệnh cấm vẫn có hiệu lực cho đến cuối tháng 7. Đây được xem là động thái khởi đầu chống lại các chương trình trình chiếu trên TV vì không tuân thủ đúng các quy định hiện hành. Các chủ đề như cung đấu, du hành thời gian, giả tưởng, võ thuật, tiểu sử và thần thoại đều được phân vào thể loại phim truyền hình cổ trang.

Các chủ đề như nội cung, du hành thời gian, giả tưởng, võ thuật, tiểu sử và thần thoại được phân vào thể loại phim truyền hình cổ trang. (Ảnh: Twitter)

Lệnh cấm này đã bị người dân Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ. Họ rất tức giận khi các bộ phim yêu thích của mình bị ngưng phát sóng và bày tỏ sự thất vọng đối với chính phủ trên các mạng xã hội.

Dưới sự phản ứng dữ dội của công chúng, cuối cùng, ĐCSTQ đã nới lỏng các quy định và cho phép các trang web vẫn phát trực tuyến các phim này. Tuy nhiên, các đài truyền hình có thể phải tiếp tục đối mặt với một số quy định hạn chế hơn.

Các dịch vụ phát trực tuyến như iQIYI, Tencent Video và Youku tuyên bố rằng họ sẽ ra mắt các chương trình được mong đợi trong những tháng tới. Ngày 3/4, iQIYI bắt đầu phát trực tuyến phim Tân Bạch Nương Tử truyền kỳ. Tencent Video sẽ chiếu Khánh Dư Niên như dự kiến. Khoảng 29 bộ phim truyền hình cổ trang dự kiến ​​sẽ được phát trên các nền tảng trực tuyến của Trung Quốc trong năm nay.

Phim Diên Hy công lược bị kiểm duyệt

Phim Diên Hi công lược bị ĐCSTQ lên án là “làm ô nhiễm xã hội hiện đại của chúng ta với chiêu trò nói xấu sau lưng của các phi tần, làm đẹp quá khứ phong kiến”. (Ảnh trong phim Diên Hi công lược)

Diên Hy công lược là phim truyền hình cổ trang phát sóng thành công nhất và được yêu thích nhất tại Trung Quốc trong năm 2018. Bộ phim được phát gần 15 tỷ lần trên iQIYI và được phát trên các kênh truyền hình ở 70 quốc gia. Bộ phim kể về quá trình một phi tần trẻ tuổi vươn lên nắm quyền ở chốn hậu cung thời nhà Thanh. Bộ phim chủ yếu nhận được sự ủng hộ từ các khán giả nữ. Theo dữ liệu từ một công ty Trung Quốc, gần 80% người xem chương trình là phụ nữ, phần lớn ở độ tuổi dưới 30.

Theo Foreign Policy, tháng 1 năm nay, Diên Hy công lược đã bị ĐCSTQ đánh giá là “không phù hợp với các giá trị cốt lõi của xã hội” và trở thành mục tiêu chính bị kiểm duyệt.

Nhật Báo Bắc Kinh lên án: “Bộ phim cổ trang này làm cho lối sống của hoàng đế trở thành xu hướng thời thượng, làm ô nhiễm xã hội hiện đại của chúng ta với chiêu trò nói xấu sau lưng của các phi tần, làm đẹp quá khứ phong kiến ​​trong khi bỏ qua các mô hình có vai trò tích cực của ngày hôm nay”.

Trương Mai (Theo Vision Times)